Như đã thông tin trước đó, Phó Đô đốc Sergey Haiduk, Tư lệnh Hải quân Ukraine cho biết, tuần dương hạm Ukrayina lớp Slava đang đóng dở sẽ sớm được nước này đem bán.
Lý do đi tới quyết định trên là bởi 80% vũ khí trên tàu được chế tạo từ thời Xô Viết, trong đó thiết bị dẫn đường và nhiều vũ khí khác không được sản xuất tại Ukraine.
Ngoài ra, chi phí vận hành quá cao cũng là một nguyên nhân khiến Hải quân Ukraine muốn nhanh chóng tống khứ "khối sắt vụn" này.
Tuần dương hạm Ukrayina neo đậu tại cảng Nikolayev
Mặc dù phía Ukraine tỏ ý sẵn sàng bán lại con tàu cho Trung Quốc hoặc Ấn Độ, nhưng cả hai quốc gia trên đều không mặn mà với lời đề nghị này. Điều đó cũng dễ hiểu vì họ đã có trong trang bị những chiến hạm tàng hình thế hệ mới với sức mạnh không hề thua kém.
Tuy nhiên không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ vẫn mua lại tuần dương hạm Ukrayina, nhưng không phải để tân trang sử dụng cho mục đích quân sự như trường hợp tàu sân bay Varyag (hiện chính là tàu sân bay Liêu Ninh số hiệu CV-16) mà chỉ để phục vụ tham quan du lịch.
Tuần dương hạm mang trực thăng Minsk lớp Kiev neo đậu tại cảng Thâm Quyến
Trường hợp tương tự đã xảy ra với tuần dương hạm mang trực thăng Minks lớp Kiev, con tàu bị loại khỏi biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga vào năm 1993.
Vào năm 1995, tàu được bán cho một doanh nhân người Hàn Quốc và sau đó nó thuộc sở hữu của một công ty trách nhiệm hữu hạn về tàu biển của Trung Quốc có tên gọi Shenzhen Minsk.
Đến năm 2006, công ty này phá sản và Minks được chuyển giao cho Tập đoàn kinh tế CITIC của Thâm Quyến để khai thác như một địa điểm du lịch.
Đây có thể sẽ là tương lai của tuần dương hạm Ukrayina nếu nó gặp may mắn, còn nếu không thì con tàu chỉ có kết cục duy nhất là bị tháo dỡ bán sắt vụn.