Phần 1: Nhà văn Anh: Chiến lược của tướng Giáp làm "thay đổi thế giới"
Mâu thuẫn của chiến tranh xâm lược
Điểm thứ ba có ý nghĩa then chốt ngay từ đầu kháng chiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quả quyết với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, với một lực lượng nhất định quân viễn chinh có mặt ở Việt Nam, rõ ràng Bộ Tổng chỉ huy Pháp đang đối mặt với thế “tiến thoái lưỡng nan”. Quân Pháp sẽ bị dàn mỏng để dồn sức chiếm đóng và bình định các vùng lãnh thổ chiếm đóng, bằng cách thiết lập các vành đai đồn bốt và trại lính ở mọi nơi; hoặc ngược lại, tập trung binh lực thành các quả đấm thép để đánh tan quân chủ lực của tướng Giáp.
Nhà văn Anh Virginia Morris, tác giả sách “History of the Ho Chi Minh Trail: The Road to Freedom” (Bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân mang tên “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại - Con đường đi tới tự do”), suy luận vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm người chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang Việt Nam, và đề cập các chiến lược của tướng Giáp, mà theo bà, đã làm “thay đổi thế giới”.
Trên thực tế, quân viễn chinh bị căng ra giữa hai nhiệm vụ này. Nếu không lập ra được một quân đội chiếm đóng cực kỳ đông đảo, đối phương sẽ sa lầy vào hình thái chiến tranh “không chiến tuyến”. Chiến lược này của tướng Giáp được đúc kết thành phương châm: “Biến hậu phương địch thành tiền phương của ta”, cho cả hai cuộc chiến tranh Đông Dương.
Để triển khai hình thái chiến tranh không chiến tuyến, Võ Nguyên Giáp hoạch định những chiến lược quan trọng khác. Như phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Mục tiêu của các đại đội độc lập là gây dựng phong trào chiến tranh du kích trên cả nước.
Mỗi đại đội chỉ được phiên chế khoảng 100 người, để có thể đóng quân trong phạm vi một làng - một đơn vị dân cư chỉ đủ sức nuôi quân số như vậy (đồng thời bộ đội còn phải tự túc một phần và làm đồng áng giúp dân). Một quân số lớn hơn dễ làm lộ lực lượng hơn, và có thể trở thành gánh nặng quá sức cho dân làng.
Các đại đội có thể được phái vào sâu sau lưng địch còn có nhiệm vụ: vận động quần chúng (dân vận), bảo vệ “hành lang” trong vùng địch hậu và hoạt động sản xuất của dân, địch vận, tiễu trừ gián điệp, phỉ, và phá bộ máy chính quyền địa phương của đối phương, hoặc biến chúng thành hình thái chính quyền hai mặt - tức là xây dựng Hạ tầng cơ sở cách mạng.
Pháo đài du kích chiến
Một trong những nhiệm vụ trung tâm của các tiểu đoàn độc lập là xây dựng các làng chiến đấu theo phương châm của tướng Giáp: “Mỗi thôn làng là một pháo đài”. Có nghĩa là mỗi làng trở thành một căn cứ du kích của chính dân làng.
Chiến tranh du kích bằng các làng chiến đấu - pháo đài phản bác quan điểm (của phương Tây), cho rằng du kích chỉ thuần túy là cách đánh của một nhóm vũ trang, liên tục vận động tránh địch, và chỉ giao chiến khi gặp thuận lợi. Một làng chiến đấu bao gồm một khu vực tác chiến kết nối bằng các địa đạo, giao thông hào, hầm ngầm, các ụ chiến đấu, các bãi mìn, chông, cạm bẫy. Một đội dân quân địa phương được lập ra để cảnh giới nghiêm ngặt việc ra vào làng của người lạ.
Các làng chiến đấu là nơi trú quân cho các đơn vị chủ lực kẹt trong gọng kìm càn quét lớn của đối phương. Nhờ sử dụng các hầm ngầm và giao thông hào kiên cố xây dựng sẵn, các thứ quân có thể ẩn núp tránh phi pháo của địch, và dù sử dụng một lượng hạn hẹp vũ khí, đạn dược, vẫn ngăn chặn bước tiến của bất cứ mũi tiến công nào.
Du kích vận động chiến
Phát triển phong trào chiến tranh du kích, các đại đội độc lập có thể tuyển mộ chiến sĩ mới để tạo nên các đơn vị chủ lực mới, hoặc bộ đội địa phương. Về phương pháp luận, khi nhiều thứ quân được xây dựng trên cùng một địa bàn, sẽ dễ áp dụng nhiều cách đánh hơn.
Các đại đội độc lập thường cơ động nhanh, và luôn sẵn sàng đánh những trận nhỏ ở những địa hình thuận lợi, nhất là khi được du kích địa phương hỗ trợ. Khi triển khai các trận đánh lớn, các đại đội độc lập cụm lại thành các đơn vị cỡ tiểu đoàn. Sau trận đánh, họ lại nhanh chóng phân tán thành các đại đội, như cũ.
Các đại đội độc lập này lại tản vào rừng núi, hoặc hòa vào dân, khiến quân Pháp khó có cách bao vây, tiêu diệt cả một tiểu đoàn Việt Minh. Còn có các đơn vị cơ động cấp tiểu đoàn, hoạt động theo phương thức du kích vận động chiến được đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh, và Bộ tư lệnh các quân khu, sử dụng vào các chiến dịch quy mô ngày càng tăng.
Phương thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” phát huy hiệu quả đến mức tướng Giáp lại áp dụng nó trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, để gây dựng lại phong trào chiến tranh du kích, sau khi cơ sở hạ tầng cách mạng bị triệt phá nặng nề sau các đợt Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.
Đây là hiện thân cho mong muốn quân đội cách mạng sẽ “lai vô ảnh, khứ vô tung” trong chỉ thị thành lập quân đội 22 -12 – 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn với phương Tây, là khái niệm kẻ thù không thể xác định.
“Quả đấm thép” Đại đoàn
Ngưỡng cửa những năm 1950 là lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy ông có thể thành lập các đơn vị cỡ sư đoàn. Lực lượng vũ trang Việt Nam hình thành ba thứ quân rõ rệt, trong đó có dân quân, du kích hoạt động ở các làng xã; bộ đội địa phương trực thuộc các bộ chỉ huy quân sự tỉnh, huyện; và bộ đội chủ lực - tiếp cận khái niệm các lực lượng tác chiến quy ước của phương Tây. Tới lúc này, tướng Giáp đã sẵn sàng mở rộng mặt trận cho các chiến dịch tiến công quy mô, để đánh bại quân Pháp.
Binh chủng hợp thành
Tuy các thành tố của chiến tranh toàn dân đều quan trọng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rằng chỉ có sức mạnh quân đội tác chiến hiệp đồng mới buộc được quân đội chiến tranh quy ước của đối phương đầu hàng. Vì thế, để giành toàn thắng cho chiến tranh toàn dân, phải tạo dựng được các điều kiện làm suy giảm sức mạnh của quân đội đối phương, cho đến khi cán cân lực lượng ngả dần về phía quân đội chính quy của cách mạng.
Cuộc chiến tranh dần dần mang tính cân sức (cán cân lực lượng trên chiến trường giao động quanh điểm cân bằng), khi cả hai bên đều dùng các phương thức tác chiến quy ước. Đây chính là lúc tướng Giáp tìm cách giáng đòn quyết định chiến trường vào quân đối phương, nhanh chóng giành thắng lợi cuối cùng.
Về phương pháp luận, đòn quyết định chiến trường cần được phối hợp với tầm vóc mới, ngày một trưởng thành của cuộc chiến tranh toàn dân. Trong trường hợp đòn quyết định chiến trường được tiến hành sai hướng và quá sớm, quân đội đối phương còn đủ sức phản công, đánh bại quân đội của phe cách mạng. Còn nếu đòn quyết định được tung ra đúng thời cơ, thì quân đội đối phương sẽ bị tiêu diệt; các thành tố còn lại của hạ tầng cơ sở cách mạng Việt Nam dốc toàn lực để thống nhất nước nhà.
Đã có hai đòn chí tử giành được thắng lợi quyết định: một ở Điện Biên Phủ năm 1954, một ở miền Nam Việt Nam năm 1975, đánh đổ chế độ Việt Nam Cộng hòa. Trong trường hợp thứ hai, một biểu tượng kết thúc chiến tranh đã truyền vào tâm thức của thế giới: các xe tăng đâm đổ cánh cổng Dinh Độc lập - lực lượng chiến tranh quy ước của phe cách mạng đánh bại lực lượng tác chiến quy ước là Quân đội Sài Gòn.
“Thác là thể phách, còn là tinh anh”
Tôi không bao giờ còn có đặc quyền ngồi bên con người tài đức vẹn toàn ấy - con người từng thay đổi thế giới. Với phương Tây, thật khó chia sẻ điều này. Nhưng tôi rất đỗi tự hào là đã được gặp tướng Giáp, và vô cùng vinh dự vì từng được “phụ đạo”, để nhận thức được vai trò vô cùng to lớn của Đại tướng trong sự nghiệp thống nhất Việt Nam, và trong xây dựng và triển khai Học thuyết chiến tranh toàn dân. Tôi chắc chắn rằng với một nhà tư tưởng vĩ đại như thế, dù thể xác đã không thể giúp ông vượt ngưỡng tuổi 103, trí não ông vào thời khắc từ trần vẫn hoàn toàn mẫn tiệp.