Trận thua cay đắng của Hitler trước Không quân Anh

Nhật Huy |

Người Đức tưởng rằng chiến thắng sẽ đến với họ chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, chiến thắng cuối cùng lại thuộc về người Anh.

Với nhiệm vụ quét sạch máy bay đối phương để giành kiểm soát trên không, máy bay tiêm kích luôn đóng một vai trò thiết yếu trong chiến tranh hiện đại.

Lịch sử cũng cho thấy bên tham chiến nào có tiêm kích giành phần thắng trong không chiến cũng thường giành thắng lợi cuối cùng.

Dưới đây là những trận chiến lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử của máy bay tiêm kích:

1. ST. MIHIEL

Đây cũng là trận đại chiến trên không đầu tiên trong lịch sử chiến tranh.

Diễn ra vào giai đoạn cuối của Thế chiến I, kéo dài từ 12 đến 16/9/1918, trận không chiến này là một phần trong chiến dịch tấn công của quân đội Mỹ nhằm vào lực lượng Đức tại vòng cung St. Mihiel.

Hỗ trợ cho lực lượng trên bộ là gần 1.500 chiến đấu cơ, 60% trong số đó là do các đồng minh Anh, Pháp, Ý cung cấp. Ở phía ngược lại, người Đức tập trung 500 chiến đấu cơ.

Số máy bay Mỹ chỉ chiếm thiểu số, toàn bộ lực lượng trên không được đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá William Mitchell, một sĩ quan Mỹ với rất ít kinh nghiệm thực tế so với những đồng nghiệp từ Châu Âu.

Tuy nhiên, nhờ vào lợi thế về số lượng chung, phía Mỹ vẫn có thể giành được quyền kiểm soát bầu trời sau 2 ngày giao tranh, với mỗi bên mất hơn 60 máy bay.

Người Đức cũng mất 30 khinh khí cầu trong khi phe Liên minh chỉ mất 4 khinh khí cầu.

Với những máy bay Đức bị đẩy lùi khỏi bầu trời, các máy bay ném bom Mỹ có thể tự do hỗ trợ các lực lượng mặt đất và tấn công các vị trí của quân Đức, góp phần quan trọng vào chiến thắng tại St. Mihiel.

2. Không chiến bảo vệ Vương quốc Anh

Sau khi nước Pháp đầu hàng thì Anh là cường quốc Tây Âu duy nhất còn lại chưa bị Hitler đánh bại.

Lúc này, hải quân Anh đang hoàn toàn chiếm ưu thế trên mặt biển trước hải quân Đức.

Vì vậy, Hitler hạ lệnh cho không quân nước này phải kiểm soát bầu trời bằng cách quét sạch mọi máy bay của không quân Anh.

Từ tháng 7 đến tháng 10/1940, 2.500 máy bay Đức, trong đó có hơn 1.000 tiêm kích, và gần 2.000 máy bay Anh, gồm 800 tiêm kích, đã tham gia trận chiến giành quyền kiểm soát vùng trời nước Anh.

Tiêm kích của Đức là Messerschmitt Bf 109, còn người Anh sử dụng tiêm kích Hurricane và Spitfire. Về mặt kỹ thuật, cả 3 máy bay này đều có hiệu năng khá tương đồng, với những điểm mạnh và yếu riêng.

Một chiếc Hurricane nguyên bản còn trong tình trạng tốt hiện nay

Lợi thế của người Đức nằm ở những phi công dày dạn kinh nghiệm trận mạc, tuy vậy, họ phải chiến đấu ở xa sân bay của mình.

Ngược lại, không quân Anh mất nhiều phi công giỏi trong chiến dịch tại Pháp, nhưng lại có lợi thế về khoảng cách.

Các tiêm kích của Anh có thể đáp xuống sân bay giữa trận chiến để tiếp thêm nhiên liệu, đạn dược và sau đó quay trở lại tham chiến.

Một chiếc Spitfire chỉ cần 26 phút để hạ cánh và tiếp tế. Thời gian này của 1 chiếc Hurricane thậm chí nhanh hơn nhiều, chỉ 9 phút.

Ngoài ra, người Anh còn có vũ khí bí mật chính là radar, mà các tướng lĩnh Đức khi đó không nhận ra tầm quan trọng của nó.

Vệt hơi ngưng tụ từ những máy bay Anh và Đức vừa cận chiến trước đó

Cả 2 phía đều hứng chịu thiệt hại nặng, đặc biệt là đối với các tiêm kích, với mỗi bên mất từ 800-1.000 chiếc.

Tuy vậy, về mặt chiến lược, nước Anh đã giành chiến thắng khi vẫn giữ được quyền kiểm soát trên không. Nguy cơ về một cuộc xâm lược của Hitler vào Anh đã hoàn toàn bị đẩy lùi.

3. Không chiến tại vòng cung Kursk

Kursk thường được biết đến như là nơi diễn ra trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử.

Nhưng nó cũng đồng thời chứng kiến một trong những trận không chiến với quy mô chưa từng có. Liên Xô đã tung vào trận chiến này gần 2.800 máy bay, con số này về phía Đức là hơn 2.100.

Cho đến trước đó, không quân Đức vẫn thường chiếm ưu thế trên không, cho dù chịu bất lợi về số lượng trước không quân Liên Xô.

Tuy nhiên, người Đức không thể duy trì ưu thế này, mà một phần lí do là sự thiếu hụt nhiên liệu.

Tại Kursk, có một số thời điểm, không quân Đức giành quyền kiểm soát bầu trời tại những khu vực nhất định.

Như trong 3 ngày đầu tiên của trận chiến, từ 5/7/1943 đến 8/7/1943, mặc dù đã nắm trước kế hoạch tấn công của người Đức, không quân Liên Xô vẫn mất 386 máy bay trong khi không quân Đức chỉ mất 39 máy bay.

Tuy vậy, đà tiến công cả trên không và trên bộ của quân Đức dần bị chặn đứng.

Tổng kết thiệt hại trong cả trận chiến cho thấy không quân Đức mất từ 500-700 máy bay, con số này của phía Liên Xô là hơn 1.100.

Tổng số máy bay Đức bị bắn rơi trong 2 tháng 7 và 8 năm 1943 trên mặt trận phía Đông là 1.030 chiếc.

Người Đức không thể hồi phục được từ những tổn thất này, trong lúc đó, Liên Xô lần đầu tiên trong cuộc chiến giành được thế chủ động.

Sự xuất hiện của những tiêm kích cơ mới như Yak-9 và La-5 (trong hình) giúp Liên Xô lần đầu tiên có câu trả lời tương xứng cho Messerschmitt Bf 109

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại