Uy lực siêu pháo hạt nhân M65 của Mỹ

Bạch Dương |

Lựu pháo bắn đạn hạt nhân M65 xuất hiện và biến mất trong khoảng thời gian cực ngắn chỉ có 10 năm, để lại nhiều điều bí ẩn cần được giải đáp.

M65 Atomic Cannon (hay còn được gọi bằng cái tên Atomic Annie) là loại pháo xe kéo được thiết kế và sản xuất bởi quân đội Mỹ với khả năng bắn một thiết bị hạt nhân. Khẩu pháo này được phát triển vào đầu những năm 1950, thời điểm mở màn Chiến tranh Lạnh và đã được triển khai tại châu Âu và Hàn Quốc từ năm 1953.

Một khẩu pháo hạt nhân M65 trong bảo tàng

Pháo M65 được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu trang bị cho quân đội những vũ khí hạt nhân chiến thuật mạnh hơn vũ khí thông thường nhưng không tạo ra sự hủy diệt quá lớn như vũ khí hạt nhân chiến lược vì thực tế chiến trường cho thấy việc sử dụng bom nguyên tử là cực kỳ hãn hữu bởi tính tàn bạo quá mức của nó. 

Thông số kỹ thuật cơ bản của pháo hạt nhân M65: Trọng lượng 83.300 kg; dài 25,6 m; rộng 4,9 m; cao 3,7 m; cỡ nòng 280 mm; tầm bắn tối đa 28.800 m; trọng lượng đạn 364 kg; tốc độ bắn 15 phát/h.

Sau 4 năm nghiên cứu chế tạo, vào ngày 25/5/1953 khẩu siêu pháo bắn đạn hạt nhân đầu tiên của loài người đã bắn thử thành công tại bãi thử Nevada, Hoa Kỳ. Trong lần thử nghiệm này, M65 đã bắn một đầu đạn hạt nhân chiến thuật W9 có đương lượng nổ 15 kT (tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT) đi xa 7 dặm. Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử một vũ khí hạt nhân được bắn đi từ một khẩu pháo.

Thử nghiệm pháo hạt nhân M65

Sau khi thử nghiệm thành công, đã có ít nhất 20 khẩu pháo M65 được sản xuất tại Watervliet và Watertown với chi phí ước tính 800.000 USD/khẩu.

SỐC: Mỹ từng định dùng bom hạt nhân để... mở đường SỐC: Mỹ từng định dùng bom hạt nhân để... mở đường

Oriental Daily News của Hong Kong đăng tải các tài liệu mật đã được giải mã cho thấy, năm 1963 Ủy ban Năng lượng nguyên tử Mỹ từng đề xuất kế hoạch mở đường bằng bom hạt nhân.

Dù tạo ra hiệu ứng tâm lý rất lớn, những siêu pháo hạt nhân nhanh chóng trở nên lỗi thời trước sự phát triển của kỹ thuật tên lửa. Tầm bắn ngắn, khả năng cơ động kém, không thể vận chuyển bằng máy bay, chế tạo tốn quá nhiều nguyên vật liệu, yêu cầu cao về bảo trì và đặc biệt là giá thành quá đắt đỏ, tất cả những lý do trên khiến cho các siêu pháo không thể cạnh tranh với các loại tên lửa có tính năng tương tự.

Bên cạnh đó, kỹ thuật hạt nhân cũng có những bước tiến mới, cho phép thu nhỏ đầu đạn để có thể bắn được chỉ bằng các loại pháo hạng nặng thông thường. Năm 1957, người Mỹ đã chế tạo đạn pháo hạt nhân W33 dành cho lựu pháo cỡ nòng 203 mm.

Tới năm 1963, đạn pháo hạt nhân W48 dành cho pháo hạng nặng tiêu chuẩn 155 mm ra đời đã khiến siêu pháo hạt nhân M65 chính thức nhận quyết định nghỉ hưu khi mới ở tuổi lên 10.

Thời đại của những siêu pháo hạt nhân đã chấm dứt quá sớm. Mặc dù chưa từng được sử dụng trong thực chiến nhưng nó vẫn được đánh giá là một thứ vũ khí uy tín và gây ấn tượng rất sâu sắc với những người đam mê kỹ thuật quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại