Sau thử nghiệm trên, Tor-M2U đã trở thành tổ hợp tên lửa phòng không trên bộ đầu tiên có khả năng vừa chạy vừa khai hỏa vào mục tiêu.
“Trong quá trình phóng thử, tổ hợp Tor-M2U đã phát hiện, theo dõi và khai hỏa vào mục tiêu hoàn toàn tự động khi đang hành tiến.
Toàn bộ các thông số của vụ bắn thử đã được ghi lại để tiếp tục phân tích”, ông Yan Novikov, giám đốc chương trình phát triển Tor-M2 cho biết.
Ông Y. Novikov cho biết thêm, tổ hợp Tor-M2U tiêu diệt thành công mục tiêu giả lập là tên lửa Saman. Khi khai hỏa, toàn bộ tổ hợp di chuyển với tốc độ 25km/giờ và đạn tên lửa tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 8km.
Các chuyên gia Almaz-Antey nhận định, khả năng phóng tên lửa trong tình trạng hành tiến của Tor-M2U là bước tiến mang tính bước ngoặt trong chiến thuật phòng không tầm thấp.
Nhờ khả năng mới, Tor-M2U có khả năng tạo ô phòng không lục quân, bảo vệ các phương tiện di chuyển trên mặt đất trước các đòn tấn công của đối phương.
Hầu hết các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại, kể cả các phiên bản dành cho lục quân trong quân đội các nước trên thế giới, trước khi phóng tên lửa tấn công mục tiêu đều phải dừng xe vận chuyển để ổn định tầm, hướng.
Hiện thông tin về Tor-M2U chưa được công bố, nhưng từ các nguồn công khai, tổ hợp tên lửa phòng không này có thể theo dõi cùng lúc 40 mục tiêu và tự động đánh giá mức độ nguy hiểm của từng mục tiêu, để lên phương án ngăn chặn.
Tor-M2U có thể dẫn bắn cùng lúc vào 4 mục tiêu với số lượng tên lửa không giới hạn. Đạn tên lửa của Tor-M2U được thiết kế đặc biệt để chống lại các mục tiêu có khả năng thao diễn và tiết diện phản xạ tín hiệu ra-đa nhỏ (tàng hình).
Hiện tại, Tor-M2U được coi là một thành phần trong hệ thống phòng không đa lớp của Quân đội Nga (kết hợp với tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk và tầm xa S-300, S-400).