Khám phá năng lực sản xuất của đối tác bán UAV cho Việt Nam

Việc Việt Nam mua phương tiện bay không người lái UAV của Belarus có thể coi là bất ngờ. Người ta thường nghe nói nhiều về UAV Mỹ, Israel còn cái tên Belarus trong làng công nghệ UAV thế giới hẳn chưa nhiều người biết đến.

Vậy năng lực sản xuất UAV của nước này như thế nào? Việt Nam mua UAV của họ có bị tụt hậu về công nghệ so với thế giới không?

"Hữu xạ tự nhiên hương"

Không phô trương, không ồn ào nhưng ít ai biết rằng Belarus sở hữu một nền công nghiệp sản xuất UAV hàng đầu khu vực trong cộng đồng các quốc gia độc lập trong không gian hậu Xô Viết.

Những năm gần đây các công ty của Belarus đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ sản xuất các phương tiện bay không người lái.

Một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực UAV là Phòng thiết kế KB Indela, nơi đây đang phát triển khoảng 10 mẫu UAV khác nhau bao gồm: Trực thăng không người lái, hệ thống giám sát trên không không người lái và các loại robot.

Những loại UAV trực thăng do KB Indels thiết kế có hình dáng khí động học rất ấn tượng với khả năng tàng hình rất cao. Các UAV trực thăng này được trang bị các hệ thống cảm biến rất hiện đại phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.

Trực thăng không người lái EYE SKY do KB Indela phát triển với thiết kế khi động học cực kỳ ấn tượng.

Một trung tâm thiết kế UAV lớn khác của Belarus là Viện Hàn lâm khoa học kỹ thuật vật lý quốc gia. Tổ chức này sẽ phát động các chương trình phát triển, sáng tạo công nghệ sản xuất các thiết bị trong lĩnh vực công nghệ hàng không, các thiết bị cảm biến cho các loại phương tiện bay không người lái đa mục đích.

Dự kiến đến năm 2015 năng lực sản xuất các thiết bị chuyên dùng trong công nghệ hàng không của nước này sẽ đạt mức quy mô công nghiệp.

UAV trực thăng HU SKY được thiết kế với khả năng tàng hình rất cao, loại UAV trực thăng này quả là lý tưởng cho các nhiệm vụ trinh sát luồn sâu.

Ngoài hai tổ chức nói trên còn có sự tham gia thiết kế, chế tạo của các học viện quân sự của Belarus. Bởi vì các học viện quân sự không có các cơ sở sản xuất công nghiệp cần thiết nên họ phải sản xuất các nguyên mẫu UAV thông qua Trung tâm khoa học và kỹ thuật LEMT và công ty công nghệ vi điện tử NTLab-IP.

Một nơi sản xuất UAV đặc biệt khác của Belarus là nhà máy sửa chữa máy bay số 558 thuộc quản lý của Chính phủ Belarus. Nhà máy này đã sản xuất thành công một UAV tầm trung có khả năng thực hiện các nhiệm vụ quân sự là UAV Grif-1. UAV Grif-1 có thể mang các cảm biến quang - hồng ngoại, thiết bị trinh sát điện tử.

Một tính năng ưu việt của Grif-1 là dễ dàng thay đổi các thiết bị cảm biến mang theo, nếu cần thiết nó có thể mang theo một cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu laser. Grif-1 được chế tạo từ vật liệu composite nên có độ bền rất cao. Hệ thống điều khiển hiện đại cùng khả năng lập trình chuyến bay giúp Grif-1 có thể hoạt động tốt bất kể ngày đêm.

UAV tầm trung Grif-1 một thiết kế chuyên dùng cho mục đích trinh sát chiến trường và chiến tranh điện tử.

Một UAV “đỉnh” khác của Belarus là Siberian Crane-BM. UAV này được trang bị phần cứng tự động cùng phầm mềm quản lý SCU. Cấu trúc của SCU bao gồm: Hệ thống định vị quán tính, hệ thống dẫn đường vệ tinh, hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyến bay, cảm biến đo tốc độ không khí cùng máy tính điều khiển kỹ thuật số.

UAV Siberian Crane-BM thích hợp cho cả nhiệm vụ dân sự và quân sự. Hiện nay các xu hướng chính trong phát triển UAV của Belarus là phát triển các UAV cho mục đích trinh sát chiến trường, chiến tranh điện tử, làm trạm chuyển tiếp thông tin liên lạc. Tương lai gần Belarus sẽ phát triển các UAV tấn công , phòng thủ tên lửa và giám sát radar tầm xa.

Để thực hiện các khả năng trên, UAV cần được trang bị các cảm biến quang - điện, trạm radar, thiết bị lập bản đồ số mặt đất 3 chiều, thiết bị tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu, hệ thống dẫn đường và chuyển tiếp dẫn đường cho vũ khí điều khiển từ xa. Các chương trình phát triển các hệ thống cảm biến đi kèm cho UAV đang ở vào giai đoạn cuối của quá trình phát triển, dự kiến sẽ được trang bị trong thời gian tới.

UAV Strela, loại UAV này được trang bị động cơ phản lực nên có tốc độ rất nhanh, nó đang được phát triển cho nhiệm vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa.

Những hệ thống cảm biến trên đều được áp dụng những công nghệ thuộc hàng “đỉnh” của thế giới hiện nay và không hề thua kém các thiết bị cảm biến được trang bị trên các UAV của Mỹ, Israel hai quốc gia có công nghệ UAV hàng đầu thế giới.

Theo một số nguồn tin, Việt Nam sẽ mua loại UAV đa nhiệm Siberian Crane-BM. Loại UAV này có thể trang bị các cảm biến do phòng thiết kế KB Radar phát triển cho nhiệm vụ trinh sát.

Cái mà Việt Nam sẽ được trong thương vụ mua UAV của Belarus không chỉ là sản phẩm mà còn sự hợp tác chuyển giao công nghệ hợp tác sản xuất các UAV công nghệ cao trang bị cho quân đội 2 nước và tiến tới xuất khẩu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại