Tuy nhiên, cũng như phần lớn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, vụ thử nghiệm trên để lại nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.
Cho đến nay, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về tính xác thực của việc Triều Tiên cho kích nổ bom nhiệt hạch (bom khinh khí, bom H, bom hydro), do sóng địa chấn gây ra bởi vụ nổ chỉ gần tương đương với vụ thử nghiệm năm 2013.
Ngay cả các cường quốc hạt nhân cũng cần trải qua nhiều vụ thử thành công vũ khí phân hạch trước khi thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch.
Vì vậy, nhiều khả năng đây chỉ là một vụ thử dùng công nghệ phân hạch của Triều Tiên, nhưng có thể được bổ sung thêm một số nhiên liệu của bom nhiệt hạch nhằm làm tăng sức công phá.
Triều Tiên đã có 4 lần thử, trong đó 2 lần đầu có thể được xem là thất bại. Tuy nhiên, để có câu trả lời chính xác nhất về vụ thử lần này, có lẽ cần phải đợi kết quả thu thập và phân tích mẫu không khí ở khu vực trên.
Phương tiện thực hiện nhiệm vụ này là máy bay trinh sát đặc dụng Boeing WC-135 Constant Phoenix của không quân Mỹ. Nó có thể phát hiện các phần tử phóng xạ trong không khí gần khu vực để xác nhận rằng đó có phải là một vụ nổ nhiệt hạch hay không.
Song trong lần thử trước vào năm 2013, việc thu thập này đã không cho ra kết quả cụ thể nào, đồng nghĩa với việc Triều Tiên có thể đã thành công trong việc cô lập và ngăn các vật liệu phóng xạ từ vụ nổ thoát ra khỏi lòng đất.
Bên cạnh câu hỏi về loại bom nào được Triều Tiên kích nổ hôm 6/1, nhiệt hạch hay phân hạch, thì 2 câu hỏi quan trọng khác để đánh giá về năng lực thật sự của chương trình hạt nhân Triều Tiên là sức công phá và kích thước của thiết bị hạt nhân trong các vụ thử.
Sức công phá?
Cho đến nay, nước này đã thực hiện 4 vụ thử hạt nhân. Trong lần thử nghiệm đầu tiên, sức công phá chỉ dưới mức 1 kiloton, cho thấy đây là một vụ thử thất bại. Triều Tiên được cho là đã thông báo với Trung Quốc rằng họ dự kiến mức công phá vào khoảng 4 kiloton.
Vụ thử thứ 2 vào năm 2009 có sức công phá từ 2 – 3 kiloton. Vụ thứ 3 vào năm 2013 vào khoảng 6 – 9 kiloton, và vụ mới đây nhất được ước tính có sức công phá trên 10 kiloton.
Nếu so sánh với sức công phá 18 kiloton của vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại sa mạc bang New Mexico (Mỹ) vào tháng 7/1945, những con số này là khá khiêm tốn, cho thấy Triều Tiên dường như vẫn chưa thực sự nắm vững công nghệ hạt nhân.
Nhưng ngay cả với sức công phá “hạn chế” như vậy, những thiết bị hạt nhân của Triều Tiên vẫn có thể gây ra thương vong nặng nề nếu được kích nổ trong khu vực đông dân cư.
Hình bên dưới minh họa cho khả năng tàn phá của 1 thiết bị hạt nhân tương đương với loại được dùng trong vụ thử năm 2013 nếu được kích nổ trên mặt đất tại Quảng trường Thời đại, New York.
Ước tính thiệt hại nhân mạng là 260.000 người chết và 350.000 người bị thương. Quả cầu lửa ở trung tâm vụ nổ có bán kính 200m.
Trong vòng bán kính 500m (hình tròn viền đỏ), gần như mọi loại công trình đều bị san phẳng bởi sóng xung kích, và tỷ lệ tử vong là gần 100%.
Khu vực màu xanh lục, với bán kính 1,25 km, là nơi mà mức độ phóng xạ đủ cao để gây ra tỷ lệ tử vong từ 50% - 90%.
Hình tròn viền vàng lớn nhất, với bán kính 1,4 km, cho thấy khu vực mà bức xạ nhiệt từ vụ nổ có thể gây phỏng độ 3.
Ngay cả vụ thử đầu tiên của Triều Tiên, với sức công phá dưới 1 kiloton, vẫn đủ sức khiến 40.000 người thiệt mạng nếu được kích nổ tại trung tâm Manhattan. Và cũng cần lưu ý rằng thủ đô Seoul của Hàn Quốc có mật độ dân số còn cao hơn của New York.
Kích cỡ của vũ khí hạt nhân?
Yếu tố đáng quan tâm thứ 2 là kích cỡ của những thiết bị hạt nhân được dùng cho các vụ thử.
Với những vụ thử nghiệm vừa qua, có thể nhận định trình độ công nghệ hạt nhân của Triều Tiên hiện nay vẫn ở mức tương đương giai đoạn đầu các chương trình hạt nhân của Mỹ hay Liên Xô trước đây.
Hình ảnh dưới đây là thiết bị hạt nhân trước khi nó được kích nổ cho vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử, với khối lượng gần 4 tấn.
Nhìn chung, những thiết bị và đầu đạn hạt nhân vào thời kỳ đầu rất nặng nề và cồng kềnh.
Vào thời đó, nhược điểm này không phải là trở ngại lớn vì phương tiện phóng rải duy nhất của Mỹ và Liên Xô là máy bay ném bom hạng nặng, trong đó chỉ cần mang theo 1 quả bom cho mỗi máy bay.
Tuy nhiên, xu hướng sau này là ưu tiên thu gọn kích cỡ và tăng độ tin cậy của các đầu đạn hạt nhân để trang bị trên tên lửa. Và đây cũng là bài toán khó nhất cho Triều Tiên.
Nếu thật sự trình độ công nghệ hạt nhân của nước này chỉ tương đương với giai đoạn sơ khai của Mỹ hay Liên Xô thì thiết bị hạt nhân của họ nhiều khả năng quá lớn để trang bị được trên những tên lửa đạn đạo tầm gần và tầm trung mà họ đang có.
Các tên lửa tầm xa họ Taepodong có độ tin cậy và chính xác quá thấp và vẫn chỉ đang trong giai đoạn phát triển.
Ngay cả khi chính thức được đưa vào biên chế, chúng cũng chỉ có thể mang theo đầu đạn nặng tối đa khoảng 2 tấn. Con số này giảm xuống còn 500 kg nếu muốn tên lửa đạt tầm bắn tối đa.
Vì vậy, từ việc cho kích nổ thành công một thiết bị hạt nhân, cho đến việc biến nó thành một loại vũ khí có thể được sử dụng trong thực tế còn là một khoảng cách khá xa.
Kết luận
Tất nhiên, khó có thể tin tưởng hoàn toàn vào mọi lời tuyên bố “đao to búa lớn” của Triều Tiên về sức mạnh hạt nhân của mình. Song, cũng sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp hiệu quả chương trình hạt nhân của nước này.
Vào tháng 4/1982, vệ tinh do thám của Mỹ chụp được những hình ảnh đầu tiên về quá trình xây dựng lò phản ứng hạt nhân Yongbyon.
Khi đó, CIA đánh giá đây chỉ là một bản sao chép lò phản ứng cỡ nhỏ dùng cho nghiên cứu do Liên Xô thiết kế, với công suất 2MW nên nó không thể được dùng cho mục đích quân sự.
Nhưng trên thực tế, lò phản ứng này có công suất đến 30 MW và CIA cho đến nay cũng thừa nhận rằng Triều Tiên có đủ sức sản xuất 6 kg plutonium, tương đương từ 1 đến 2 quả bom hạt nhân.
Cho dù vẫn còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên, song có một điều chắc chắn là sức mạnh và mức độ công nghệ của những vụ thử này đang tăng lên theo thời gian, cho thấy sự tiến bộ, tuy chậm, của chương trình này.