Trung Quốc chưa ra tay, tàu sân bay Mỹ có thể đã “đi tong”

Hải Vy |

TQ được xem là mối đe dọa lớn nhất với các tàu sân bay Mỹ. Song theo nhà phân tích Joseph Trevithick, vẫn có một thứ khác có thể khiến các tàu sân bay mới nhất của Mỹ “đi tong”.

Trì hoãn liên tiếp, chi phí tăng vọt

Trong bài viết đăng trên tạp chí The National Interest, nhà phân tích Joseph Trevithick cho biết:

Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) đã kịch liệt chỉ trích Hải quân Mỹ vì quản lý kém kế hoạch mua các tàu sân bay mới lớp Gerald R. Ford.

Theo cơ quan giám sát hàng đầu của Chính phủ Mỹ, đã quá muộn để có thể khắc phục tình trạng trì hoãn và chi phí tăng vọt của chương trình này.

Năm 2009, Nhà máy đóng tàu Newport News (bang Virginia) bắt đầu đóng chiếc tàu đầu tiên mang tên USS Gerald R. Ford (CVN-78).


Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78). Ảnh: Wiki

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78). Ảnh: Wiki

Theo kế hoạch ban đầu, CVN-78 sẽ đi vào hoạt động trong tháng 5/2016.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, có thể con tàu sẽ không được bàn giao đúng dự kiến với các thiết bị then chốt và chi phí dành cho nó đã vượt quá ngân sách 2 tỷ USD.

Paul Francis, Giám đốc quản lý chương trình mua sắm và nguồn cung ứng của GAO đã thẳng thừng bày tỏ quan điểm với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 1/10 .

Theo Francis, chi phí thực tế không theo đúng các khoản ngân sách dự kiến dành cho chương trình tàu sân bay lớp Ford và thời gian giao tàu theo kế hoạch quá lạc quan.

Hậu quả là, con tàu có thể không đạt tới những cấp độ năng lực được hứa hẹn trước đó.

Sai lầm nghiêm trọng của Hải quân Mỹ

2 năm trước khi nhà máy Newport News đặt ky tàu CVN-78, Francis đã đưa ra cảnh báo về hậu quả này.

Tuy nhiên, chí ít thì xét theo những yêu cầu được đặt ra hiện nay, tàu Ford đã hoàn thiện được 92%. Vì vậy, tất cả những gì Lầu Năm Góc có thể làm là cố gắng không để tình trạng tương tự lặp lại với các tàu lớp Ford tương lai và những thứ vũ khí đắt đỏ khác.

Hơn 1 thập kỷ trước, Lầu Năm Góc bắt đầu cân nhắc phương án thay thế các tàu sân bay “lão làng” lớp Nimitz.

Kể từ khi đưa chiếc đầu tiên vào biên chế năm 1975, Hải quân Mỹ đã dần tăng cường nâng cấp tàu Nimitz và các chị xem của nó trong nhiều năm.

Không may, phạm vi nâng cấp đã bị giới hạn đáng kể do thiết kế cơ sở của lớp tàu này. Vì vậy, Hải quân Mỹ đặc biệt muốn tàu lớp Ford có thiết kế cho phép tiến hành nhiều cải tiến đáng chú ý hơn.

Những con tàu mới được trang bị 1 lò phản ứng nâng cấp, có boong tàu lớn hơn và máy phóng điện từ để triển khai máy bay.

Ngoài ra còn có hệ thống máy tính nâng cấp, các radar mạnh mẽ hơn và máy móc tiên tiến để hỗ trợ hãm các máy bay khi chúng hạ cánh.

Ngược lại, thậm chí cả chiếc tàu mới nhất lớp Nimitz cũng trông rất lạc hậu với các lò phản ứng hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh, máy phóng hơi nước, kết nối internet chập chờn và các thiết bị điện tử đang ngày càng lỗi thời.


Tàu sân bay hiện nay của Hải quân Mỹ dùng máy phóng bằng hơi nước - Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu sân bay hiện nay của Hải quân Mỹ dùng máy phóng bằng hơi nước - Ảnh: Hải quân Mỹ

Song, không giống như những đợt nâng cấp trước đó, các cải tiến trên tàu Ford tập trung phần lớn vào những công nghệ chưa được kiểm nghiệm, chúng cần thời gian mới có thể hoạt động trơn tru.

Trong bản báo cáo đầu tiên về dự án này 8 năm trước, GAO đã đề cập tới những vấn đề có thể phát sinh này.

GAO nhấn mạnh 7 kỳ vọng không thực tế của Hải quân Mỹ về dự án tàu sân bay Ford.

Trong đó nghiêm trọng nhất là, bất chấp việc các nhà thầu vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhiều hệ thống cốt lõi, Hải quân Mỹ đã cho rằng hình dạng và kích thước tổng thể của con tàu về cơ bản không thay đổi trong quá trình xây dựng.

Với hy vọng trong thiết kế cuối cùng, tàu Ford sẽ có phần thân tàu tương tự như các tàu sân bay thế hệ cũ, Hải quân Mỹ đã cam kết với Lầu Năm Góc rằng công tác đóng tàu sẽ được hoàn tất nhanh chóng và với chi phí rẻ so với các tàu sân bay cũ.

GAO và nhà máy Newport News khi đó đều không đồng tình với Hải quân Mỹ.

Francis nói với các Thượng nghị sĩ:

“Đặc biệt, chúng tôi đề cập rằng mức ước tính của Hải quân Mỹ về chi phí (10.5 tỷ USD) và số giờ công lao động (giảm 2 triệu giờ) đã dẫn đến giả thuyết chưa từng có rằng CVN-78 sẽ tốn ít thời gian hoàn thiện hơn “người tiền nhiệm” CVN-77 (USS George H.W. Bush)”.

Trong khi đó, phía công ty đóng tàu đưa ra mức chi phí ước tính cao hơn 22%, gần hơn với mức chi phí thực tế của các công trình trước.

6 năm sau khi đưa ra những chỉ trích đầu tiên, GAO tiếp tục đệ trình bản báo cáo thứ 2 nhấn mạnh rằng, như dự đoán, các thiết bị mới như radar, hệ thống phóng điện từ và hệ thống cáp hãm đà tiên tiến đều gặp vấn đề.

Khi tàu Ford được khởi đóng, Hải quân Mỹ vẫn chưa chế tạo bất cứ một loại nào trong số các hệ thống radar mà họ kỳ vọng có thể trang bị trên tàu.

Các kỹ sư Mỹ cũng chưa từng thử nghiệm những thiết bị mà họ chế tạo bên ngoài phạm vi phòng thí nghiệm.

Hải quân Mỹ bắt đầu thử nghiệm nguyên mẫu máy phóng điện từ và thiết bị móc hãm AAG nhưng tiến hành trên mặt đất.

Một chiếc tiêm kích F-35 đang chuẩn bị được phóng đi bằng máy phóng máy bay bằng điện từ trường (EMALS) thử nghiệm trên mặt đất - Ảnh: Hải quân Mỹ
Một chiếc tiêm kích F-35 đang chuẩn bị được phóng đi bằng máy phóng máy bay bằng điện từ trường (EMALS) thử nghiệm trên mặt đất - Ảnh: Hải quân Mỹ

GAO phát hiện thấy cả 2 hệ thống tiên tiến này đều phát sinh những vấn đề nhỏ khá phổ biến trong các giai đoạn ban đầu.

Phía nhà máy đóng tàu đã phải bổ sung những thay đổi trong thiết kế vào con tàu mà họ đang thi công.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi chi phí của chiếc tàu mới vượt quá ngân sách dự kiến 22%, hoàn toàn đúng như dự kiến ban đầu của Newport News.

Tháng 1 năm nay, kíp thử nghiệm vũ khí hàng đầu của Lầu Năm Góc đã chỉ ra những vấn đề tiếp diễn với các hệ thống khác, đặc biệt là hệ thống máy phóng điện từ và thiết bị móc hãm AAG.

4 tháng sau đó, Hải quân Mỹ cuối cùng đã thử nghiệm máy phóng điện từ với một chiếc xe trượt có khối lượng tương đương máy bay.

“Độ tin cậy của hệ thống máy phóng và móc hãm chưa được báo cáo trong hơn 1 năm nay” – Giám đốc phụ trách đánh giá và thử nghiệm hoạt động viết trong bản tổng kết thường niên của chương trình tàu sân bay Ford.

“Trước khi Hải quân Mỹ ngừng theo dõi/báo cáo về tình trạng của hệ thống máy phóng và móc hãm, các báo cáo trước đó cho thấy cả 2 hệ thống này đều hoạt động dưới mức yêu cầu đặt ra, chưa đạt được độ tin cậy cần thiết”.

Tiếp đó là vấn đề với các cuộc thử nghiệm va chạm của tàu Ford.

Hải quân Mỹ thường sử dụng thuốc nổ để thử nghiệm khả năng chống chịu rung lắc của tàu. Điều này giúp đảm bảo chúng sẽ sẵn sàng cho những tình huống tác chiến nguy hiểm.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ đã không tiến hành theo kế hoạch thử nghiệm được phê duyệt vào ngày 18/6/2012.

Theo thông tin từ Bloomberg, tháng 8 năm nay, Frank Kendall, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần đã yêu cầu Thư ký Hải quân Mỹ Ray Mabus tiến hành đúng các cuộc kiểm tra.

Ngoài tình trạng trì hoãn do các vấn đề phát sinh với con tàu và các thiết bị trên tàu, Hải quân Mỹ còn phải nhiều lần tiến hành rà soát số lượng các thủy thủ sẽ tham gia vận hành con tàu, chiểu theo những thay đổi trong thiết kế.

Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc nhận thấy Hải quân Mỹ sẽ gặp khó khăn để đưa tàu Ford vào hoạt động vì các tiêm kích tàng hình “lắm tật” F-35B.

Với tất cả các vấn đề trên, GAO cho rằng Hải quân Mỹ chưa chắc đã đạt được mục tiêu là trang bị con tàu có khả năng hoạt động đầy đủ trong vòng chưa đầy 5 năm, tính từ bây giờ.

“Các khung thời gian dành cho công tác thử nghiệm sau khi chuyển giao đang bị ép lại vì những chậm trễ liên tục”, Francis nói.

“Nếu Hải quân Mỹ vẫn cương quyết giữ đúng thời gian triển khai con tàu trong năm 2020, lịch trình thử nghiệm “căng” như vậy sẽ dẫn tới khả năng tàu được triển khai trong khi các hệ thống chưa được thử nghiệm đầy đủ”.

Thậm chí có thể phát sinh nhiều vấn đề hơn, những nhận thức thiếu thực tế của Hải quân Mỹ về những tàu sân bay này ngay từ lúc bắt đầu có thể khiến chi phí của chúng tăng cao hơn cả những ước tính hợp lý ban đầu của GAO hay nhà máy Newport News.

“Cách làm của Hải quân Mỹ sẽ khiến họ nhận được 1 con tàu đắt đỏ hơn nhưng chưa hoàn thiện và chưa đáp ứng được khả năng như kế hoạch ban đầu” – Francis tuyên bố.

Mặc dù những tranh cãi về chi phí của chiếc CVN-78 về cơ bản đã kết thúc nhưng Francis lo ngại rằng các vấn đề tương tự sẽ xảy ra với chiếc tàu thứ 2 thuộc lớp này mang tên USS John F. Kennedy (CVN-79).


Đồ họa tàu sân bay USS John F. Kennedy (CVN-79)

Đồ họa tàu sân bay USS John F. Kennedy (CVN-79)

Ngoài ra, cả Lầu Năm Góc và các nhà lập pháp Mỹ đều từ chối duy trì mức ngân sách cho các tàu sân bay mới.

Trước đó, Hải quân Mỹ đã tìm cách thuyết phục giới lập pháp nới lỏng những quy định về ngân sách khi tàu Ford trở nên đắt đỏ hơn.

Hiện tại, Quốc hội Mỹ giới hạn khoản ngân sách dành cho tàu sân bay Kennedy là 11,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo kế hoạch hiện tại, cả Văn phòng đánh giá chương trình và chi phí của Lầu Năm Góc, cũng như Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đều ước tính rằng chi phí cuối cùng của con tàu sẽ tăng lên.

Theo Francis, thất bại này là hệ quả của sự tự mãn về mọi mặt và thói quen vung tiền để giải quyết vấn đề.

Francis cho rằng, cách duy nhất để tránh khỏi các vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai là trao đổi nghiêm túc xem Lầu Năm Góc yêu cầu như thế nào và cách Quốc hội Mỹ phân bổ ngân sách cho những chương trình quốc phòng lớn hơn.

Điều quan trọng nhất có vẻ là các bên có liên quan phải có những tính toán thực tế về chi phí ngay từ lúc bắt đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại