Vì sao Iran mở đường cho vũ khí Mỹ tràn ngập Trung Đông?

Việt Long |

Các chuyên gia nhận định, sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực, khu vực Trung Đông có thể sẽ tràn ngập vũ khí Mỹ.

Cuộc chạy đua bắt kịp sức mạnh mới của Iran

Khu vực Trung Đông sẽ thế nào sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực?

Những người ủng hộ thỏa thuận này tin rằng Trung Đông sẽ trở thành địa điểm an toàn hơn vì chương trình hạt nhân của Iran đã bị ngăn chặn.

Các nhà phê bình lại cho rằng khu vực này sẽ trở nên nguy hiểm hơn nhiều do Iran sẽ ngày càng mạnh bạo và có nguồn tài chính mời từ những khối tài sản không bị đóng băng.

Tuy nhiên, cả hai phía đều nhất trí một điều: Khu vực Trung Đông sẽ tràn ngập vũ khí Mỹ.

Nơi đây sẽ bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, bắt nguồn từ những nỗ lực của Mỹ nhằm làm yên lòng Israel và một số quốc gia Sunni bị Chính quyền Hồi giáo Shi’ite ở Tehran đe dọa.


Sau thỏa thuận hạt nhân, các quốc gia vùng Vịnh sẽ ngày càng lo sợ trước sức mạnh quân sự của Iran.

Sau thỏa thuận hạt nhân, các quốc gia vùng Vịnh sẽ ngày càng lo sợ trước sức mạnh quân sự của Iran.

Thực vậy, các công ty quốc phòng Mỹ đã sẵn sàng ký kết những hợp đồng hàng tỷ USD để hỗ trợ bước tiến mới này.

Trong tam giác quyền lực mới nổi lên sau khi thỏa thuận hạt nhân bắt đầu có hiệu lực, Iran sẽ có tiền và hành lang pháp lý để thúc đẩy năng lực quân sự cả trong và ngoài nước;

Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác sẽ bắt đầu bước vào các thương vụ mua sắm vũ khí khổng lồ để bắt kịp sức mạnh mới của Iran.

Israel sẽ tìm kiếm những hệ thống vũ khí tiên tiến để đối phó Iran và để đảm bảo rằng các quốc gia Sunni trong khu vực không qua mặt được họ.

Còn nước Mỹ, với tư cách trọng tài khu vực, sẽ có trách nhiệm giữ cho tâm trí những đồng minh của mình được thảnh thơi.

Những hợp đồng "khủng"

Chính quyền Obama hiện đã sẵn sàng tiếp cận các bên trong khu vực để xúc tiến đàm phán kế hoạch an ninh hậu thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, các quan chức Israel vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại thỏa thuận này, họ từ chối tham gia những cuộc trao đổi về an ninh sau thỏa thuận với chính quyền Obama.

Song, ngay cả khi như vậy, các quan chức Mỹ vẫn bắt đầu thảo luận chi tiết về gói vũ khí mà Ngoại trưởng John Kerry hứa hẹn sẽ giúp "tăng cường mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và Israel".

Gói này dự kiến bao gồm một thỏa thuận mới có thời hạn 10 năm về hỗ trợ quân sự dành cho Israel. Thỏa thuận này sẽ có kinh phí vượt mức 30 tỷ USD trong thỏa thuận 10 năm trước đây (kết thúc năm 2018).

Những điều khoản khác trong thỏa thuận này bao gồm:

- Hỗ trợ mạng lưới đánh chặn tên lửa của Israel, bao gồm các hệ thống Iron Dome, David’s Sling và một thế hệ mới các tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo có tên gọi Arrow 3.

- Cùng phát triển công nghệ phát hiện và tiêu diệt đường hầm do các chiến binh người Palestin sử dụng để tấn công Israel.

- Một loạt các vũ khí thông thường nhằm nâng cấp năng lực tấn công của Israel. Số vũ khí này bổ sung cho các hợp đồng cung cấp vũ khí tiên tiến của Mỹ cho Israel như hợp đồng F-35 - tiêm kích tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Israel hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực mua loại máy bay này.


Để làm yên lòng đồng minh, Mỹ sẽ đẩy mạnh hỗ trợ về quân sự cho Israel, trong đó có cung cấp tiêm kích F-35.

Để làm yên lòng đồng minh, Mỹ sẽ đẩy mạnh hỗ trợ về quân sự cho Israel, trong đó có cung cấp tiêm kích F-35.

Chính quyền Mỹ mới đây cũng thông qua thỏa thuận cung cấp vũ khí trị giá 1,9 tỷ USD với Israel, trong đó bao gồm các tên lửa tiên tiến, các loại vũ khí không đối không và bom xuyên phá boongke.

Trên thực tế, mặc dù Israel chưa tham gia các cuộc đàm phán chi tiết về gói hỗ trợ an ninh mới nhưng một số quan chức Mỹ đã làm thay vai trò của họ, thậm chí là đề nghị chính quyền Mỹ cung cấp các vũ khí mà Washington hay Jerusalem chưa từng đề xuất trước đây.

Trong đó có đề nghị chính quyền Obama triển khai ở Israel bom xuyên phá boong-ke lớn nhất của Mỹ, được gọi là bom siêu xuyên phá kích cỡ lớn hoặc MOP, cũng như máy bay ném bom B-52 có khả năng thả những quả bom trên.

Trên thực tế, Israel chưa bày tỏ bất kỳ sự quan tâm nào đối với việc tiếp nhận những loại vũ khí trên. Thêm nữa, một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ triển khai máy bay B-52 ở Israel sẽ vi phạm hiệp ước START mới.

Tuy nhiên, các ý kiến trên cho thấy Mỹ có thiện chí ngày càng lớn trong việc hỗ trợ quân sự Israel, điều này vượt qua các khuôn khổ và cấp độ trước đây.

Mặc dù Israel đang nỗ lực nâng cao năng lực quân sự để đối phó với mối đe dọa từ Iran nhưng các quan chức nước này vẫn lo lắng rằng việc Mỹ cung cấp đồng loạt các loại vũ khí cho những quốc gia vốn được gọi là đồng minh Sunni của Mỹ sẽ gây ra vấn đề.

Trong khi Israel và các quốc gia Sunni vùng Vịnh hiện đang có chung lo ngại sâu sắc về tham vọng khu vực của Iran, người Israel đã khẳng định rằng mối đe dọa chung này không có nghĩa họ tin tưởng hoàn toàn vào các quốc gia vùng Vịnh với những hệ thống vũ khí tiên tiến.

Nguyên tắc duy trì thế mạnh quân sự thiên về chất lượng của Israel, thường được gọi là QME, đã trở thành xu thế chủ đạo của quan hệ quốc phòng Israel-Mỹ trong nhiều năm.

Nguyên tắc này đòi hỏi Mỹ bảo đảm rằng Israel luôn giữ thế mạnh trước các nước láng giềng Ả Rập, ngay cả khi những nước này được xem là khá thân thiện.

Đòi hỏi trên chủ yếu liên quan đến những thỏa thuận của Mỹ với Saudi Arabia và các quốc gia Sunni vùng Vịnh.

Dù chưa từng có xung đột quân sự với các nước vùng Vịnh nhưng Israel vẫn khăng khăng đòi hỏi các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ với những nước này phải theo hướng phải giữ chân Saudi Arabia và các nước láng giềng nằm dưới năng lực của Israel một cấp.

Theo Wayne White, Cựu phó Giám đốc Cơ quan tình báo Trung Đông/Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ:

“Người Saudi chưa bao giờ có ý định tấn công Israel. Điều mà người Israel đang lo ngại là sự thay đổi chế độ ở Saudi Arabia và điều gì sẽ diễn ra với những loại vũ khí đó khi trong tay một đế chế khác”.

Chính quyền Obama đã phê chuẩn các chương trình bán vũ khí khổng lồ cho Saudi Arabia và những đối tác khác trong khu vực.

Các chương trình trên bao gồm hợp đồng nâng cấp Hải quân Saudi, thỏa thuận vũ khí trị giá 1 tỷ USD để bổ sung kho vũ khí mà Saudi từng dùng chống các phần tử nổi loạn Houthi được Iran bảo hộ ở Yemen, các thỏa thuận bán trực thăng và hệ thống radar.

Mỹ và Saudi Arabia cũng đã bắt đầu đàm phán nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa của Vương quốc này nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào từ Iran.

Thỏa thuận bao gồm hệ thống PAC-3 do Mỹ sản xuất và các hệ thống chống tên lửa Aegis hiện nay đang được NATO sử dụng để bảo vệ họ trước tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Gói an ninh được đề nghị cho Saudi Arabia còn bao gồm những công nghệ phòng thủ mạng để giảm thiểu nguy cơ từ các cuộc tấn công máy tính của Iran.

Những cuộc tấn công như vậy có thể gây tổn hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ vốn có tầm quan trọng thiết yếu về kinh tế của quốc gia này.

Các quốc gia vùng Vịnh khác cũng đang bước chân vào các thương vụ mua sắm. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã xúc tiến một thỏa thuận mua hệ thống rocket và bom tiên tiến trị giá gần 1 tỷ USD.

Tất cả các hợp đồng mua bán vũ khí và viện trợ quân sự đều đòi hỏi Quốc hội Mỹ thông qua, tuy nhiên tình thế hiện nay có vẻ thuận buồm xuôi gió hơn trong quá khứ. Những nhà lập pháp của Mỹ đa phần nhất trí với nhu cầu hỗ trợ các đồng minh Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại