TQ đưa máy bay trực chiến trên đảo nhân tạo - Không tưởng?

Lê Ngọc Thống |

Việc xây dựng sân bay trên đảo nhân tạo ngoài khơi xa đã khó, việc duy trì hoạt động trực chiến cho máy bay chiến đấu 12 tháng/năm còn khó gấp vạn lần, thậm chí là không tưởng!

Trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện tồn tại ít nhất 5 sân bay gồm: Trường Sa Lớn của Việt Nam và 4 sân bay ở đảo Ba Bình, đảo Thị Tứ, bãi đá Hoa Lau, bãi đá Chữ Thập lần lượt do vùng lãnh thổ Đài Loan, Philippines, Malaysia và Trung Quốc xây dựng trái phép.

Ngoài ra, theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc cũng có ý đồ và đã có những động thái nhất định nhằm xây dựng trái phép thêm sân bay trên các bãi đá nhân tạo khác như Xu-bi, Gạc Ma, Vành Khăn tại Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 
cHUYÊN GIA LÊ NGỌC THỐNG
Kỹ sư chỉ huy - Hoa tiêu. Nguyên sỹ quan Tham mưu Hải quân.

Sân bay Trường Sa Lớn của Việt Nam chủ yếu được dùng cho mục đích đưa, đón các đoàn công tác tới thăm, động viên, kiểm tra và thực hiện các chuyến bay tìm kiếm cứu nạn và cấp cứu cho quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo.

Trừ sân bay trên Đá Chữ Thập mới được Trung Quốc xây dựng trái phép, những sân bay còn lại đã có từ lâu, nhưng cho đến nay, không ai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ này có ý tưởng mở rộng, phát triển nó lớn, dài hơn cho máy bay hạng nặng cất hạ cánh.

Thậm chí họ cũng chẳng triển khai củng cố, tôn tạo thành một sân bay có đầy đủ các phương tiện như một sân bay trên bờ. Bởi lẽ, việc xây dựng sân bay (phi pháp) trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam phụ thuộc vào 2 yếu tố rất quan trọng là ý đồ quân sự và kỹ thuật.


Đường băng Trung Quốc xây phi pháp trên Đá Chữ Thập đã gần hoàn tất. Ảnh: Asahi.com do Quân đội Philippines cung cấp.

Đường băng Trung Quốc xây phi pháp trên Đá Chữ Thập đã gần hoàn tất. Ảnh: Asahi.com do Quân đội Philippines cung cấp.

Yếu tố kỹ thuật

Kéo đường băng cho dài ra đáp ứng cho máy bay hặng nặng cất hạ cánh thì các quốc gia và vũng lãnh thổ này tiến hành dễ dàng hơn Trung Quốc nhiều lần nhờ cơ sở đường băng cũ sẵn có và nền tảng tự nhiên của đảo ồn định, vững chắc hơn sự tôn tạo bồi lấp phi tự nhiên.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Ở quần đảo Trường Sa, có 3 vấn đề kỹ thuật rất khó xử lý:

Thứ nhất, bão và gió lớn quanh năm. Tại đây, người ta hoàn toàn có thể xây sân bay, cầu cảng, nơi trú đậu cho tàu thuyền…nhưng chỉ để phục vụ cho mùa biển lặng.

Khi biển động mạnh và khi gió bão, đặc biệt là các siêu bão nhiệt đới, thì tất cả tàu thuyền đều phải tìm khu neo (tránh gió, sóng) an toàn mà ở khu vực Trường Sa không có khu neo nào hết, cho nên phải về đất liền trước khi bão tới để trú ẩn.

Gió lớn ở khu vực Trường Sa là trở ngại khó vượt qua nhất cho máy bay. Cất hạ cánh trong điều kiện gió mạnh trên đảo nhỏ còn khó gấp vạn lần cất hạ cánh trên tàu sân bay.

Trên tàu sân bay, trong một cấp gió cho phép thì máy bay luôn cất hạ cánh cùng phương với gió bằng một cái “bẻ lái”, trong khi đó sân bay trên đảo cố định là không thể. Vì thế để duy trì hoạt động trực chiến cho máy bay 12 tháng/năm là không tưởng.

Thứ hai, việc bảo trì kỹ thuật cho máy bay. Để các máy bay với hệ thống điện tử hiện đại... hoạt động tốt trong một vùng thời tiết khí hậu khắc nghiệt đặc biệt như vùng biển Trường Sa là không dễ dàng, không phải quốc gia nào cũng có đủ khả năng.

Trong trận bảo vệ Mát-xcơ-va ở Thế chiến 2, Đức bị thất bại bởi nguyên nhân quan trọng là vũ khí không phù hợp với thời tiết khí hậu Nga. Trang thiết bị của họ bắt đầu hỏng hóc khi nhiệt độ xuống -20 độ C.

Các loại vũ khí không thể khởi động được, đặc biệt là các vũ khí chống tăng, chất lỏng tạo độ giật lùi cho pháo đều đông cứng, dầu bôi trơn cho các vũ khí thông minh và súng máy cũng vậy.

Tháp pháo của xe tăng thì không thể xoay được, và xe tăng thì phải hoạt động liên tục để tránh bị đông cứng. Chỉ có lựu đạn ném tay là còn sử dụng được.

Ngược lại, xe tăng T-34 của Nga với số lượng rất lớn, lại có bộ khởi động khí nén, có thể hoạt động được kể cả trong thời tiết lạnh nhất.

Mới đây nhất là tranh chấp ở vùng Bắc Cực. Người Nga đã chứng tỏ kinh nghiệm vượt trội và sự chuẩn bị kỹ càng của mình cho hoạt động quân sự trên vùng Bắc Cực. Khi máy bay Mỹ bị đông cứng thì máy bay Nga vẫn OK.

Như vậy căn cứ vào thời tiết, khí hậu tự nhiên của vùng miền Nga đã sản xuất ra những loại vũ khí phù hợp cho tác chiến. Từ thực tế này, thời tiết khí hậu là dữ liệu đầu vào đầu tiên quan trọng cho các nhà máy sản xuất chế tạo vũ khí, khí tài quân sự.

Rõ ràng, không phải vũ khí nào ở chiến trường nào cũng đều phù hợp, phát huy tác dụng. Vũ khí, khí tài quân sự hoạt động tốt ở vùng lạnh đương nhiên sẽ không phù hợp ở vùng nóng và ngược lại.

Còn ở khu vực Trường Sa, J-10 hay kể cả J-100 đi chăng nữa, trước hết phải trụ được trước đòn khắc nghiệt của khí hậu. Nếu như quá lạnh khiến máy móc không hoạt động được thì nóng, độ ẩm, độ mặn quá cao nó sẽ phá hủy máy móc.

Đem cả trung đoàn J-10, J-11 ra Gạc Ma hay Chữ Thập thì dễ, nhưng làm sao để duy trì hoạt động của chúng, trực chiến, trước thách thức của khí hậu Trường Sa mới là quyết định. Nếu Trung Quốc làm được thì không phải là dạng vừa.

Họ sẽ gặp khó khăn và có thể vượt qua "một cách chật vật" những chắc chắn rằng các quốc gia khác trong khu vực sẽ không thể vượt qua. Xung đột cục bộ trên biển có thể xảy ra, ngoài Trung Quốc, chắc cũng không có ai đưa máy bay ra đó trực chiến.

Thứ ba, nền móng của sân bay. Cách đây ít lâu, Báo Hoàn Cầu đã tự tin khẳng định rằng, Gạc Ma là “tàu sân bay không thể đánh chìm của Bắc Kinh” ở Biển Đông.

Nhiều học giả hiếu chiến ở TQ thì hoan hỉ ra mặt, cho rằng đây là “nước cờ quá đẹp” bởi viễn cảnh sẽ có những phi đoàn máy bay J-10, J-11 của họ cất cánh, hạ cánh như mắc cửi trên căn cứ Gạc Ma (trái phép) để khống chế Biển Đông và eo biển Malacca…

Rằng, chỉ có Trung Quốc mới làm được đảo nhân tạo, còn Nhật Bản, Mỹ thì không có chỗ ở Trường Sa và bắt đầu từ đây quần đảo Trường Sa đã nằm trong tay Trung Quốc…

Điều lạ là khi các nhà phân tích, học giả Trung Quốc như Thạch Tề Bình, Lâm Vĩ Tiệp…đang cười trong phòng lạnh, tâng bốc sân bay Gạc Ma lên tận mây xanh thì những người lính kinh nghiệm thì thẳng thừng: “chỉ có thiếu hiểu biết mới xây đường băng ở đây”.

Ngay như những đảo nổi tự nhiên hẳn hoi mà chỉ cần một con sóng lớn vỗ bờ cũng rung lên, huống chi Gạc Ma vốn là bãi đá, được bồi đắp (trái phép) phi tự nhiên và với trọng lượng cất hạ cánh hàng chục tấn thì chẳng khác nào xây nhà trên ngọn cây.

Tuy nhiên, đường băng xây dựng trái phép trên đảo Chữ Thập cũng có thể nằm trên một nền tảng địa chất khác mà Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ, không giống như với Gạc Ma.

Có điều, hiện nay người ta ít đưa tin về cái đường băng xây dựng trái phép ở Gạc Ma dù đã được Trung Quốc bồi lấp thành hình, nhưng chắc chắn là chưa có chiếc J-10, J-11 nào ra đó.


Máy bay tiêm kích J-11BH của Trung đoàn không quân số 22 thuộc Sư đoàn Không quân hải quân số 8. Ảnh: Ausairpower.net/Internet Trung Quốc.

Máy bay tiêm kích J-11BH của Trung đoàn không quân số 22 thuộc Sư đoàn Không quân hải quân số 8. Ảnh: Ausairpower.net/Internet Trung Quốc.

Vấn đề cuối là ý đồ quân sự

Địa quân sự, kinh tế, chính trị của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trong hệ tham chiếu chiến lược của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực…hoàn toàn khác nhau.

Trung Quốc xây dựng một cách phi pháp đường băng trên các đảo nhân tạo để kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế và tham vọng chiếm trọn Biển Đông bằng sức mạnh của không quân, hải quân…

Với các quốc gia ở Đông Nam Á, nếu cần và nếu đủ khả năng thì với vị trí chiến lược của họ, các sân bay, bến cảng, căn cứ không quân sẵn có ở trên đất liền còn thuận lợi hơn nhiều, nên chẳng phải “cố sống, cố chết” đưa máy bay ra Trường Sa trực chiến làm gì.

Ngoài ra sự sống sót của những sân bay trên các đảo của quần đảo Trường Sa rất nhỏ khi xung độ quân sự xảy ra. Trung Quốc cậy giàu, cậy mạnh, đang hung hăng, bất chấp, thì họ làm, nhưng các quốc gia ở Đông Nam Á thì khác.

Nhưng việc xây dựng sân bay trên đảo nhân tạo ngoài khơi xa đã khó thì việc duy trì hoạt động trực chiến cho máy bay chiến đấu 12 tháng/năm còn khó gấp vạn lần, thậm chí là không tưởng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại