Không ai, từ một vị thống soái cho đến anh binh nhì thích thú khi bảo vệ Tổ quốc bằng chiến tranh du kích. Bởi lẽ kiểu chiến tranh này chỉ thắng khi có một bản lĩnh, trí tuệ cao, người lính phải gan dạ, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, mất mát. Nhưng khi giặc ngoại xâm luôn có lực lượng đông, mạnh hơn nhiều lần thì Việt Nam chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Hải chiến du kích trong hải chiến hiện đại
Chiến tranh du kích là một cuộc chiến tranh không cân xứng của những nước có địa hình rừng núi, sông ngòi hiểm trở nhưng tiềm lực quân sự yếu (bị xâm lược) vũ khí thô sơ đối đầu với một nước có đội quân hùng hậu, trang bị vũ khí hiện đại (đi xâm lược).
Chiến tranh du kích tạo ra một lối đánh riêng, đặc trưng, đó là lối đánh du kích. Lối đánh du kích là dùng lực lượng nhỏ lẻ tấn công vào nơi hiểm yếu của địch chủ yếu 2 hình thức: Tập kích và phục kích theo phương châm đánh nhanh, rút nhanh.
Chiến tranh du kích do đó, không có các trận đánh lớn mang tính tiêu diệt mà chủ yếu chỉ làm cho quân địch hoang mang, mất ăn mất ngủ, gây thiệt hại về người và của, làm cho địch chán nản, chiến tranh kéo dài không có lợi cho kẻ địch, trong khi ta càng đánh phải càng mạnh.
Chiến tranh du kích ngày nay khác xa rất nhiều ngày xưa, là sự kết hợp nhuần nhuyễn của vũ khí hiện đại công nghệ cao vào lối đánh du kích trong một trận hoặc trong một chiến dịch hợp đồng các lực lượng.
Việt Nam được coi như là một bậc thầy về tổ chức kiểu chiến tranh này và ngày nay, nó là đặc sản quý báu của nghệ thuật quân sự bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, “đặc sản” quý báu này có được từ cuộc chiến trên bộ thì liệu có thể áp dụng được cho cuộc chiến xảy ra trên không và trên biển, dưới lòng biển hay không? Tức là có tồn tại “không chiến du kích” và “hải chiến du kích” hay không?
Rõ ràng là đã xảy ra một lối đánh du kích trên không (không chiến du kích) của Không quân Việt Nam đối đầu với Không quân Mỹ hết sức gay cấn, oai hùng, đầy mưu trí, sáng tạo của chỉ những “con én bạc” so với “bầy quạ” mà lịch sử chiến tranh đã ghi nhận.
Vậy, nói gọn lại, Hải quân Việt Nam, lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền Biển Việt Nam, thì khi chiến tranh trên biển xảy ra liệu có thể thực hiện lối đánh du kích trên biển (hải chiến du kích) hay không? Và như thế nào?...
Chúng ta luôn nhớ rằng, khi đối đầu với quân xâm lược, thời nay, có thể chúng ta có nhiều loại vũ khí phương tiện ngang bằng với địch về chất lượng, nhưng về số lượng, quy mô thì bất luận thời nào chúng ta cũng đều thua thiệt. Do đó về đại thể, Việt Nam luôn luôn tiến hành chiến tranh chông xâm lược trong một tình thế bất lợi, đó là phải luôn luôn “lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”.
Hải quân Việt Nam dù được hiện đại hóa đã vững mạnh, tinh nhuệ, thiện chiến, dù đã có thêm lực lượng tác chiến ngầm cũng không ngoại lệ, nghĩa là về so sánh lực lượng vẫn phải “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều”. Cho nên, hải chiến du kích không những tồn tại mà còn phải được xây dựng, phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với vũ khí trang bị hiện có, theo phương châm:
“Bí mật, bất ngờ, cơ động nhanh, tấn công nhiều hướng, nhiều chiều vào nơi hiểm yếu, tử huyệt của địch bằng nhiều lực lượng với trang bị vũ khí nhỏ gọn, hiện đại và uy lực mạnh, làm cho quân dịch thiệt hại nặng, mất sức chiến đấu, hoang mang suy sụp ý chí, hỗ trợ và tạo điều kiện cho những trận tấn công tiêu diệt lớn kết thúc chiến tranh”.
Như vậy có thể nói, là một nước nhỏ, Việt Nam không bao giờ xâm lược mà chỉ chuẩn bị lực lượng đủ để tự vệ, bảo vệ chủ quyền. Vì thế trong bất cứ cuộc tấn công nào của kẻ địch, Việt Nam cũng đều phải “lấy ít đánh nhiều” cho nên, ngoài việc xây dựng lực lượng và lối đánh đáp ứng nhu cầu của chiến tranh hiện đại, tất yếu phải tiến hành một cuộc chiến tranh du kích nói chung bao gồm trên không, trên biển, trong lòng biển nói riêng…Đó chính là nghệ thuật quân sự Việt Nam đối đầu với quân xâm lược hùng mạnh để buộc chúng phải sa lầy dẫn đến thất bại hoàn toàn.
Hải chiến du kích kiểu Việt Nam như thế nào?
Quả thật có rất nhiều người quan tâm đã tỏ ra băn khoăn liệu không biết trên biển nó trống trải, không rừng, không núi như vậy làm sao mà đánh du kích hoặc lo ngại, bi quan, khi sử dụng chiến thuật “hit and run” mà báo chí nước ngoài phân tích đề cập…
Trước hết, hải chiến du kích của Việt Nam không đơn giản như cách gọi của chuyên gia quân sự nước ngoài là kiểu đánh “hit and run” (đánh và chạy).
Hải chiến du kích của Việt Nam, về “phần mềm”, luôn được triển khai tiến hành trong một thế trận chiến tranh nhân dân phòng thủ BVTQ liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp, có chiều rộng lẫn chiều sâu và được phối hợp bởi nhiều lực lượng. Đó là cơ sở, là căn cứ, là điều kiện cần và đủ cho hình thức tác chiến tập kích và phục kích.
Về “phần cứng” (địa hình, địa lý), có thể nói Trường Sa là mục tiêu bảo vệ xa đất liền nhất, tuy thế nhưng hoàn toàn nằm trong tầm tác chiến của nhiều loại vũ khí trang bị của ta. Trong khi đó với địch thì rất xa, đường hành quân, hướng tấn công của địch buộc phải gần với đất liền và hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ gần bờ của Việt Nam.
Địa lợi này, ngay cả lối đánh du kích truyền thống vẫn triển khai tốt, kết hợp với “phần mềm”, chắc chắn việc tổ chức thực hiện hải chiến du kích sẽ nhàn hơn, thuận lợi hơn rất nhiều so với “không chiến du kích”.
Tổ chức lối đánh du kích trên không khó khăn gấp bội, nhưng không quân Việt Nam trong chiến tranh vẫn tổ chức những trận phục kích để đời cho không quân Mỹ. Nhiều người ngạc nhiên lắm, nhưng, phục kích ở đâu đã không còn quan trọng, điều quan trọng mang tính quyết định là phục kích như thế nào.
Đã qua rồi thời kỳ các tàu phóng lôi nhỏ từ căn cứ lao ra dưới làn hỏa lực của địch, bất chấp hiểm nguy như trận đánh đuổi tàu Ma đốc của Mỹ. Đã qua rồi tàu phóng lôi, tên lửa của Hải quân Việt Nam chỉ có cách đánh hiệu quả duy nhất là đánh gần…và “hit and run”. Ngày nay hải chiến du kích của Việt Nam đã mang một hình thái, sắc thái mới.
Sự xuất hiện những con tàu ngầm KILO được mệnh danh là “lỗ đen” trong hải quân Việt Nam như là một cuộc cách mạng nâng cấp “phần mềm”, “phần cứng” của hải chiến du kích kiểu Việt Nam.
Vậy, tàu ngầm KILO Việt Nam có vai trò như thế nào trong “sơ đồ chiến thuật” hải chiến du kích của Hải quân Việt Nam?
(Còn tiếp)