Không có Mỹ, quân đội Hàn Quốc có đánh bại nổi Triều Tiên?

Hải Vy |

Không được quân đội số 1 hành tinh trợ giúp, liệu Hàn Quốc có chịu thất bại thê thảm trước Triều Tiên- quốc gia vừa khiến cả thế giới chấn động khi tuyên bố thử thành công bom H?

Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), nhà phân tích Dave Majumdar đã đưa ra đáp án cho câu hỏi này.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang dâng cao sau vụ thử nghiệm vũ khí – được cho là bom H – của Bình Nhưỡng, nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh mới lại bao trùm bán đảo.

Nhiều năm sau Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953, quân đội Mỹ trở thành người bảo hộ an ninh cho Hàn Quốc.

Hơn 60 năm sau, lực lượng vũ trang Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), dưới quyền chỉ huy của Tướng Curtis Scaparrotti, đang duy trì hơn 28.500 binh sĩ tại quốc gia châu Á này để bảo vệ Seoul trước mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc còn tự bảo vệ mình bằng một lực lượng quân đội hùng hậu, được đào tạo chuyên nghiệp và có trang thiết bị hiện đại, dù quyền chỉ huy thời chiến vẫn do Mỹ nắm giữ.

Ban đầu, Lực lượng vũ trang Hàn Quốc (ROKAF), với 630.000 binh sĩ trang bị khí tài tiên tiến, dự kiến sẽ được chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến vào tháng 12/2015.

Nhưng sau đó, Mỹ đã nhất trí trì hoãn việc này tới giữa những năm 2020 để xoa dịu nỗi lo ngại của các chính trị gia Đảng bảo thủ Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ trì hoãn rút quân ra khỏi khu vực biên giới với Triều Tiên. Tức là quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì Lữ đoàn pháo binh dã chiến 210 và các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) M270A1 tại doanh trại Casey ở Dongducheon, phía bắc Seoul.

Những hệ thống pháo trên là thành phần của lá chắn phòng thủ do Bộ chỉ huy liên quân Mỹ-Hàn thiết lập để đối phó lực lượng pháo binh quy mô của Triều Tiên. Đội quân này của Bình Nhưỡng có thể biến một thành phố lớn thành đống đổ nát chỉ trong vài giờ đồng hồ.


Lực lượng pháo binh Triều Tiên có sức mạnh khủng khiếp.

Lực lượng pháo binh Triều Tiên có sức mạnh khủng khiếp.

Nếu tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên làm bùng nổ một cuộc chiến tranh mới, Seoul có thể sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Tuy nhiên, ngoài tổn thất này, ROKAF sẽ có thừa khả năng đối phó Triều Tiên trong bất cứ cuộc xung đột nào dưới mức chiến tranh hạt nhân hoặc không có sự can thiệp trực tiếp của Trung Quốc– tình cảnh mà Washington sẽ phải ra mặt bằng kho vũ khí khổng lồ.

Quân đội Triều Tiên (KPA) dù đông đảo nhưng chủ yếu trang bị khí tài cũ kỹ của Liên Xô từ những năm 1950 và 1960.

Mặc dù cũng có một số trang bị hiện đại và phát triển nhiều khả năng tác chiến phi đối xứng để bù đắp những thiếu hụt về công nghệ và huấn luyện nhưng quân đội Triều Tiên có vẻ không phải là đối thủ của ROKAF trong một cuộc chiến tranh thông thường.

Lợi thế duy nhất của họ chỉ là số lượng.

Lực lượng xe tăng

Lực lượng đáng sợ nhất của KPA là lục quân (KPAGF), với hàng nghìn xe tăng và hệ thống pháo. Xe tăng tiên tiến nhất của Triều Tiên là P'okpung-ho, với khoảng 500 chiếc được chế tạo.

Song đây là phiên bản yếu kém của xe tăng T-62 Liên Xô, được chế tạo dựa trên kỹ thuật đảo ngược, với các thành phần trưng dụng từ xe tăng T-72 và một số xe tăng Trung Quốc.


Hình ảnh được cho là xe tăng Pokpung-ho của Triều Tiên.

Hình ảnh được cho là xe tăng P'okpung-ho của Triều Tiên.

Phần còn lại trong lực lượng xe tăng của KPA là các mẫu T-55, T-62, các mẫu xe tăng của Trung Quốc và Triều Tiên sao chép những thiết kế đó của Liên Xô.

Không có loại xe tăng nào trong số này có thể đọ được với các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại K1, K1A1 và K1A2 của Hàn Quốc (với gần 1.600 chiếc), đó là chưa kể tới xe tăng K2 Black Panther.

Không chỉ vượt trội về số lượng, lực lượng xe tăng của ROKA còn hơn hẳn Triều Tiên về chất lượng trang bị và huấn luyện – sự kết hợp này có lại mang lại chiến thắng áp đảo như trong Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991.

Tuy nhiên, nếu sự vượt trội về chất lượng vẫn là chưa đủ thì RKOA còn có gần 40 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U và hàng nghìn xe tăng M48 Patton lâu đời nhưng đã được nâng cấp để tăng cường lực lượng.

Xe tăng K2 Black Panther uy lực của Hàn Quốc

Không quân

Không quân là một ví dụ khác cho thấy Hàn Quốc áp đảo Triều Tiên về chất lượng.

Mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Không quân Triều Tiên (KPAAF) là 35 tiêm kích MiG-29 Fulcrum đời đầu do tập đoàn Mikoyan chế tạo.

Chúng chỉ trở thành mối đe dọa thực sự nếu có thể sống sót để tiến vào cự li không chiến trong tầm nhìn.

Phần còn lại của KPAAF chủ yếu là các mẫu máy bay cũ của Trung Quốc sao chép thiết kế MiG-17, MiG-19 và MiG-21.


Tiêm kích MiG-21 và MiG-29 của Triều Tiên tập cất hạ cánh trên đường giao thông dân sự, phục vụ cho trường hợp dự phòng sân bay bị đánh phá trong chiến tranh (Ảnh năm 2014).

Tiêm kích MiG-21 và MiG-29 của Triều Tiên tập cất hạ cánh trên đường giao thông dân sự, phục vụ cho trường hợp dự phòng sân bay bị đánh phá trong chiến tranh (Ảnh năm 2014).

Số giờ bay ít ỏi của các phi công và chương trình đào tạo nghèo nàn dành cho họ khiến KPAAF đã thiếu hụt công nghệ lại càng “thảm” hơn.

Trong khi đó, với công nghệ và chất lượng đào tạo phi công tốt hơn hẳn của Hàn Quốc, Không quân Triều Tiên có thể sẽ bị đánh bại bởi dàn chiến đấu cơ uy lực của ROKAF.

Có thể kể đến máy bay chiến đấu F-16C/D Fighting Falcon, F-15K Strike Eagle, FA-50 và cuối cùng là những chiếc F-35 sắp được chuyển giao cho Hàn Quốc trong thời gian tới.


Tiêm kích đa năng F-15K của Không quân Hàn Quốc.

Tiêm kích đa năng F-15K của Không quân Hàn Quốc.

So với phi công Triều Tiên, các phi công Hàn Quốc được đào tạo chuyên nghiệp và có cơ hội tập luyện thường xuyên hơn nhiều trong các đợt huấn luyện chiến đấu thực tế. Đây là một lợi thế vô cùng quan trọng của họ.

Hệ thống phòng không

Quân bài khó lường duy nhất của Triều Tiên là lưới phòng không dày đặc, tương tự như lực lượng mà Iraq đã triển khai trước Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991.

Mặc dù phần lớn tên lửa đất-đối-không của Triều Tiên đã lỗi thời nhưng trước khi bị loại bỏ, chúng vẫn có thể gây ra nhiều vấn đề đối với các hoạt động của Không quân Hàn Quốc trên vùng trời phía Bắc.

Hầu hết tên lửa phòng không của Bình Nhưỡng là các hệ thống từ thời Liên Xô như S-75 Dvina (SA-2 Guideline), S-125 Neva (SA-3 Goa) và S-200 Angara (SA-5 Gammon) – chúng có thể bị loại bỏ tương đối dễ dàng.


Hệ thống tên lửa được cho là có nhiều điểm giống với S-300 xuất hiện trong một cuộc duyệt binh của Triều Tiên.

Hệ thống tên lửa được cho là có nhiều điểm giống với S-300 xuất hiện trong một cuộc duyệt binh của Triều Tiên.

Tuy nhiên, có một số thông tin chưa được xác nhận cho biết Triều Tiên có thể đã có trong tay một phiên bản sao chép bằng kỹ thuật đảo ngược của hệ thống phòng không uy lực S-300 và 9K37 Buk của Nga.

Đây là những hệ thống rất khó đối phó. Mặc dù vậy, khả năng Triều Tiên có 2 hệ thống này khá thấp.

Nhìn chung, quân đội Hàn Quốc nắm giữ nhiều ưu thế nhưng lợi thế không hoàn toàn nghiêng hết về phía họ. Bình Nhưỡng có thể gây ra nhiều tổn thất cho Hàn Quốc bằng lực lượng pháo binh và tên lửa đạn đạo.

Hàn Quốc vẫn chưa đầu tư đầy đủ để có đủ khả năng đối phó mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Triều Tiên.


Tên lửa đạn đạo Triều Tiên là mối đe dọa lớn với Hàn Quốc.

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên là mối đe dọa lớn với Hàn Quốc.

Seoul mới chỉ mua vài tổ hợp Patriot, một số sẽ được nâng cấp lên chuẩn PAC-3 nhưng điều này chưa đủ để bảo vệ nước này trước tên lửa Triều Tiên.

Hàn Quốc cần đầu tư trang bị nhiều hơn các tổ hợp PAC-3 (hoặc hệ thống phòng không MEADS của Lockheed Martin) và nên cân nhắc nghiêm túc khả năng trang bị một số lượng đáng kể các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để mở rộng phạm vi bao phủ toàn diện.

Kết luận

Trên đây là những phân tích tương quan lực lượng giữa 2 phía Hàn Quốc – Triều Tiên.

Có thể tóm lược lại rằng, nếu nổ ra chiến tranh, quân đội Hàn Quốc hoàn toàn có đủ khả năng để đối phó Triều Tiên, trừ phi cuộc xung đột này trở thành cuộc đối đầu hạt nhân hoặc Trung Quốc can thiệp.

Tất nhiên Hàn Quốc cũng sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng trong cuộc xung đột này nhưng quân đội của họ đủ mạnh để đánh bại Triều Tiên mà không cần sự hỗ trợ bên ngoài.

Song, Hàn Quốc có lẽ sẽ không từ chối sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ tại bất cứ thời điểm nào trong tương lai gần.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar.

Cảm nhận thêm về sức mạnh của 2 quân đội này trong các clip dưới đây:

Sức mạnh quân đội Hàn Quốc

Sức mạnh quân đội Triều Tiên

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại