'Tử huyệt' của hạm đội tàu ngầm Nga

Mới đây, trang mạng tờ "Độc lập" (Nga) đã đăng bài phân tích của tác giả Vladimir Yamkov cho rằng hạm đội tàu ngầm Nga hiện có hai "tử huyệt", đó là khả năng giám sát, phòng thủ và khả năng quan sát từ xa.

Tàu ngầm hạt nhân Yuri Dolgoruky tại vùng biển ngoài khơi thành phố Arkhangelsk, miền bắc nước Nga. Ảnh: AFP-TTXVN.

Về khả năng giám sát và phòng thủ: Tác giả cho rằng, nếu không hiểu rõ tình hình trên biển và đại dương, tàu ngầm sẽ không thể bảo vệ các lợi ích quốc gia. Vì vậy, hạm đội tàu ngầm Nga cần có một hệ thống tốt để “soi tỏ” tình hình trên biển, cụ thể là hệ thống giám sát dưới nước. Điều này được hiểu là sự tồn tại và phát triển của lực lượng tàu ngầm, cũng như thành công của cuộc chiến chống tàu ngầm phụ thuộc ít nhất vào 2 yếu tố:

Thứ nhất, có khả năng phát hiện địch từ xa. Các cuộc xung đột vũ trang trên biển đã khẳng định, bên có cơ hội chiến thắng nhiều hơn là bên có khả năng phát hiện được kẻ địch ở khoảng cách xa hơn. Thứ hai, hệ thống giám sát dưới biển. Đây là 2 vấn đề then chốt mà Nga vẫn chưa giải quyết được kể từ khi bắt đầu chế tạo tàu ngầm hạt nhân đầu tiên tháng 9/1952.

Hải quân Nga không có các Hệ thống giám sát dưới biển (USS) ở độ sâu tàu ngầm hoạt động và dọc theo biên giới biển của nước này. Đây chính là sai lầm khoa học - chiến lược lớn nhất trong hơn một nửa thế kỷ qua mà cho tới nay vẫn chưa được khắc phục mặc dù ngày 4/3/2000 Tổng thống Nga đã ban hành sắc lệnh thiết lập hệ thống giám sát thống nhất trên biển và dưới mặt nước do nhà nước quản lý (EGSONPO).

Không như Nga, Mỹ đã nâng vấn đề này lên tầm chiến lược và thực hiện trong các thập niên 60-80 của thế kỷ trước, đó là thiết lập Hệ thống Giám sát Tiếng động tàu ngầm (SOSUS). Trong những năm gần đây hệ thống này đã được tăng cường bằng các tàu phát hiện thủy âm học từ xa.

Về khả năng quan sát từ xa: Khả năng giám sát và phòng thủ hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng quan sát từ xa. Các tàu ngầm của Nga, kể cả những tàu ngầm hiện đại nhất, đều thua kém đáng kể tàu ngầm Mỹ về khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương - yếu tố quan trọng bậc nhất của tàu ngầm.

Các hệ thống thủy âm (SS) của Nga không có khả năng xác định chính xác mục tiêu ở khoảng cách phát hiện tối đa. Thiết bị phát hiện tàu ngầm đối phương, lắp trên máy bay săn ngầm của Hải quân Nga, cũng có tầm phát hiện âm thanh dưới nước thấp hơn so với máy bay chống ngầm tương tự của Mỹ.

Rất nhiều ví dụ cho thấy các điểm yếu trên của tàu ngầm Nga. Tháng 2/1992, tàu ngầm hạt nhân Baton Rouge của Mỹ, không bị phát hiện, đã thâm nhập lãnh hải Nga ở khu vực phía bắc đảo Kildin và va chạm với tàu ngầm hạt nhân Kostroma của Nga. Tháng 8/2000, bộ chỉ huy Hạm đội Biển Bắc không thể ngăn các tàu ngầm nước ngoài, Toledo và Memphis, tiến gần tàu ngầm hạt nhân Kursk.

Nguyên nhân của cả hai sự cố này là do Nga không có các hệ thống giám sát dưới biển kể cả từ xa lẫn khu vực gần các tàu ngầm của hạm đội hoạt động. Việc thiếu khả năng giám sát tối ưu đã khiến Nga không thể giám sát hiệu quả các khu vực dưới biển, các khu vực đặt các tổ hợp công nghiệp trên thềm lục địa, đặc biệt là tại Bắc cực - khu vực hiện rất quan trọng đối với Nga.

Tác giả Vladimir Yamkov kết luận, ngày nay, Nga vẫn có khả năng giải quyết vấn đề này trong thời gian ngắn nhất. Phương thức ít tốn kém để thiết lập và triển khai các hệ thống giám sát dưới biển cũng như hiện đại hóa thiết bị và các hệ thống thủy âm là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số với phần mềm toán học đặc biệt.

Nhiều cựu chiến binh Nga cho rằng việc hiện đại hóa thiết bị thủy âm cho Hải quân cần được đặt ngang hàng với những phát triển ở tầm chiến thuật như súng trường bắn tỉa mới nhất hay xe thiết giáp chở quân, hay thậm chí là máy bay chiến đấu thế hệ 5, bởi các thiết bị này có thể giải quyết hai vấn đề sống còn trên biển mà Nga chưa có lời giải.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại