Tập trận để giảm căng thẳng trên biển
Cuộc tập trận hải quân khổng lồ Rim of the Pacific (RIMPAC - vành đai Thái Bình Dương) do Mỹ dẫn đầu được tổ chức tại Hawaii từ ngày 26.6.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 40 năm của RIMPAC, hải quân Trung Quốc (NPLA) nhận lời dự tập trận chung với hải quân Mỹ.
RIMPAC 2014 kéo dài trong 5 tuần, với sự có mặt của 55 tàu chiến, hơn 200 máy bay và 25.000 nhân viên quân sự đến từ 22 quốc gia, có mục đích là giúp xây dựng lòng tin và ngăn chặn các sự hiểu lầm trên biển có thể leo thang thành khủng hoảng.
Theo trang Washington Free Bacon (Mỹ), RIMPAC tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu vào ngày 26.6 và kết thúc vào ngày 1.8, diễn ra ở vùng biển quanh đảo Hawaii của Mỹ. Tổng cộng 49 tàu chiến, 6 tàu ngầm, trên 200 máy bay và 25.000 binh sĩ các nước tham dự RIMPAC 2014.
Có 21 tàu chiến Hải quân Mỹ tham gia RIMPAC, gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, các tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường cùng các tàu tuần dương.
Lúc ban đầu, RIMPAC 2014 dự định có 23 quốc gia góp mặt nhưng Thái Lan không tham gia vào phút cuối. Thái Lan trong một thời gian dài là đồng minh với Mỹ, nhưng Washington đã cho đình chỉ một số dự án với nước này kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 22.5 vừa qua.
NPLA cử 4 tàu tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm nay, gồm tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu, tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương, tàu hậu cần Thiên Đảo Hồ và tàu bệnh viện Peace Ark. Còn có 2 máy bay trực thăng, một đơn vị biệt kích và một đơn vị người nhái với tổng cộng là 1.100 người.
Theo báo Sydney Morning Herald (Úc), tàu Hải Khẩu là tàu chiến hiện đại, có hệ thống quản lý chiến đấu phức tạp tương tự như hệ thống Aegis của tàu chiến Mỹ, trong đó sử dụng radar tích hợp và hệ thống máy tính để theo dõi, tiêu diệt mục tiêu.
Các tàu chiến của NPLA trước khi tham gia cuộc tập trận RIMPAC đã cùng với tàu chiến của Mỹ, Singapore và Brunei tiến hành một cuộc tập trận phối hợp liên quan hoạt động thông tin liên lạc và tấn công trực tiếp khi trên đường đến Trân Châu Cảng.
Đô đốc hải quân Mỹ Jonathan Greenert cho biết, cuộc tập trận RIMPAC năm ngoái đã cho phép lực lượng hải quân các nước tiến hành bắn tên lửa đạn đạo để phòng thủ, mô phỏng hoạt động tác chiến chống tàu nổi và tàu ngầm, và diễn tập bắn lên lửa và ngư lôi.
Còn cuộc tập trận RIMPAC năm nay sẽ cho phép các sĩ quan liên lạc từ quốc gia này có thể lên tàu của nước khác.
“Điều đó mang lại lợi ích cho cả hai nước và giúp hoạt động thông tin liên lạc. Đó là cơ chế cùng có lợi”, một quan chức hải quan giấu tên Mỹ nói.
Lợi dụng "thiệp mời" để do thám
Nhưng nhiều nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về khả năng giảm bớt căng thẳng trên biển của cuộc tập trận này và cho rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng nó để tăng cường lực lượng hải quân bằng cách do thám khả năng của hải quân Mỹ và các đồng minh trong cuộc diễn tập.
Các quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ sợ NPLA lợi dụng cuộc tận trận để tiếp cận các thông tin quân sự bí mật của Mỹ. Chủ tịch tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Dana Rohrabacher, nói việc cho phép Trung Quốc tham gia RIMPAC sẽ đe dọa nền an ninh Mỹ.
Ông Rick Fisher, chuyên gia nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, nhận định RIMPAC tạo cơ hội cho NPLA thu thập các thông tin tình báo của quân đội Mỹ, theo dõi hải quân Mỹ phối hợp với các đồng minh như thế nào, điều này rất có lợi cho Bắc Kinh nếu xung đột xảy ra.
Trong số tàu chiến NPLA tham gia RIMPAC, có Type 054A, một tàu khu trục nhỏ tàng hình đầu tiên của PLA và khu trục hạm Type 052C được đánh giá là có sức mạnh tương đương với tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ.
Trong giai đoạn cuối thập niên 1990 và đầu 2000, Trung Quốc đã trộm bí mật quân sự của Mỹ liên quan đến Aegis, hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược tối tân của quân đội Mỹ, theo Washington Free Bacon.
Ông Fisher lưu ý trong nhiều thập kỷ, trao đổi quân sự với Trung Quốc chỉ diễn ra một phía. Mỹ cho Trung Quốc xem các vũ khí tối tân nhất, trong khi quan chức quân đội Mỹ đến thăm Trung Quốc đều bị từ chối tiếp cận các vũ khí hiện đại của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc tham gia RIMPAC sẽ không dẫn đến một mối quan hệ tốt đẹp vốn phải dựa trên sự hợp tác hoặc minh bạch, vì mục tiêu chính của Bắc Kinh là muốn thay thế sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, theo ông Fisher.
Ông Randy Forbes, một quan chức cấp cao Ủy ban Quân sự thuộc Hạ viện Mỹ cho biết, ông phản đối việc Mỹ cho phép Trung Quốc tham gia RIMPAC: “Những cuộc tập trận quân sự nên dành cho các đồng minh, đối tác và những quốc gia khác quan tâm đến sự đóng góp tích cho an ninh khu vực”.
“Những hành vi Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở châu Á - Thái Bình Dương khiến tôi cảm thấy họ không nên được trao cơ hội tham gia một cuộc tập trận danh tiếng như thế này. Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải ở châu Á, thể hiện sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và làm leo thang căng thẳng trong khu vực thời gian qua”, ông Forbes nhấn mạnh.
Vừa qua, Trung Quốcngang ngược thực hiện các hành vi khiêu khích nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần hết biển Đông. Bắc Kinh còn đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và tàu Trung Quốc hung hăng đâm chìm tàu Việt Nam.
Tàu chiến Trung Quốc cũng từng đụng độ với tàu chiến Mỹ trên biển Đông. Hồi tháng 12.2013, tàu chiến Trung Quốc cắt ngang hướng di chuyển của tàu tuần dương Mỹ USS Cowpens ở khoảng cách chỉ hơn 90m trên biển Đông. Tàu USS Cowpens đã buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm với tàu chiến Trung Quốc.
Trung Quốc còn điều chiến đấu cơ bay áp sát máy bay chiến đấu Nhật Bản. Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.