Căn cứ quân sự ở Syria ảnh hưởng đến vận mệnh nước Nga

Minh Đức |

(Soha.vn) - Căn cứ hải quân tại cảng Tartus của Syria là tiền đồn cuối cùng của Nga ở Trung Đông. Nếu mất nó, Moscow gần như bị cô lập từ mọi phía.

Căn cứ hải quân Tartus có một ý nghĩa mang tầm chiến lược đối với vị thế của Hải quân Nga nói riêng và nước Nga nói chung ở Trung Đông. Đây là căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở nước ngoài không nằm trên lãnh thổ các nước Liên Xô cũ, được ví là tiền đồn cuối cùng của Nga.

Tartus được thành lập vào năm 1970 trong thời gian chiến tranh lạnh. Khi đó, căn cứ này được triển khai để hỗ trợ các hoạt động của Hải quân Liên Xô tại khu vực Địa Trung Hải. Đây là một trong những căn cứ quan trọng cho các hoạt động của Hải quân Liên Xô trên khắp thế giới cùng với các căn cứ khác ở Ai Cập giai đoạn 1970-1977, Ethiopia giai đoạn 1978-1985 và Việt Nam giai đoạn 1979-2002.

Cảng Tartus cách thủ đô Damascus 220 km về phía tây bắc. Đây là một cảng nước sâu, có thể cung cấp hoạt động cho tàu chở dầu có tải trọng tới 120.000 tấn. Cảng này được sử dụng cho cả 2 mục đích dân sự và quân sự.

Căn cứ hải quân tại cảng Tartus có ý nghĩa sống còn đối với Nga ở Địa Trung Hải.
Căn cứ hải quân tại cảng Tartus có ý nghĩa sống còn đối với Nga ở Địa Trung Hải.

Tuy vậy, cảng Tartus lại không có các cơ sở sửa chữa lớn như Yokosuka, Nhật Bản hoặc Manama, Bahrain của Hải quân Mỹ. Ở đây vẫn có một số kho tàng lưu trữ phụ tùng thay thế, tuy nhiên, việc sửa chữa tàu chiến ở đây được thực hiện thông qua sự có mặt của tàu sửa chữa PM-138.

Đến năm 1977, các cơ sở hỗ trợ tại Ai Cập là Alexandria và Mersa Matruh đã được giải tán, các tàu chiến và tài sản ở đây được chuyển đến Tartus. Các cơ sở này đã được nâng cấp thành sư đoàn hỗ trợ hàng hải ven biển số 229. Bảy năm sau, các điểm hỗ trợ tại Tartus đã được nâng cấp lên với 720 địa điểm hỗ trợ hàng hải và kỹ thuật.

Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, hải đội Địa Trung Hải cũng sụp đổ theo. Các tàu chiến của hải đội được bàn giao cho hạm đội biển Đen. Các căn cứ khác của Hải quân Liên Xô trước đây cũng dần dần phải rút đi vì không đủ kinh phí hoạt động.

Hải quân Nga buộc phải co cụm về các căn cứ thuộc Liên Xô cũ trước đây, điều đó làm cho khả năng tác chiến xa bờ của hải quân lớn thứ 2 thế giới ngày càng bị thu hẹp. Nếu không có các căn cứ ở nước ngoài, việc triển khai lực lượng tác chiến ngăn chặn từ xa gần như là điều không thể.

Khi nền kinh tế có những khởi sắc, quá trình tái trang bị cho Hải quân Nga bắt đầu được tiến hành thì việc khôi phục các căn cứ nước ngoài là điều vô cùng quan trọng. Tartus chính là tiền đề cho sự hồi sinh trở lại của Hải quân Nga.

Sau khi Nga tuyên bố giảm 3/4 trên tổng số tiền mà Syria còn nợ từ thời Liên Xô, Nga đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Damascus. Vào năm 2006, Nga và Syria đã tiến hành đàm phán về việc cho phép Nga mở rộng căn cứ hải quân tại Tartus, tăng cường sự hiện diện của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải.

Mất Tartus khả năng triển khai lực lượng ngăn chặn từ xa của Nga sẽ không còn bởi các tàu chiến khi hoạt động xa bờ cần có các căn cứ để nghĩ chân tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm.

Mất Tartus, khả năng triển khai lực lượng ngăn chặn từ xa của Nga sẽ không còn, bởi các tàu chiến khi hoạt động xa bờ cần có các căn cứ để nghỉ chân, tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm.

Đến năm 2008, khi nổ ra cuộc xung đột quân sự với Nam Ossetia, Mỹ đã dự định can thiệp vào khu vực này thông qua con đường từ Địa Trung Hải vào biển Đen, điều này có thể trở thành cửa tử đối với Moscow. Bên cạnh đó, kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa tại Ba Lan càng khiến Nga bị cô lập hơn.

Tartus trở thành tiền đồn vô cùng quan trọng để bít đường tiến vào biển Đen từ Địa Trung Hải. Phía chính quyền Damascus cũng đã đồng ý để chuyển đổi Tartus thành căn cứ vĩnh viễn cho Hải quân Nga. Từ năm 2009, cảng này bắt đầu được cải tạo, nạo vét luồng lạch để tiếp nhận các tàu chiến có tải trọng lớn.

Trong năm 2008, đã có các báo cáo không chính thức về việc tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển lớp Slava cập cảng Tartus cùng với 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược khác. Cũng trong năm 2008, phát ngôn viên hạm đội Biển Bắc cho biết tuần dương hạm Peter Đại đế sẽ đến Venezuela tập trận và sẽ dừng chân tại Tartus. Đến năm 2009, RIA Novosti đưa tin, Tartus sẽ cung cấp các hoạt động đầy đủ cho các hoạt động chống cướp biển.

Vào cuối năm 2011, đầu năm 2012, Reuters đưa tin, một đội tàu của Hải quân Nga dẫn đầu bởi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang trên đường đến Tartus trong các hoạt động hỗ trợ cho chính phủ Syria.

Nga đang điều động đến Địa Trung Hải những tàu chiến mạnh nhất của mình để quyết giữ Tartus bằng mọi giá.
Nga đang điều động đến Địa Trung Hải những tàu chiến mạnh nhất của mình để quyết giữ Tartus bằng mọi giá.

Khi cuộc nội chiến tại Syria đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, Mỹ lăm le sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền Damascus. Nguy cơ Syria bị đánh bại là rất cao. Nếu điều đó xảy ra, tiền đồn cuối cùng của Nga tại Địa Trung Hải coi như cũng biến mất theo. Không dừng lại ở đó, Hải quân Nga gần như sẽ bị cô lập và không còn khả năng tác chiến ngăn chặn xa bờ.

Về mặt địa lý, hạm đội biển Đen của Nga bị quây trong cái ao làng biển Đen. Các tàu chiến của hạm đội này muốn đến được Đại Tây Dương chỉ có một con đường duy nhất là đi qua Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào Địa Trung Hải. Căn cứ Tartus cho phép Hải quân Nga triển khai một phần lực lượng bên ngoài cái ao làng này để không rơi vào thế bị động.

Nếu mất Tartus, con đường duy nhất để tiến ra Đại Tây Dương của hạm đội biển Đen thông qua Địa Trung Hải coi như bị bít mất, hạm đội biển Đen gần như bị cô lập từ mọi phía. Điều này sẽ tạo nên một mối đe dọa rất lớn cho an ninh quốc gia Nga. Trong trường hợp xảy ra xung đột ở những vùng biển khác thì hạm đội biển Đen gần như không còn khả năng chi viện bởi con đường duy nhất của họ đã bị chặn.

Tấm bản đồ tuyến đường di chuyển của hạm đội biển Đen cho thấy Tartus có vai trò quan trọng như thế nào đối với an ninh quốc gia Nga.
Tấm bản đồ tuyến đường di chuyển của hạm đội biển Đen cho thấy Tartus có vai trò quan trọng như thế nào đối với an ninh quốc gia Nga.

Hải quân Nga thời hậu Xô Viết chỉ có 2 căn cứ ở nước ngoài: Sevastopol, căn cứ chính của hạm đội biển Đen ở Ukraine (thuộc Liên Xô cũ), và Tartus. Nếu Nga mất căn cứ này, phương Tây sẽ đạt được thành công đầu tiên trong việc cô lập 1 trong 3 hạm đội của Hải quân Nga. Chiến lược xây dựng thế trận an ninh toàn cầu của Nga sẽ bị phá vỡ từ hướng này.

Tất nhiên, Moscow sẽ không dễ dàng gì từ bỏ căn cứ mang tầm chiến lược đối với an ninh quốc gia  và thực tế là Moscow đang rất nỗ lực để ngăn chặn một cuộc chiến tranh tại Syria bằng tất cả những gì có thể.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại