Cùng với giá trị chiến lược và tiềm năng kinh tế ở biển Đông ngày càng rõ nét, về nguyên tắc, khả năng Trung Quốc nhượng bộ và thỏa hiệp là rất nhỏ. Thủ đoạn giải quyết các vấn đề liên quan của nước này có thể sẽ càng linh hoạt.
Ngày 27-12-2012, lần đầu tiên Trung Quốc triển khai trên biển Đông một tàu tuần tra được trang bị bãi đáp trực thăng. Con tàu này tên là Haixun 21 (Hải tuần) trực thuộc Sở An toàn hàng hải Hải Nam. Ảnh: China Daily.
Ông Futai Lin, Phó giáo sư khoa học chính trị Học viện Masachusetts (Mỹ), cho rằng, quyết tâm bảo vệ các đảo ở biển Đông và quyền lợi biển liên quan của Trung Quốc là rất kiên định. Trung Quốc coi biển Đông là phạm vi tác chiến của hải quân, lấy lực lượng quân sự để bảo vệ biển Đông.
Có thể dùng biện pháp quân sự
Theo ông Lin, một mặt, cùng với sự tăng trưởng về thực lực, Trung Quốc có khả năng sử dụng quân sự để giải quyết vấn đề biển Đông.
Mặt khác, một Trung Quốc hùng mạnh có thể sẽ tăng sự tự tin, vì vậy sẽ hiệu quả hơn khi lợi dụng các biện pháp phi quân sự để giải quyết tranh chấp biển Đông.
Dự báo trong tương lai gần, Trung Quốc có thể có nhiều chiến lược táo tợn hơn, sau khi thử nghiệm thành công tàu sân bay Liêu Ninh.
Ông Lưu Mộng Hùng, Ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cho rằng trong vấn đề biển Đông, “các nước liên quan tạo nên xung đột”, Trung Quốc có thể thực thi “chống xung đột”.
Khi đối phương thường trú tại vùng biển do Trung Quốc quản hạt, phía Trung Quốc có thể sử dụng biện pháp tập kích cắt lương thực, cắt nguồn nước, buộc đối phương không thể bảo đảm được cuộc sống mà phải tự động rút lui.
Vì thông tin là sự bảo đảm tất yếu của việc thường trú, phía Trung Quốc có thể sử dụng những biện pháp quấy nhiễu không định kì…
Đối với ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở biển Đông, có thể yêu cầu chính phủ cử quân hạm, tàu hộ tống để bảo vệ tàu cá, ông Lưu nói.
Mặt khác, phải tăng cường khai thác dầu khí, cùng bắt tay hợp tác với Đài Loan trong lĩnh vực thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí ở biển Đông.
Đồng thời, phân chia các ngư trường tại vùng biển tranh chấp cho ngư dân; đối với các đảo không người ở bị chiếm bởi các nước xung quanh, chính phủ Trung Quốc nên bỏ kinh phí để khích lệ ngư dân lên đảo định cư, ông Lưu đề xuất.
Khi xảy ra xung đột tại vùng biển tranh chấp, Trung Quốc trước tiên gửi công hàm ngoại giao cứng rắn đến nước láng giềng liên quan, sau đó gửi thông điệp cuối cùng hạn cho trong vòng hai tháng phải rút khỏi toàn bộ các đảo đã xâm chiếm.
Sau khi đến hạn, Trung Quốc sẽ đưa ba đội tàu tổ hợp từ ba hạm đội tinh nhuệ Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải tới quần đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền, ông Lưu nói.
Biến hóa chiến lược biển Đông
Năm 2012 là một năm biển Đông không ngừng dậy sóng. Tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc được thể hiện ngày càng thực chất và rõ ràng.
Trung Quốc liên tục có hành động gây hấn ở biển Đông. Các lực lượng hải quân, hải giám, hải tuần, thực thi luật pháp cùng nhau tham gia hiện thực hóa chiến lược xuyên suốt, chủ trương dài hạn này của chính phủ Trung Quốc, nhiều nhà quan sát kết luận.
Với những động thái gây hấn của Trung Quốc thời gian qua, các nước trong khu vực có thể khẳng định một điều rằng, Trung Quốc đang có những động thái thực chất nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông với cái gọi là “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”.
Xét về bản chất, chiến lược biển Đông của Trung Quốc thuộc chiến lược biển quốc gia với nội dung đa dạng.
Nhìn từ góc độ kinh tế là phát triển kinh tế biển; nhìn từ góc độ chính trị là xây dựng liên minh chính trị ở biển Đông; nhìn từ góc độ quân sự thì đó là việc bảo vệ và phát triển quyền lợi biển. Vì thế, hai năm trở lại đây, chiến lược biển của Trung Quốc đã có những điều chỉnh lớn.
Năm ngoái, Trung Quốc đã tuyên bố “vấn đề biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” và thông báo với thế giới rằng, nước này có chủ quyền với hầu hết diện tích biển Đông.
Biển Đông dậy sóng
Ngày 19-7-2012, Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 21-7-2012, Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Trung Quốc còn xuất bản trái phép bản đồ Tam Sa, với phạm vi bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam... Theo các nhà phân tích, những động thái gây hấn này hiển nhiên đã làm tăng mức độ chấp pháp đối với biển Đông về mặt hành chính, đồng thời cho thấy, vấn đề biển Đông sẽ trở thành trọng điểm chiến lược quan trọng nhất của an ninh quốc gia Trung Quốc.
Hơn 10.000 tàu cá Trung Quốc từ tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến đổ ra biển Đông ngày 16-9-2012, dưới sự hướng dẫn của tàu hải giám. Ảnh: Xinhua.
Trong một động thái khác, ngày 23-6-2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đối tượng mời thầu lại nhằm vào các công ty quốc tế.
Như vậy, Trung Quốc đã dùng công cụ kinh tế, ngang nhiên mời thầu để một mặt để xác lập quyền chủ đạo của mình trên biển Đông, mặt khác dùng sự hợp tác thương mại để đổi lấy sự ủng hộ về chính trị.
Nằm trên “trận địa tuyến đầu” trong tranh chấp biển Đông, tỉnh Hải Nam ngày 27-11-2012 thông qua “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, cấm thuyền bè nước ngoài xâm nhập phi pháp vào vùng biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Đồng thời, lần đầu tiên, đưa ra một cách rõ ràng “các biện pháp trừng phạt” bao gồm kiểm tra, giam giữ, trục xuất… Có thể nói, đây là hành động đầu tiên mang tính cưỡng chế trong vấn đề biển Đông.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, quy định mới của tỉnh Hải Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, nhưng chỉ được áp dụng trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển đảo Hải Nam theo luật Trung Quốc thông qua năm 1999.
Trước đó, Trung Quốc công bố đã phát hành phiên bản hộ chiếu mới, đưa khu vực bao gồm các đảo tranh chấp ở biển Đông vào hình bản đồ Trung Quốc in trong hộ chiếu, làm dấy lên sự phản ứng dữ dội của nhiều nước trên thế giới.
Gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thiết lập chế độ tuần tra chiến đấu bình thường ở biển Đông.
Theo các nhà phân tích, động thái quân sự này có ý nghĩa sâu rộng về tương lai phát triển của tình thế biển Đông. Chế độ tuần tra chiến đấu này nghĩa là luôn luôn sẵn sàng tham gia chiến đấu.
Hành động này không nói cũng hiểu, nó mang tính răn đe đối với các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Đông. Như vậy, Trung Quốc đã đưa việc sử dụng vũ lực vào phương án giải quyết vấn đề biển Đông.
Theo các nhà phân tích, trước và sau năm 2012, chiến lược “Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” của Mỹ ảnh hưởng tới các nước láng giềng của Trung Quốc, làm cho nước này càng bất mãn. Vì thế, Trung Quốc một mặt gay gắt chỉ trích Mỹ, mặt khác, áp dụng nhiều biện pháp gây hấn nhằm vào Philipinnes và Việt Nam.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cuối năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên sau khi tái đắc cử đã có những hoạt động ngoại giao quy mô lớn hướng vào các nước láng giềng của Trung Quốc nằm xung quanh biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đến du thuyết các nước trong khu vực. Ngày cuối cùng của hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo không ngần ngại nói trước Tổng thống Philippines Aquino III rằng, bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough mà hai bên đang tranh cãi kịch liệt là của Trung Quốc.