Theo Cục Phòng vệ Nhật Bản cho biết, Global Hawk là máy bay do thám không người lái thế hệ mới, hiện đại nhất do công ty Northrop Grumman sản xuất. RQ-4 Global Hawk có khả năng chụp, thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa với độ phân giải cực cao.
RQ-4 Global Hawk cũng có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu và ghi lại các hoạt động dưới mặt đất.
Với mục tiêu phục vụ hoạt động do thám trên một diện tích lớn, RQ-4 Global Hawk có khả năng bay liên tục 24 tiếng trước khi hết nhiên liệu và quan sát cả một vùng rộng lớn khoảng 100.000km2.
Các thông số của RQ-4 Global Hawk: Đôi cánh dài tới 39,9 m; máy bay có chiều dài 13,54 m; chiều cao 4,62 m; trọng lượng rỗng 3.851 kg; trọng lượng cất cánh 10.387 kg; trang bị một động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Rolls-Royce F1370RR-100 cho phép đạt tốc độ tối đa 575km/h, tầm bay 14.000km, trần bay 22.000m.
Global Hawk được trang bị công nghệ tiên tiến, các bộ phận cơ học chủ yếu được điều khiển bằng máy tính. Hệ thống tích hợp của RQ-4 Global Hawk bao gồm các thiết bị cảm biến, điện tử và kết nối dữ liệu đặt trên máy bay trong khi phần điều khiển đặt trên mặt đất có thiết bị phục vụ cất hạ cánh (LRE), trung tâm điều khiển máy bay (MCE) cùng với các thiết bị liên lạc, hỗ trợ và huấn luyện nhân sự vận hành bay.
Hệ thống quang học điện tử và đầu dò ảnh nhiệt (EO/IR) có thể theo dõi bao quát toàn bộ mục tiêu từ xa với chế độ hiển thị có độ phân giải cao. Trong khi đó, hệ thống SAR được trang bị một màn hình chỉ thị mục tiêu di động đặt trên mặt đất, có thể cung cấp các thông tin về mục tiêu như vị trí, tốc độ di chuyển và kết hợp với thiết bị EO/IR truyền các số liệu thu được về trung tâm điều khiển bay.
Global Hawk được tích hợp bởi hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và máy bay có thể tự động sử dụng kết nối dữ liệu với vệ tinh nhằm hỗ trợ cho việc truyền tải thông tin. Với khả năng hoạt động của RQ-4, Nhật Bản có thể giám sát toàn bộ khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Việc Nhật Bản quyết định trang bị UAV RQ-4 trong bối cảnh căng thẳng trên biển Hoa Đông lên cao, đặc biệt là quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ngày 26/7, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết các tàu thuộc lực lượng tuần duyên của Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi hiện đang là trung tâm tranh chấp giữa hai nước này.
Tuy tàu của Chính phủ Trung Quốc từng ra vào khu vực tranh chấp này trong nhiều tháng qua nhưng đây là lần đầu tiên các tàu này xâm nhập khu vực kể trên kể từ khi Bắc Kinh hợp nhất một số đơn vị dưới quyền của lực lượng tuần duyên trong tuần này, một diễn biến mà các nhà quan sát cho rằng sẽ dẫn đến việc trang bị vũ khí cho nhiều đội tàu hơn.
Trước đó, ngày 24/7, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo đã phát hiện 4 tàu thuộc Lực lượng Hải cảnh (CCG) mới được thành lập của Trung Quốc ở vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên tàu của CCG hiện diện trong cuộc tranh chấp này.
Cũng trong ngày 24/7, Nhật Bản đã phải điều máy bay chiến đấu ngăn chặn một chiếc máy bay cảnh báo sớm đường không Y-8 của Trung Quốc đã bay gần Okinawa và đảo Miyako trên Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Onodera cho biết động thái này là tín hiệu chứng tỏ ý đồ “mở rộng hơn nữa biển cả” của Trung Quốc. Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc này.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!