Vì Trung Quốc, châu Á chi 1400 tỷ USD cho quốc phòng

Thuận theo chiến lược quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ đã tăng cường đầu tư rất lớn cho quốc phòng. Trong đó, đặc biệt là đầu tư phát triển và mua sắm vũ khí, trang bị.

Theo số liệu phân tích của công ty tư vấn chiến lược Avascent, các quốc gia đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Australia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan, trong giai đoạn 2013 – 2018 sẽ đầu tư cho quốc phòng khoảng 1400 tỷ USD, tăng vọt khoảng 55% so với giai đoạn 2008-2012 (919,5 tỷ USD).

Báo cáo phân tích cho biết, trong giai đoạn 2013 – 2018, xuất phát từ những tranh chấp đang ngày càng gia tăng trên biển Đông và biển Hoa Đông, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu tập trung xây dựng các căn cứ và trang thiết bị hải quân, mua sắm khoảng 263 tàu mặt nước, 31 tàu ngầm, 18 máy bay trực thăng (chủ yếu là trực thăng chống ngầm MH-60 Sea Hawk của hãng Sikorsky), 13 máy bay cánh cố định và 5 hệ thống máy bay không người lái tác chiến biển.

Ấn Độ mua máy bay tuần tiễn chống ngầm P-8I (phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon) của Mỹ

Bài viết cho biết, đánh giá về vấn đề này, chuyên viên cao cấp William Choong của Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore cho biết, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này, đã đem lại những cam kết và bảo đảm về an ninh, nhất là đối với một số quốc gia nhỏ bé ở khu vực Đông Nam Á.

Hải quân Nhật đã đóng hàng loạt tàu ngầm AIP lớp Soryu (Ảnh: Tàu ngầm thứ 5 lớp Soryu mang số hiệu 505)

Chuyên gia William Choong cũng khẳng định, điều này cũng đã mang lại những ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Một số quốc gia đã bắt đầu nhận thấy, những động thái của Mỹ kể từ khi chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương mới chỉ là những hành động nhỏ, chưa phát huy được vai trò chủ đạo lẽ ra phải có của nó. Vì vậy, Mỹ không đủ lực để bảo vệ các nước đồng minh chống lại sự uy hiếp của hạm đội Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông.

Thế nhưng, người Mỹ không đồng ý về vấn đề này. Tư lệnh tác chiến của hải quân Mỹ - ông Jonathan Greenert cho rằng, tuy Mỹ chỉ tăng cường cho châu Á - Thái Bình Dương 10 tàu nhưng đây đều là các chiến hạm hiện đại, trang bị vũ khí cực khủng. Ngoài ra, còn có cả các máy bay trinh sát chống ngầm thế hệ mới nhất, rất tiên tiến là P-8A Poseidon.

Ông Greenert còn nhấn mạnh, hải quân Mỹ cũng đã, đang và sẽ triển khai ở đây các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo, tàu ngầm thông thường mang tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 cùng với các hệ thống vũ khí tiên tiến khác như radar phòng thủ tên lửa, các loại tên lửa, ngư lôi… hiện đại.

Để đối chọi với Trung Quốc, Philippines đã mua 2 tàu tuần duyên cũ thuộc lớp Hamilton của Mỹ

Dĩ nhiên là những giải thích này không thể  ngăn cản một số đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương tăng cường chi tiêu quốc phòng. Từ tỷ lệ tăng trưởng ngân sách quốc phòng có thể nhận thấy, lĩnh vực đầu tư lớn nhất trong vòng 5 năm tới là nghiên cứu phát triển và mua sắm vũ khí, dự kiến mức tăng trưởng sẽ lên tới 66%.

Bài báo cho biết, dự tính ngân sách giành riêng để đầu tư cho vũ khí trang bị sẽ tăng lên 61,4 tỷ USD trong giai đoạn 2013 – 2018, gần gấp đôi so với giai đoạn 2008 – 2012 là 36,9 tỷ USD. Đồng thời Mỹ và đồng minh cũng đầu tư kinh phí rất lớn để duy trì, vận hành những trang bị, vũ khí hiện có và tiếp tục các hạng mục đang tiến hành. Dự kiến chi phí cho lĩnh vực này trong giai đoạn 2013 – 2018 sẽ tăng khoảng 53% so với giai đoạn 2108 – 2012 (từ 294 tỷ USD tăng lên 451,3 tỷ).

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại