Ukraine chật vật xây dựng lại quân đội từ đói nghèo, nhếch nhác

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Quân đội Ukraine hiện nay chỉ còn là cái bóng của nó trong quá khứ, cả về số lượng binh sĩ và tình trạng sẵn sàng của các khí tài chiến đấu.

Tờ Wall Street Journal mới đây có bài viết phản ảnh những nỗ lực, cũng như khó khăn mà Ukraine gặp phải trong việc củng cố lực lượng quân đội đang yếu kém của nước này. Sau đây là nội dung bài viết:

Khi Nga bắt đầu đưa quân vào Crimea một tháng trước, chính phủ mới non trẻ của Ukraine trông cậy vào quân đội nước này để đẩy lùi cuộc xâm lăng. Tuy nhiên có một vấn đề cấp thiết nảy sinh, quân đội không có đủ ắc quy cho xe cơ giới.

Do ngân sách cạn kiệt, chính phủ Ukraine gửi đề nghị giúp đỡ đến sứ quán Mỹ. Phía Mỹ trả lời quá trình này có thể kéo dài vài tuần, do đó chính phủ Ukraine phải dựa vào một nguồn tài trợ khác từ trong nước, một nhà tài phiệt tên Ihor Kolomoisky.

Theo người phát ngôn của ông trùm ngân hàng và dầu mỏ này thì ông Kolomoisky đã đóng góp "hàng triệu USD" từ nguồn tiền cá nhân. Người này cũng nhấn mạnh rằng đang có nhiều người khác làm điều tương tự: “Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, nông dân và người dân địa phương đang chung tay để ủng hộ quân đội”.

Ukraine trong quá khứ từng sở hữu một sức mạnh quân sự đáng nể với quân số hơn 750.000 người. Nhưng giờ đây, hơn 20 năm kể từ ngày độc lập khỏi Liên Xô và khi đang phải đối mặt với một đối thủ hùng mạnh là nước Nga, Ukraine lại đang có một đội quân nhỏ bé được trang bị thiếu thốn, mà nguyên nhân chính là do sự thờ ơ, tình trạng tham nhũng tràn lan, cùng với thỏa thuận giải trừ hạt nhân không rõ ràng với các cường quốc. Quân đội Ukraine hiện nay chỉ còn là cái bóng của nó trong quá khứ, cả về số lượng và tình trạng sẵn sàng của các khí tài chiến đấu.

ẢNH: Lính Ukraine vác TV, máy giặt rời căn cứ ở Crimea
Lính Ukraine mang đồ đạc rời căn cứ không quân ở Belbek ở Crimea

Hiện nay tổng quân số của Ukraine là 140.000 người, trong đó lục quân là 41.000, nhưng chỉ 6.000 trong số đó là trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Điều này không chỉ khiến Ukraine không thể bảo vệ Crimea mà còn khó chống đỡ nếu Nga tiếp tục tấn công. Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố ông không có ý định chia cắt Ukraine thành nhiều quốc gia nhỏ, nhưng cũng đã triển khai một lực lượng quân sự đáng kể gần biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại Nga sẽ tấn công những khu vực khác của Ukraine.

Với quá ít thời gian và nguồn lực, chính quyền Ukraine phải xoay xở mọi cách để tái xây dựng lại lực lượng vũ trang của mình, mặc dù vẫn chưa có sách lược rõ ràng. Chịu trách nhiệm chính cho nhiệm vụ này là phó thủ tướng Vitaly Yarema, một cựu sĩ quan cảnh sát với rất ít kinh nghiệm quân sự. Trong một cuộc phỏng vấn, ông này cho biết ông tin tưởng rằng Ukraine có thể giáng đòn chí mạng vào kẻ thù xâm lược và hiệu quả thực sự của nó chỉ có thể được thể hiện nếu chiến tranh nổ ra, một điều mà đất nước ông không mong đợi.

Chính phủ Ukraine hiện đang hối hả thử mọi cách có thể để tái vũ trang. Một trong số đó là việc thiết lập một đường dây nóng để người dân có thể gọi vào và đóng góp 5 hryvnia, tương đương nửa USD Mỹ cho mỗi lần gọi. Nước này cũng gấp rút thành lập lực lượng Vệ binh quốc gia, và hiện nay đang có 4.000 người tình nguyện tham gia với khóa huấn luyện cơ bản chỉ kéo dài trong 2 tuần.

Vệ binh Ukraine tham gia khóa huấn luyện kéo dài 15 ngày
Vệ binh Ukraine tham gia khóa huấn luyện kéo dài 15 ngày

Về phần các nước phương Tây, Mỹ cho đến nay vẫn từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, mặc cho có những lời kêu gọi từ một số nghị sĩ. Những người phản đối việc viện trợ quân sự cho Ukraine lý luận rằng nếu có chiến tranh nổ ra, số vũ khí này cũng sẽ rơi vào tay người Nga. Tuần trước, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ không dính líu quân sự vào tình hình Ukraine, vì “rõ ràng là chúng ta không cần phải khiêu chiến với người Nga.”

Tuy vậy, tư lệnh NATO, tướng Mỹ Philip Breedlove, cho biết khối quân sự này có thể phải đánh giá lại vai trò của Nga, từ đối tác trở thành đối thủ. Ông này cho biết Nga đã tập trung đủ quân lực ở biên giới phía đông Ukraine để có thể tiến quân qua miền Nam nước này và chiếm vùng Transnistria ở biên giới phía Tây. Ngược lại, phía Nga cho biết đây chỉ là hoạt động tập trận thông thường, và không đi ngược với bất kì ràng buộc quốc tế nào của Nga.

Các quan chức Ukraine nói con đường đã dẫn nước này từ một cường quốc hạt nhân trở nên như hiện nay là một lời cảnh báo cho những quốc gia khác không được xao lãng việc củng cố quốc phòng khi ở cạnh những nước lớn hơn. Ukraine buộc tội cả Nga và phương Tây vì đã khiến nước này lầm tưởng vào lời hứa bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ 20 năm trước.

Khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine được thừa hưởng gần 4.000 vũ khí hạt nhân, nhưng đã đồng ý giải giáp toàn bộ số vũ khí này vào năm 1994 để đổi lấy việc được Nga, Mỹ và Anh cam kết không dùng vũ lực với nước này. Chính lời cam kết này tạo cảm giác an toàn cho Ukraine. Nhưng Mỹ hiện nay cho biết đó chỉ là cam kết về chính trị và không có ý nghĩa ràng buộc nước này phải hành động để bảo vệ Ukraine.

Ukraine không chỉ cắt giảm đáng kể quy mô quân đội mà còn chi rất ít cho lực lượng còn lại. Trong một báo cáo năm 2007 của quân đội Mỹ, Ukraine đứng thứ 127 trong số 150 quốc gia tính về ngân sách trung bình chi cho một người lính.

Các nước phương Tây cho rằng tình trạng này càng tồi tệ hơn dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, vì ông này được cho là đã chuyển ưu tiên ngân sách từ quân đội sang các lực lượng an ninh của bộ nội vụ để chống bạo loạn.

Trong một chuyến thăm của đoàn nghị sĩ Mỹ đến Ukraine đầu tháng này, các quan chức Ukraine cho biết họ chỉ có vài nghìn binh sĩ đủ sức chiến đấu. Trên thực tế, Nga có thể chiếm các căn cứ tại Crimea không cần nổ một phát súng. Thủ tướng Ukraine đã nói với nhóm nghị sĩ rằng “chúng tôi không có thứ gì có thể nổi, chạy hay bay được cả”.

Phó Thủ tướng Yarema, người đang đứng đầu nỗ lực tái vũ trang, là một người có 25 năm thâm niên trong ngành cảnh sát và đã trải qua 3 tháng ngủ trong lều ở quảng trường độc lập trong đợt cao điểm biểu tình đã dẫn đến sự ra đi của ông Yanukovich. Sau khi chính quyền mới được thành lập, ông trở thành phó thủ tướng phụ trách an ninh, quốc phòng, và nhanh chóng phải đối mặt với một thực tế khó khăn: chỉ có 4 trong 25 chiến đấu cơ tại một căn cứ không quân ở Crimea là có thể hoạt động, và quân Nga nhanh chóng vô hiệu hóa chúng bằng cách phá lốp và ném đất đá vào trong động cơ phản lực.

Số ắc quy cho xe cơ giới mà họ mua được từ nguồn đóng góp trong nước không kịp để dùng cho việc phòng thủ Crimea, nhưng kịp giúp di chuyển lực lượng về phía biên giới bắc và phía đông. Ông Yarema cho biết: “Trong suốt 23 năm qua, chúng tôi gần như không nâng cấp gì. Chúng tôi không có những loại vũ khí mới đang được sử dụng tại các quốc gia khác.”

Ông cũng cho biết thêm tham nhũng là một phần nguyên nhân cho tình trạng hiện nay, phần lớn ngân sách mua vũ khí mới bị biển thủ trong 2 đời bộ trưởng quốc phòng gần nhất. Ukraine hiện đang trên bờ vực vỡ nợ, tuy nhiên chính phủ mới vẫn có thể tăng thêm 610 triệu USD cho ngân sách quốc phòng, bằng cách cắt giảm phúc lợi xã hội, trợ cấp cho người tàn tật và những bà mẹ đơn thân.

Một thanh niên tình nguyện Ukraine nộp đơn tham gia lực lượng vệ binh quốc gia gần quảng trược Độc lập ở Kiev.

Một thanh niên tình nguyện Ukraine nộp đơn tham gia lực lượng vệ binh quốc gia gần quảng trường Độc lập ở Kiev.

Một phần số tiền này được dùng để thành lập Vệ binh quốc gia, với mục tiêu có 20.000 thành viên. Ưu tiên nguồn tuyển chính là từ những thanh niên đã tham gia đợt biểu tình tại quảng trường độc lập, một số vẫn còn trang bị vũ khí. Tuy nhiên những người này sẽ phải giao nộp vũ khí trước. Những người này nhanh chóng được gửi đến một trại huấn luyện bên ngoài Kiev.

Tuy vậy, việc tuyển quân không phải dễ dàng. Vì lực lượng mới này trực thuộc bộ nội vụ, người người không thích việc trở thành 1 phần của tổ chức đã đàn áp họ cách đây không lâu. Ông Yarema cũng thừa nhận khó khăn này và cho biết đang đẩy nhanh việc điều tra xem ai đã ra lệnh cho bắn vào người biểu tình.

Tuần trước, một nhóm 50 thanh niên từng tham gia biểu tình đã định đốt các vỏ xe bên ngoài tòa nhà nơi ông Yarema làm việc, để phản đối sự chậm chạp trong chống tham nhũng của chính phủ mới và việc mất Crimea quá dễ dàng. Ông Yarema đưa cho họ thẻ ra vào và chìa khóa, và mời những người này vào bên trong để làm việc. Cuối cùng nhóm này rời đi một cách trật tự.

Trong thời gian qua, ông Yarema cố gắng kêu gọi sự trợ giúp từ Mỹ và NATO, nhưng chưa có kết quả. Ukraine hiện nay không có không quân đúng nghĩa, do đó trong trường hợp xảy ra chiến tranh, lục quân của họ sẽ bị không quân Nga tấn công dễ dàng. Trong cuộc họp với các nghị sĩ Mỹ, ông kêu gọi giúp đỡ thiết lập các vùng cấm bay ở trên 15 lò phản ứng hạt nhân, để đóng vai trò là các vùng an toàn cho binh lính Ukraine.

Ông cũng kêu gọi phương Tây cấm vận Nga và Mỹ gửi một tàu khu trục cập cảng Ukraine ở Biển Đen. Thượng nghị sĩ John McCain, nói trước khi ông kết thúc chuyến đi rằng ông sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để thuyết phục Nhà Trắng gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm vũ khí cá nhân và vũ khí chống tăng. Ông McCain cho biết đã hỏi các sĩ quan cao cấp của Ukraine xem họ cần những gì, và câu trả lời là “Tất cả mọi thứ.”

Mục tiêu của Ukraine hiện nay là tránh để chiến tranh nổ ra, ông Yarema cho biết. Trong tương lai, nước này sẽ phải thay đổi học thuyết quân sự của mình: “Sau 23 năm độc lập, giờ đây chúng tôi hiểu rằng cần phải luôn giữ quân đội của mình trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại