Vì sao vũ khí Mỹ dần mất ngôi vị số 1?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Mỹ từng đứng đầu thế giới về khí tài chiến tranh, tuy nhiên, hiện tại, nhiều vũ khí của họ chỉ xếp hạng hai.

Tờ Daily Beast (Mỹ) vừa có bài viết cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ ngày càng kém cạnh tranh. Dưới đây là nội dung bài viết:

Khi liên doanh Boeing và Sikorsky giới thiệu ý tưởng thiết kế của mình cho chương trình trực thăng đa nhiệm đa quân chủng JMR, nhiều người đã tỏ ý hoài nghi. JMR là một chương trình đầy tham vọng, sử dụng chung 1 thiết kế để thay thế hàng nghìn trực thăng đa nhiệm Black Hawk, do Sikorsky sản xuất, và trực thăng vũ trang Apache, do Boeing sản xuất, trong tương lai. Ý tưởng của Boeing và Sikorsky là một thiết kế lai, kết hợp cánh quạt 2 tầng đồng trục và một cánh quạt đẩy ở phía sau để tăng tốc độ.

Ý tưởng thiết kế của Boeing và Sikorsky cho chương trình JMR

Sự tham vọng và mới mẻ của nó làm nhiều người liên tưởng đến 2 chương trình khác có sự tham gia của Boeing là Comanche và V-22. Chương trình Comanche đã bị ngừng khi còn đang trong giai đoạn phát triển. V-22 thì được đưa vào biên chế nhưng với giá thành cao hơn nhiều so với dự kiến.

Trong quá khứ, ngành hàng không Mỹ hoàn toàn vượt trội so với Châu Âu, kể cả quân sự và dân sự. Trong triển lãm hàng không Farnborough năm 1974, khi Airbus giới thiệu mẫu máy bay chở khách đầu tiên, A300, phó chủ tịch Boeing khi đó đã gọi đó là một “sản phẩm điển hình của sự bao cấp từ chính phủ, họ sẽ chỉ sản xuất vài chục chiếc và sau đó đóng cửa.”

Ngày nay, Boeing và Airbus đã là 2 đối thủ ngang tầm. Còn những mẫu trực thăng dân sự của châu Âu, dẫn đầu là Airbus và AgustaWestland, thống lĩnh thị trường thế giới, với hàng loạt mẫu mới ra đời. Mỹ chỉ chủ yếu xuất khẩu trực thăng quân sự và cũng là những thiết kế đã ra đời từ rất lâu.

Mặc dù Mỹ vẫn dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí, nhờ vào một số hợp đồng giá trị rất lớn, xu hướng tương tự như trên đang diễn ra cho hầu hết mọi loại vũ khí khác. Israel đang dẫn đầu về công nghệ UAV, máy bay không người lái. Tên lửa không đối không sử dụng động cơ ramjet Meteor của Châu Âu, hiện chưa có đối thủ tương ứng từ Mỹ. Trong lĩnh vực tên lửa phòng không, Mỹ chỉ có các bản nâng cấp của Patriot để cạnh tranh với thiết kế mới SAMP/T của châu Âu, khi mà tên lửa phòng không mới duy nhất hiện nay của Mỹ, MEADS, thì vừa bị Ba Lan từ chối. Thị trường phòng không tầm gần đang dần bị các hãng như Rafael và Diehl chiếm lĩnh.

Hệ thống phòng không MEADS trong một cuộc thử nghiệm

Hệ thống phòng không MEADS trong một cuộc thử nghiệm

Trong lĩnh vực hải quân, Mỹ hiện không xuất khẩu tàu chiến. Trong khi đó, mẫu tàu chiến mới nhất của nước này, LCS, sử dụng động cơ, radar và pháo từ châu Âu. Còn mẫu xe lội nước mới trong tương lai của thủy quân lục chiến Mỹ rất có thể là một sản phẩm từ Ý.

Tuy Mỹ là nước tiên phong trong công nghệ radar quét điện tử chủ động, AESA, nhưng nước này dường như đang chậm chân trong thế hệ kế tiếp, sử dụng gallium nitrit với hiệu năng cao hơn và giảm tiêu thụ năng lượng. Tương tự, họ cũng chậm chân trong lĩnh vực gây nhiễu radar, với những công nghệ mới như giả lập tín hiệu bằng kỹ thuật số, do quá chú trọng vào công nghệ tàng hình.

Một phần nguyên nhân chính là do đa số đơn hàng của các công ty quốc phòng Mỹ đến từ chính quân đội nước này, vì vậy họ chủ yếu phát triển những loại vũ khí đáp ứng nhu cầu trong nước thay vì nhu cầu của thị trường quốc tế. Các nước Châu Âu có ngân sách quốc phòng nhỏ hơn nhiều so với Mỹ, vì vậy ngành công nghiệp quốc phòng ở đây phải thích nghi và đầu tư phát triển theo hướng xuất khẩu. Ví dụ như đa số các nước có nhu cầu mua trực thăng mới, rất ít nước có ý định mua V-22 hay trong tương lai là JMR. Do đó Airbus và AgustaWestland vẫn sẽ tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng.

Bên cạnh đó, các chương trình quốc phòng của Mỹ cũng ngày càng giảm về số lượng và tăng về quy mô. Hệ quả tất yếu là những khoảng trống về nhu cầu mà các đối thủ cạnh tranh có thể khai thác. Một ví dụ là việc Airbus và Embraer tận dụng khoảng trống giữa máy bay vận tải C-130 và C-17 bằng những mẫu A400M và KC-390.

Nhưng thách thức lớn nhất có lẽ là ở khía cạnh văn hóa doanh nghiệp. Boeing phải mất hơn 2 thập niên để nhận ra rằng sự thành công của Airbus không chỉ nằm ở sự bao cấp từ chính phủ. Nhiều quan chức trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho đến nay vẫn không biết đến sự tồn tại của Meteor, hay việc MEADS bị Ba Lan từ chối. Nếu vẫn tiếp tục duy trì suy nghĩ tự tôn về vị trí số 1 của mình, ngành công nghiệp quốc phòng nước này sẽ tiếp tục khó cạnh tranh với đối thủ trong thời gian sắp tới.

Giới thiệu hệ thống phòng không MEADS

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại