Top "quái vật" thế giới quân sự: Kỷ lục tăng thiết giáp

Theo Kiến Thức |

Trong lịch sử phát triển xe tăng, thế giới đã sản xuất ra những cỗ máy bọc thép có thể bơi trên mặt nước, dùng động cơ tuốc bin khí, dùng vật liệu composite chế tạo.

Xe tăng nặng nhất thế giới

Xe tăng Đức kiểu Maus 2 là xe tăng nặng nhất thế giới với trọng lượng lên đến 192 tấn. Tuy nhiên loại xe này còn chưa thử nghiệm xong thì nước Đức đã bại trận nên nó chưa được tham gia chiến đấu.

Xe tăng nặng nhất thế giới đưa vào sản xuất hàng loạt Char 2C.

Chiếc xe tăng nặng nhất từng được sử dụng trong quân đội là kiểu xe Char 2C của Pháp, sản xuất năm 1923. Loại xe tăng này nặng 82,8 tấn, kíp xe 13 người.

Xe có 2 động cơ, công suất 500 mã lực, có thể đạt vận tốc 12 km/h. Trên xe trang bị một khẩu pháo cỡ nòng 155 mm.

Xe tăng lội nước sản xuất hàng loạt đầu tiên

Từ năm 1920, tại Liên Xô cũ, đề án đầu tiên về mẫu xe tăng lội nước đã được các chuyên gia của nhà máy Enola, đứng đầu là kỹ sư Kondratieff thiết kế.

Năm 1938, Liên Xô là nước đầu tiên trang bị cho quân đội của mình loại xe tăng lội nước cỡ nhỏ T-37. Sau đó nó được hoàn thiện hơn thành chiếc T-38 rồi T-40 và trong những năm 1940, những chiếc xe tăng lội nước T-40 được sản xuất hàng loạt ở Liên Xô.

T-40 nặng 5,9 tấn, dài 4,1m, rộng 2,3m, cao 1,9m với kíp chiến đấu chỉ gồm 2 người. Vỏ giáp của nó chỉ dày từ 4 đến 13mm. Thân xe được hình thành từ những tấm thép cán, kết nối với nhau bằng phương pháp hàn và tán đinh.

Xe tăng lội nước T-40.

Để lội nước, phần dưới đuôi xe có lắp 1 chân vịt 4 lá và 2 tay lái nước. Tốc độ tối đa của T-40 đạt 45km/h với tầm hoạt động 450km.

Mặc dù là một xe tăng lội nước nhưng trong thực chiến, T-40 chưa khi nào được sử dụng với nhiệm vụ như xe lội nước. Vì thế, các biến thể T-40 đã không thiết kế chân vịt cho xe mà thay vào đó là tăng độ dày vỏ giáp lên 15mm đồng thời tăng cỡ nòng của pháo trên xe lên 20mm với cơ số đạn 154 viên và tăng cơ số đạn súng máy lên 750 viên.

Tổng cộng đã có 709 chiếc xe tăng gồm các biến thể khác nhau của dòng T-40 xuất xưởng. Tuy nhiên, do vỏ giáp cùng với hệ thống vũ khí yếu nên trong chiến đấu, T-40 nhanh chóng bị loại khỏi vòng chiến. Vì vậy, giữa năm 1942, Hồng quân Liên Xô đã chấm dứt sản xuất loại xe này.

Xe tăng dùng động cơ tuốc bin khí đầu tiên

Mẫu xe tăng chủ lực M1 Abrams của Mỹ đã gây xôn xao giới quân sự quốc tế do nó đã lần đầu tiên sử dụng động cơ tuốc bin khí.

Năm 1976, trong cuộc cạnh tranh với công ty General để giành hợp đồng sản xuất xe tăng cho quân đội Mỹ, mẫu thiết kế M1 sử dụng động cơ bằng tuốc bin khí của công ty Chrysler đã giành thắng lợi.

Năm 1980, chiếc xe tăng sử dụng động cơ tuốc bin khí đầu tiên M1 Abrams đã được sản xuất. Ý định dùng động cơ tuốc bin của quân đội cũng là vì những kết quả tốt từ động cơ tuôc sbin trực thăng trong những năm 1960. Quân đội Mĩ phát hiện rằng loại động cơ này có thời gian hoạt động cao hơn trước khi cần đại cần tu giúp xe giảm nhiều chi phí hoạt động.

Xe tăng M-1 Abrams trang bị động cơ tuốc bin khí AGT-1500 đa nhiên liệu có công suất 1500 mã lực. Động cơ này có trọng lượng gần 4 tấn, có thể thay thế các phần riêng rẽ của hệ thống động cơ - truyền động mà không cần tháo cả hệ thống ra.

Để khởi động, M1 ngốn 34 lít xăng JP-8 nhưng bù lại nó có thể tăng tốc từ 0 lên 32 km/h trong 7 giây. Nguyên lý hoạt động của động cơ turbine khí là hút không khí vào trong một máy nén có áp suất cao. Tại đây, không khí được trộn với nhiên liệu và đốt cháy.

Xe tăng M1 Abram chạy động cơ tuốc bin khí.

Luồng hơi nóng có áp suất cao từ máy nén thổi tiếp vào trong làm xoay cánh quạt turbine, vận hành động cơ. Sau đó luồng hơi được thải 1 phần, một phần luồng hơi được đưa vào bộ thu hồi khí để sử dụng lại. Hệ thống bánh răng truyền động truyền lực xoay của cánh quạt vào 2 bánh xe chủ động ở sau xe.

Một xe tăng M1 Abrams có khối lượng chiến đấu 54,1 tấn, kíp xe 4 người. Với động cơ tuốc bin khí nó có khả năng leo dốc 30 độ, vách đứng 1,24 m, hào rộng 2,77 m, tốc độ lớn nhất của M1 đạt 72,4 km/h.

Vũ khí trên xe gồm pháo rãnh xoắn 105 mm với cơ số 55 viên đạn cùng súng máy 7,62 mm (cơ số 11.400 viên) và súng máy phòng không 12,7 mm (cơ số 1.000 viên).

Ngoài ra xe còn được trang bị hệ thống điều khiển hoả lực có máy tính đường đạn, máy đo xa laser, kính ngắm ảnh nhiệt ... Hiện nay, M1 Abrams là loại xe tăng phổ biến nhất trong Quân đội Mỹ.

Xe tăng dùng vật liệu composite đầu tiên

Năm 1974, Liên Xô là nước đầu tiên trang bị xe tăng chế tạo bằng vật liệu composite mang tên T-72.

Mặt trước của T-72 được cấu tạo bởi 3 lớp (thép, thép thủy tinh, thép). Trong đó, lớp thép ngoài và trong cùng dày 80mm và 20mm. Còn lớp thép thủy tinh (gồm hỗn hợp sứ + nhựa cây hoặc vật liệu nhựa có độ bền cao) được kẹp ở giữa dày 104 mm.

Mặt giáp trước của xe nghiêng 22 độ làm tăng thêm độ dày của vỏ và tăng khả năng chống đạn xuyên giáp.

Xe tăng chiến đấu T-72.

Xe tăng cấu tạo bằng vật liệu composite có khả năng chống đạn cao hơn 20-25% và trọng lượng nhẹ hơn 14-18% so với xe tăng thông thường.

Ngoài ra hai bên sườn xe tăng T-72 còn được thiết kế tấm quây nhằm bảo vệ thân xe. Phần trong thân xe được lắp đặt tấm lót bằng nhựa thấm chì nhằm bảo vệ trong trường hợp xe trúng đạn. Phía dưới mũi xe có thể lắp đặt xẻng ủi đất. Khi xẻng thu lại sẽ trở thành một lớp giáp nữa cho đầu xe.

Xe tăng T-72 được trang bị một pháo nòng trơn 125mm, súng máy trên nóc tháp pháo cỡ 12,7mm, súng máy đồng trục 7,62mm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại