Trung Quốc đang hung hăng gây chiến trên khắp châu Á

Trong những ngày qua, các lực lượng của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã xâm phạm lãnh thổ của cả Nhật Bản và Ấn Độ.

Trong những ngày qua, các lực lượng của Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) đã xâm phạm lãnh thổ của cả Nhật Bản và Ấn Độ.

Cùng lúc đó, Trung Quốc gia tăng luận điệu với Việt Nam và Philippines khi hai nước nỗ lực khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông.

Trong số 3 “điểm nóng” nói trên, điểm nóng căng thẳng nhất là Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông khi các lực lượng vũ trang Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến ở vùng biển quanh quần đảo này.

Trung Quốc đang hung hăng gây chiến trên khắp châu Á
Tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến Nhật Bản phải điều tàu canh gác bờ biển ra “xua đuổi”.

Hôm 23/4, máy bay Trung Quốc, chủ yếu là chiến đấu cơ, đã tiến ra không phận quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với số lần kỉ lục, 40 lần, khiến Nhật Bản phải điều động máy bay chiến đấu F-15 ra đối phó. Cùng lúc đó, 8 chiếc tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng biển cách quần đảo này 12 hải lý, vùng biển được coi là lãnh hải của Nhật Bản.

Báo chí Nhật dẫn lời của các quan chức chính quyền nước này mô tả hành động trên của các lực lượng Trung Quốc là “một mối đe dọa chưa có tiền lệ. Nếu tình trạng “diễu võ giương oai” như vậy tiếp tục, có khả năng tình hình sẽ tiến tới điểm lực lượng không quân Nhật Bản không thể kiềm chế được”.

Những vụ xâm nhập nói trên là những vụ lớn nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch “huých khuỷu tay” vào các lực lượng quốc phòng Nhật Bản từ ngày 13/12 năm ngoái. Thời điểm đó là dịp kỉ niệm vụ việc quân Nhật chiếm thành phố Nam Kinh và sau đó là vụ thảm sát tại thành phố này. 

Một trong những động thái hiếu chiến nhất của Trung Quốc là diễn ra vào ngày 30/1 khi một tàu chiến Trung Quốc khóa mục tiêu trên rađa vào một tàu khu trục của hải quân Nhật Bản và sau đó vào một chiếc máy bay trực thăng của Nhật. Khóa mục tiêu trên rađa là hành động cuối cùng trước khi chính thức khai hỏa một tên lửa và biểu thị rằng một cuộc tấn công sẽ bắt đầu trong vài giây sau đó.

Trong một tình huống như vậy, rất dễ gây ra nhận định sai lầm và một cuộc xung đột có thể vô tình xảy ra. Nhưng Trung Quốc rõ ràng đang chuẩn bị cho tình huống xung đột đó nhằm theo đuổi tuyên bố chủ quyền của mình đối với Senkaku.

Hôm 26/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố quần đảo Senkaku là một trong những “lợi ích cốt lõi” của nước này, một cụm từ mà nước này vẫn thường dùng để đề cập tới các vấn đề mà nước này coi là không thể thương lượng được và sẵn sàng dùng chiến tranh để giải quyết.

Cụm từ “những lợi ích cốt lõi” cũng được Bắc Kinh dùng để nói về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hòn đảo Đài Loan và gần như toàn bộ diện tích Biển Đông và vùng biển ngoài khơi Indonesia.

Cuộc tranh chấp chủ quyền biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Himalaya là nguyên nhân của cuộc chiến tranh 1962. Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới và mặc dù hai nước đã xây dựng cơ chế để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột, những vụ “va chạm” vẫn diễn ra khá thường xuyên.

Hôm 15/4, Trung Quốc điều một trung đội vào sâu 20km trong lãnh thổ mà Ấn Độ đang kiểm soát ở khu vực Ladakh và cắm trại ở đó.

Trung Quốc đang hung hăng gây chiến trên khắp châu Á
Hôm 15/4, các binh sĩ Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh thổ do Ấn Độ kiếm soát ở khu vực phía đông Ladakh.

Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc rút quân nhưng sau vài cuộc họp giữa các tư lệnh quân đội cũng như các nhà ngoại giao, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Hành động xâm nhập của Trung Quốc đã khiến dư luận Ấn Độ nổi giận và nhiều nhà bình luận cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng điểm yếu của chính quyền của Thủ tướng Manmohan Singh, người dự kiến sẽ nghỉ hưu trước khi các cuộc bầu cử diễn ra trong năm sau.

Ngoài ra, cũng có những đề xuất rằng Ấn Độ phải dùng vũ lực nếu cần thiết để buộc các binh sĩ Trung Quốc phải rút lui nếu không, sự “im hơi lặng tiếng” của Ấn Độ sẽ càng khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục thay đổi tình trạng kiểm soát của Ân Độ đối với khu vực này.

Tình hình cũng đang thay đổi “chóng mặt” tại điểm nóng Biển Đông. Trung Quốc đang hành động một cách quyết liệt để thiết lập sự hiện diện của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Ngoài Trung Quốc, các nước đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia cũng như đảo Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc là quốc gia có những hành động hiếu chiến mang tính chất “bắt nạt” để bảo vệ cái mà nước này gọi là “những lợi ích cốt lõi” bằng cách đối đầu với tàu canh gác bờ biển của Philippines và phá hoại tàu khảo sát của Việt Nam tại vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc đang hung hăng gây chiến trên khắp châu Á
Trong những ngày vừa qua, Trung Quốc liên tục “giễu võ giương oai” trên Biển Đông (Ảnh minh họa)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa tiến hành chiến tranh với cả Việt Nam và Philippines và hôm 26/4, Bắc Kinh lên án chính quyền Manila vì đã đệ đơn lên Tòa án Liên Hợp Quốc để tìm kiếm phán quyết cho cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong khi đó, Việt Nam đang tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ. Theo tin từ tờ Vancouver Sun (Canada), hôm 25/4, trong một tín hiệu cho thấy sự ủng hộ cao của Washington đối với Hà Nội, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh đã cùng các quan chức Việt Nam ra thăm một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại