Việt Nam cải tiến "mắt thần" Kolchuga

Sư đoàn Phòng không 363 đã tiến hành nhiều cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống radar Kolchuga.

Năm 2014, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân) được tiếp nhận và điều chuyển nhiều loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại; đồng thời đưa vào SSCĐ, phục vụ huấn luyện một số loại vũ khí, khí tài cải tiến nâng cấp. Sư đoàn còn quản lý, bảo đảm kỹ thuật, khai thác số lượng lớn VKTBKT với nhiều chủng loại, đã qua sử dụng nhiều năm, vật tư linh kiện thay thế khan hiếm. Với yêu cầu làm chủ khai thác và sử dụng hiệu quả VKTBKT phục vụ SSCĐ, huấn luyện và các nhiệm vụ khác, ngành kỹ thuật của Sư đoàn đã chủ động nghiên cứu cải tiến, đồng bộ VKTBKT, tìm các giải pháp kỹ thuật tích hợp sử dụng VKTBKT phòng không đã có trong biên chế và mới tiếp nhận, bảo đảm hiệu quả và hiệu suất cao.

Năm 2013, Sư đoàn Phòng không 363 được Quân chủng Phòng không-Không quân công nhận 3 đề tài nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật có hàm lượng khoa học-công nghệ cao, giá trị sử dụng lớn, góp phần giúp đơn vị giải quyết những khó khăn trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Cụ thể: Đề tài mở rộng dung lượng bộ nhớ radar Kolchuga do Trung tá Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn radar 295 chủ trì; cải tiến hệ thống điều khiển máy lạnh radar Kolchuga do Đại úy Nguyễn Trung Hậu, Phó chủ nhiệm kỹ thuật Trung đoàn radar 295 thực hiện; sản phẩm mô phỏng thiết bị hiện hình đài điều khiển C125M bằng ngôn ngữ Laview.

Kiểm tra, đánh giá chất lượng đồng bộ xe máy, bảo đảm khả năng cơ động tác chiến ở Sư đoàn Phòng không 363.

Đại tá Lê Ngọc Bảo, Chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn Phòng không 363 đánh giá: Các đề tài, sáng kiến đều có chất lượng tốt, đưa vào sử dụng, khai thác, thiết bị hoạt động ổn định. Việc mở rộng dung lượng bộ nhớ radar Kolchuga đã khắc phục được tình trạng "treo máy" của khí tài do bộ nhớ của hệ thống thấp. Cán bộ kỹ thuật của Trung đoàn 295 đã tìm các giải pháp kỹ thuật phù hợp, từ lắp thêm RAM song song, tiến tới thay thế hoàn toàn RAM mới. Quá trình thực hiện có khảo sát, thử nghiệm, bảo đảm được sự tích hợp hệ thống để radar hoạt động ổn định, khắc phục những khó khăn phát sinh từ thực tế sử dụng. Đối với việc cải tiến hệ thống điều khiển máy lạnh radar Kolchuga có ý nghĩa lớn về kinh tế, vì nếu hệ thống máy lạnh không hoạt động, dẫn đến các thiết bị, linh kiện của radar nhanh chóng hư hỏng. Cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã nghiên cứu, tìm hiểu, tổ chức thiết kế lắp đặt, thay thế hệ thống điều khiển máy lạnh của radar. Qua thực tế hoạt động, hệ thống mới cải tiến có độ ổn định cao, phù hợp điều kiện khai thác, sử dụng của quân chủng. Sản phẩm được nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ tháng 7-2013.

Phục vụ huấn luyện SSCĐ, sản phẩm mô phỏng thiết bị hiện hình đài điều khiển Tên lửa C125M sử dụng ngôn ngữ Laview không chỉ đáp ứng yêu cầu huấn luyện, mà còn nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện. Lực lượng kỹ thuật của sư đoàn còn bảo đảm tốt các hệ thống máy tập, tủ giả, máy đo, xe huấn luyện tên lửa ACCOR, xe TZM... Các sản phẩm sáng kiến cải tiến kỹ thuật bảo đảm đồng bộ phục vụ huấn luyện khai thác sử dụng, làm chủ VKTBKT có trong biên chế, đặc biệt là các loại khí tài mới như radar ELM-2288ER, 36Đ6M, Kolchuga, các loại khí tài cải tiến như radar P18M, Tên lửa C125M-2TM, khí tài Pháo phòng không 37mm đánh đêm...

Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tích hợp sử dụng vũ khí, khí tài thế hệ cũ và mới đưa vào trang bị, bảo đảm đồng bộ hóa VKTBKT được ngành kỹ thuật Sư đoàn Phòng không 363 chú trọng. Những năm qua, sư đoàn tiếp nhận, triển khai SSCĐ khí tài 36Đ6M1-2, radar Kolchuga, cùng với các hệ thống khí tài tên lửa cải tiến. Lực lượng kỹ thuật đã nhanh chóng làm chủ, bảo đảm kỹ thuật, đồng bộ và tích hợp sử dụng cùng với các VKTBKT đã được biên chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay, ngành kỹ thuật của sư đoàn đã độc lập bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT mới tiếp nhận và mới cải tiến; đồng thời tham gia cải tiến, tăng hạn khí tài, đạn tên lửa tại đơn vị...

Chủ động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất VKTBKT, khai thác hết tính năng VKTBKT mới, hiện đại là mục tiêu, nhiệm vụ thường xuyên của ngành kỹ thuật sư đoàn. Trên cơ sở kinh nghiệm hoàn thành việc bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ xe theo dự án P, các chương trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật thực hiện Nghị quyết 382 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) của Tổng cục Kỹ thuật giao, ngành kỹ thuật sư đoàn tiếp tục đồng bộ xe máy, trạm nguồn điện, bảo đảm khả năng cơ động của các đơn vị trong mọi tình huống tác chiến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại