“Yomiuri Shimbun” cho biết, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1 là loại máy bay trinh sát chống ngầm có khả năng phát hiện tàu ngầm cực tốt, là nòng cốt của lực lượng tuần tiễu bảo vệ không, hải phận của Nhật Bản. Nó chủ yếu sử dụng trong nhiệm vụ cảnh giới, giám sát khu vực biển Nhật Bản, đăc biệt là chống sự xâm nhập của tàu ngầm Trung Quốc.
Tuy vậy, loại máy bay tuần tiễu chống ngầm do Nhật Bản tự nghiên cứu, chế tạo đã phát sinh sự cố động cơ nghiêm trọng, điều này đã khiến cho lực lượng tự vệ Nhật Bản hoãn các chuyến bay tuần tiễu Senkaku, kế hoạch ban đầu dự kiến vào ctháng 6 sẽ triển khai thêm P-1 cũng có thể bị trì hoãn. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến “Cơ chế cảnh giới, giám sát lãnh hải” mà Nhật Bản đang triển khai xây dựng.
P-1 là loại máy bay tuần tiễu chống ngầm thế hệ mới nhất do Nhật bản tự nghiên cứu, chế tạo để thay thế cho máy bay cùng tính chất của Mỹ là P-3C đã quá già lão. Loại máy bay này là sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki Heavy Industries. Ngoài các nguyên mẫu thử nghiệm ra, Nhật đã sản xuất được 2 chiếc máy bay tác chiến.
Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, tất cả máy bay này đều được biên chế về căn cứ không quân Atsugi. Hiện nay, chúng đều trong quá trình thử nghiệm bay thực tế tại căn cứ này. Bộ quốc phòng Nhật Bản dự định đến cuối năm nay sẽ biên chế 7 chiếc cho lực lượng tự vệ trên biển, tổng số lượng đặt hàng là 70 chiếc.
Thông tin cho biết, vào ngày 13/05, các máy bay P-1 đang bay tập ở Thái Bình Dương thì động cơ phản lực của 1 chiếc phát sinh hiện tượng bất bình thường, rồi sau đó bốc cháy làm lực đẩy suy yếu rõ rệt. Rất ma là phi công đã kịp thời điều khiển máy bay tiếp đất an toàn.
Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1 có chiều dài 38 m, sải cánh 35,4 m, chiều cao 12,1 m, kích thước lớn hơn nhiều so với P-3C, tổ lái gồm 2 phi công và 11 phi hành đoàn. Nó có tải trọng cất cánh tối đa 79,7 tấn, cao hơn tải trọng của P-3C Orion rất nhiều (56 tấn) nên chứa được nhiều vũ khí và thiết bị trinh sát hơn.
P-1 được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt XF7-10 của công ty IHI của Nhật sản xuất, có công suất 6,1 tấn, độ bền rất cao lại tiết kiệm nhiên liệu. Thiết kế 4 động cơ giúp P-1 đạt tốc độ tối đa 996 km/giờ, tốc độ trung bình 833 km/giờ và tầm bay xa 8.000 km, bán kính tác chiến 3500km với trần bay 13,52km.
P-1 được trang bị radar tìm kiếm HPS-106, áp dụng công nghệ mảng pha điện tử chủ động. Loại radar này có nhiều chế độ công tác tương ứng với các nhiệm vụ: Tìm kiếm mặt biển, dẫn đường, dự báo khí tượng, cảnh báo sớm trên không… Với chế độ radar khẩu độ tổng hợp, HPS-106 có thể phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm ngay cả khi bay ở độ cao lớn.
Tính năng của nó không được công bố chi tiết nhưng được các chuyên gia Nhật đánh giá là không hề kém radar trên P-8A Poseidon của Mỹ. Radar APY-10 sử dụng trên P-8A có phạm vi tìm kiếm đối hải là hơn 200 hải lý, cự ly phát hiện kính tiềm vọng tàu ngầm là 32 hải lý, có khả năng đồng thời phát hiện và đeo bám 256 mục tiêu.
Về sonar, P-1 có thể mang theo 100 chiếc phao sonar gồm cả phao chủ động lẫn phao bị động, 30 chiếc lắp sẵn và 70 chiếc triển khai trong khoang. Ngoài ra nó còn được trang bị từ kế và thiết bị xử lý âm thanh HQA-7 do chính Nhật Bản sản xuất, có khả năng phân tích hàng trăm loại tín hiệu âm thanh khác nhau.
Những thết bị tiên tiến này vừa giúp giảm thiểu cường độ công tác cho nhân viên kỹ thuật lại giúp tàu trinh sát phát hiện được những tàu ngầm chạy êm nhất, lặn sâu hàng trăm mét, đồng thời phán đoán được hình dạng và tính năng sơ bộ của tàu ngầm rồi lặng lẽ tự mình “xử lý” hoặc phối hợp với các lực lượng khác.
Với tải trọng vũ khí lên tới 9 tấn, P-1 được trang bị đầy đủ các loại vũ khí như ngư lôi, bom khoan nước sâu, bom điều khiển bằng laser JDAM và tên lửa chống hạm ASM-IC và AGM-84 Harpoon, thậm chí nó còn có thể mang tên lửa lưỡng dụng tấn công mặt đất và chống hạm AGM-65 Maverick.
Khoang đạn trong thân máy bay có thể chứa 8 quả ngư lôi, 2 bên cánh máy bay có đến 12 điểm treo vũ khí. Nó có thể sử dụng ngư lôi Mk-46, Mk-54 hoặc mang theo 100 quả bom khoan nước sâu. Với những loại vũ khí trên, P-1 có đầy đủ các tính năng tấn công mặt đất, tấn công tàu ngầm và cả tàu mặt nước, giúp nó nâng cao khả năng sinh tồn trong điều kiện tác chiến tầm xa nhiều cạm bẫy.
Hiện nay, P-1 của Nhật được các chuyên gia quân sự đánh giá là vượt trội các máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định TU-142 và IL-38 của Nga, Atlantic của Pháp, Nimrod MR2 của một số nước châu Âu như: Anh, Ý, Đức… chứ không nói đến GX-6 còn chưa ra mắt của Trung Quốc.
P-1 được lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật ưu ái đặt cho biệt danh: “Khắc tinh số 1 của tàu ngầm Trung Quốc”. Vì vậy, nó tạm ngừng sử dụng là điều thiệt thòi cho người Nhật và là nỗi vui mừng của người Trung Quốc.