F-22 sẽ gặp nguy hiểm nếu đối mặt S-300 ở Syria?

Đức Anh |

Nếu phải đối đầu với S-300, tiêm kích F-22 chỉ có thể dựa vào tính năng tàng hình để lẩn trốn, trong khi khả năng đánh trả là rất thấp.

Sức mạnh của các tổ hợp phòng không Nga đã triển khai

Theo National Interest, Nga đang triển khai các hệ thống phòng không tiên tiến ở Syria như một phần trong kế hoạch hỗ trợ quân sự cho Damascus.

Phần lớn những hệ thống đã triển khai là phòng thủ điểm, nhưng Nga hoàn toàn có thể bổ sung tổ hợp phòng không tầm khu vực đáng sợ như S-300.

Nếu Moscow triển khai S-300 đến Syria, nó sẽ tạo ra những vùng cấm bay đối với chiến đấu cơ tiên tiến nhất của Mỹ là F-22 hoặc máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2.

Hiện tại, Nga đã bàn giao cho Syria 2 - 3 khẩu đội phòng không tầm thấp tích hợp Pantsir-S1, bố trí xung quanh căn cứ ở Latakia. Bên cạnh đó, Moscow cũng điều động đến khu vực này 28 chiến đấu cơ các loại, đáng chú ý nhất là tiêm kích đa năng Su-30SM.

Pantsir-S1 được thiết kế cho nhiệm vụ phòng thủ điểm, vũ khí chủ lực của nó là 2 pháo bắn nhanh 2A38M 30 mm cùng 12 tên lửa đánh chặn 57E6. Theo công bố của nhà sản xuất, Pantsir-S1 có tầm bắn 20 km, tầm cao 18 km.

Tuy nhiên, hệ thống này chỉ cung cấp ô bảo vệ trên một khu vực nhỏ hẹp. Ở phạm vi tầm trung, Nga có thể triển khai tổ hợp Buk-M2E có phạm vi tác chiến 50 km, tầm cao 24 km.

Đối với việc thiết lập khu vực phòng không tầm xa, S-300 là lựa chọn lý tưởng. Hệ thống này có tầm bắn tới 200 km (với S-300PMU2), tầm cao 30 km. Mỗi khẩu đội S-300 có thể tấn công hàng chục mục tiêu cùng lúc.

Những hệ thống phòng không của Nga đều có khả năng cơ động rất cao, làm cho việc phát hiện và tấn công đáp trả rất khó khăn. Điểm đáng sợ là các hệ thống trên có khả năng kết nối với nhau tạo nên mạng lưới phòng không tích hợp nhiều tầng, nhiều lớp.

Một cựu phi công Mỹ từng nói: “S-300 là vũ khí thay đổi cuộc chơi, một thách thức khó lòng vượt qua với các chiến đấu cơ thế hệ 4, nó là một con quái vật mà bạn chắc chắn không muốn bay gần”.


F-22 có thể gặp nguy hiểm nếu lọt vào vùng hoạt động của S-300

F-22 có thể gặp nguy hiểm nếu lọt vào vùng hoạt động của S-300

Thách thức lớn đối với F-22

Nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar cho rằng, giải pháp tốt nhất để chống lại hệ thống phòng không tích hợp là sử dụng tiêm kích tàng hình F-22 hay máy bay ném bom chiến lược B-2.

Về mặt lý thuyết, F-22 với khả năng tàng hình có thể qua mặt hệ thống radar trinh sát để đột kích mạng lưới phòng không ở Syria.

Tuy nhiên, khả năng tấn công mặt đất của F-22 rất hạn chế, đến gói nâng cấp Increment 3.1, chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ mới có khả năng lập bản đồ mặt đất.

Ngoài ra, F-22 thiếu vũ khí tấn công mặt đất đủ mạnh, tiêm kích này chỉ có thể mang bom hàng không đường kính nhỏ SDB hoặc bom thông minh JDAM.

Bom SDB có phạm vi hoạt động khoảng 110 km, đây là một loại bom lượn thông minh. Về mặt lý thuyết, F-22 phải mang bom SDB vào sâu đến gần nửa tầm bắn của S-300 rồi mới khai hỏa. Nếu tính năng tàng hình của Raptor hoạt động không tốt, tiêm kích này sẽ phải trả giá.

Trong khi đó, gói nâng cấp Increment 3.2B để sử dụng đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM-ER phải đến năm 2017 mới được triển khai.

Ở thời điểm hiện tại, F-22 chỉ có thể dựa vào khả năng tàng hình để lẩn trốn hệ thống trinh sát của S-300. Khả năng F-22 sử dụng bom SDB để tấn công vào khu vực bố trí khẩu đội S-300 là rất thấp.

Một lợi thế khác của F-22 là có sự hỗ trợ của máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler. Máy bay này có thể thiếp lập tấm áo giáp điện tử cho F-22 làm nhiệm vụ.

Nhưng trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ từng tuyên bố B-52 là “pháo đài bất khả xâm phạm” nhờ vào áo giáp điện tử nhiều lớp. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều pháo đài bay đã bị tên lửa phòng không S-75 Dvina quật ngã. Do vậy, F-22 không phải là một ngoại lệ.

Trong khi đó, B-2 là dòng máy bay ném bom chiến lược, nhiệm vụ của nó là vượt qua mạng lưới phòng không và tấn công các mục tiêu trọng điểm. Về khả năng tấn công mặt đất, B-2 mạnh hơn nhiều so với F-22 do nó là một thiết kế chuyên dụng.

B-2 có khả năng mang đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM, vũ khí này có tầm bắn 370 km và lên đến 1.000 km với JASSM-ER.

AGM-158 là vũ khí cực kỳ nguy hiểm với hệ thống phòng không S-300, khi B-2 có thể phóng đạn ngoài tầm tên lửa đánh chặn. Tuy nhiên, khả năng xảy ra đụng độ giữa S-300 và F-22 hay B-2 là rất thấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại