Thông tin trên được trang tin Defense News đăng tải ngày 29/1. Lý do được đưa ra là Lầu Năm góc không đồng ý cấp ngân sách cho CAPES trong năm tài khóa 2015. Nguồn tiền dành cho CAPES sẽ được tập trung cho chương trình SLEP để nâng cấp và kéo dài thời gian phục vụ của máy bay F-16 tới khi chiến đấu cơ F-35 được tiếp nhận.
Defense News cho biết thêm, tuy bị tạm dừng, nhưng nhiều công nghệ nghiên cứu trong chương trình CAPES sẽ được sử dụng trong SLEP. Vài năm qua, để thực hiện chương trình CAPES, Không quân Mỹ và Lầu Năm góc đã chi ra hàng tỷ USD để phát triển các công nghệ mới sẽ áp dụng trên phiên bản F-16 nâng cấp.
Defense News nhận định, không quân Mỹ bỏ CAPES để tập trung vào quá trình phát triển và chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning II. Theo kế hoạch, F-35 sẽ bắt đầu được chuyển giao cho Không quân Mỹ từ tháng 12/2016, nhưng với “bê bối” trục trặc kỹ thuật, phầm mềm điều khiển gần đây, thời hạn này có thể sẽ bị lùi lại.
Trong chương trình nâng cấp CAPES, chiến đấu cơ F-16 gần như được “thay máu” toàn bộ hệ thống điện tử trên khoang. Cụ thể, F-16 nâng cấp sẽ được trang bị radar mảng định pha chủ động (AESA) SABR do hãng Northrop Grumman phát triển. Cùng với đó, Chim ưng chiến cũng được trang bị hệ thống đối kháng điện tử, màn hình hiển thị đa chức năng độ nét cao và vũ khí mới…
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc Không quân Mỹ dừng chương trình nâng cấp F-16 chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch nâng cấp máy bay loại này của nhiều quốc gia trên thế giới. Các khách hàng tiềm năng muốn nâng cấp F-16 sẽ phải trả thêm phí nghiên cứu và phát triển công nghệ mới làm đội chi phí lên rất nhiều.
F-16 là chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không, nhưng nó lại rất thành công với tiêm kích đa năng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết. Tiêm kích F-16 có thể mang nhiều loại vũ khí như: một pháo 6 nòng cỡ 20mm (dự trữ đạn 500 viên) trong thân và các loại tên lửa - bom trên các giá treo cánh, thân.
Tiêm kích F-16 có thể hoạt động ở độ cao 9.000-12.000m, thậm chí là trên 15.000m so với mực nước biển. F-16 có tầm bay lên đến 3.200 km và có thể xa hơn nếu được tiếp nhiên liệu trên không.
Phi công có thể truy tìm được mục tiêu ngay cả ban ngày lẫn đêm một cách chính xác nhờ kính nhìn đêm công nghệ cao. F-16 là loại máy bay tiêm kích được Không quân nhiều nước ưa dùng nhất hiện nay. Lý do không chỉ nằm ở khả năng tác chiến của F-16 mà còn ở chi phí bay rất thấp của loại máy bay này.
Một giờ bay của F-16 được đánh giá tiêu tốn hết 23.000 USD. Trong khi đó, các loại tiêm kích khác có chi phí bay cao hơn nhiều. Ví dụ, chi phí một giờ bay của F-22 là 68.000 USD, F-15C là 42.000 USD và F-15E là 36.000 USD.
Tính đến nay, đã có trên 4.500 chiếc F-16 với các phiên bản khác nhau được sản xuất. Ngoài Mỹ, F-16 còn được trang bị cho quân đội của khoảng 25 quốc gia khác trên thế giới, trong đó hầu hết là các nước đồng minh của Mỹ.