Theo thông tin từ trang mạng Debka (Đức), Trung Quốc có thể sớm đưa tiêm kích hạm J-15 Flying Shark tới Syria để tham gia oanh kích các mục tiêu quân sự của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
J-15 dự kiến sẽ chia làm 2 biên đội, cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh và căn cứ không quân của Nga gần Latakia. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm Trung Quốc được vận hành trong một hoạt động thực chiến.
Bị nhận xét là sao chép từ Su-33, J-15 mang đầy đủ những nhược điểm của nguyên mẫu như độ tin cậy kém, khả năng mang tải trọng vũ khí thấp cũng như tầm hoạt động ngắn.
Bất chấp việc Trung Quốc tuyên bố đã có những cải tiến riêng, giúp J-15 vượt xa Su-33, thậm chí còn trên cơ cả F/A-18E/F Super Hornet nhưng điều này khó có sức thuyết phục.
Chỉ vài tháng trước đây, trong quá trình thử nghiệm cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc đã mất ít nhất 2 phi công và 2 máy bay. Điều đó cho thấy để vận hành một biên đội hàng không mẫu hạm theo chuẩn Mỹ, Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm.
Tuy vậy, để rút ngắn quá trình "học hỏi", không có gì tốt hơn là tham gia vào hoạt động thực chiến với một kẻ địch gần như không có khả năng đáp trả. Đây có lẽ chính là tính toán của các quan chức quân sự Trung Quốc.
Nếu J-15 không kích phiến quân IS tại Syria, đây sẽ là cơ hội vàng giúp cho các quốc gia đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc hiểu rõ hơn về năng lực thực sự của hải quân nước này, đặc biệt là cặp bài trùng có khả năng thay đổi cuộc chơi là tàu sân bay và tiêm kích hạm.
Nhờ được trang bị một kho bom dẫn đường phong phú nhưng lại chưa từng trải qua thử nghiệm, J-15 chắc chắn sẽ hạn chế sử dụng bom đạn không điều khiển như Su-24/25 của Nga.
Do vậy, J-15 chỉ có thể gặp nguy hiểm nếu tấn công vào căn cứ của Quân đội Syria Tự do (FSA) và đối đầu với hệ thống tên lửa phòng không SA-6.
Trong trường hợp J-15 bị bắn rơi bởi một hệ thống đã lạc hậu, không thể phủ nhận rằng các địch thủ trực tiếp như Hải quân Ấn Độ hay Nhật Bản sẽ vui mừng nhất, do mối đe dọa quân sự của họ sẽ phải mất thêm rất nhiều thời gian để hoàn thiện.
Bên cạnh đó, mặc dù là đồng minh nhưng không loại trừ khả năng Nga cũng mong muốn J-15 không thể hoạt động suôn sẻ, do các vũ khí bị Trung Quốc sao chép trái phép vẫn là một "quả đắng" đối với Nga.
Nếu J-15 gặp trục trặc kỹ thuật hay thậm chí tự rơi trong chiến đấu, chắc chắn các khách hàng đang quan tâm tới chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ và quay lại với máy bay Nga. Nga cũng sẽ yên tâm hơn khi bán các mặt hàng quốc phòng tối tân cho nước này.
Việc đưa "Cá mập bay" tới không kích các mục tiêu trên lãnh thổ Syria là một nước cờ vô cùng mạo hiểm của Trung quốc, có thể mang lại cho họ những lợi ích to lớn, nhưng đi kèm đó cũng là nguy cơ rủi ro vô cùng cao.
Thời gian sẽ sớm trả lời câu hỏi đây là nước cờ khôn ngoan hay điên rồ của giới chức quân sự Trung Quốc.