Một khi hiểu được các chiến lược mà Võ Nguyên Giáp hoạch định cho quân đội Việt Nam kể từ đầu những năm 1940, người ta có thể chắc chắn rằng ông thực sự là một thiên tài quân sự. Tôi biết được điều này do nghiên cứu chiến lược của Võ Nguyên Giáp trong 10 năm trở lại đây, và từng được hân hạnh diện kiến tướng Giáp.
Nhà văn Anh Virginia Morris, tác giả sách “History of the Ho Chi Minh Trail: The Road to Freedom” (Bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân mang tên “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại - Con đường đi tới tự do”), suy luận vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm người chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang Việt Nam, và đề cập các chiến lược của tướng Giáp, mà theo bà, đã làm “thay đổi thế giới”.
Đối đầu không cân sức
Tôi rất kinh ngạc khi gặp tướng Giáp lần đầu. Khi đó, đã ở tuổi 90 nhưng ông còn dồi dào sức khỏe, trí tuệ cực kỳ minh mẫn, như ông đã từng như thế trong suốt cuộc đời cầm quân của mình. Chúng tôi nói chuyện cả giờ đồng hồ, và ông kể cho tôi về Đường Hồ Chí Minh.
Tôi rất cảm kích. Trước đó chồng tôi và tôi đã đi 500 dặm dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh ở bên Lào, và vì thế tướng Giáp đồng ý cho chúng tôi tới thăm ông. Tôi hỏi ông: “Phải chăng Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là thành tố quan trọng nhất cho chiến thắng?”. Tướng Giáp trả lời: “Đó là một trong nhiều thành tố quan trọng”. Phải mất một thập kỷ để tôi hiểu tướng Giáp muốn nói lên điều gì. Đã có nhiều thành tố tựa như Đường Hồ Chí Minh, đảm bảo thắng lợi cho cuộc kháng chiến ở Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân tiếp nhà văn Virginia Morris
Những gì tôi học hỏi được ở tướng Giáp, và các tướng lĩnh Việt Nam khác tôi được gặp, là để đánh Pháp (1945 - 1954) và đánh Mỹ (1959 - 1975), những người cách mạng đã sáng tạo ra hình thái chiến tranh mới: “chiến tranh toàn dân’.
Hình thái chiến tranh nhân dân này đã trở thành một bản thiết kế mẫu để tiến hành cái được phương Tây gọi là “cuộc chiến tranh không cân sức”. Thuật ngữ “không cân sức” thể hiện thực tiễn cuộc đối đầu giữa hai phe sử dụng hai chiến lược đối lập: Hồ Chí Minh dùng chiến tranh toàn dân chống lại Pháp, Mỹ - hai thế lực chủ yếu dùng các lực lượng và phương tiện chiến tranh quy ước.
Mục tiêu của chiến tranh toàn dân là động viên cả nước chống kẻ địch. Cuộc kháng chiến toàn dân vận hành bởi nguyên tắc hoạt động là cho dù từng người trong nhân dân yếu hơn sức mạnh của quân đội nhà nghề đối phương, lực lượng nhân dân sẽ làm mất sức chiến đấu của quân đội viễn chinh hùng mạnh, và cuối cùng làm chúng kiệt sức. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có dân là có tất cả”. Điều then chốt để hiểu chiến tranh toàn dân là những người kháng chiến không thể đánh bại kẻ thù mà chỉ đơn thuần dùng sức mạnh quân sự.
Có 4 yếu tố hợp thành chiến tranh toàn dân: ba mặt trận tầm chiến lược (chính trị, tuyên truyền đặc biệt, quân sự), trên nền của Hạ tầng cơ sở cách mạng (Mỹ gọi là VCI - Hạ tầng cơ sở Việt Cộng) - nhân tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, chi phối tất cả các mặt trận trên. Chủ tịch Hồ Chí Minh rõ ràng là nhân vật chính trên mặt trận đấu tranh chính trị tầm chiến lược. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người lãnh đạo chuyên trách của mặt trận quân sự, vừa hoạch định chiến lược vừa tổ chức thực hiện.
"Con đường Nam tiến"
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến quyết định chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lực lượng vũ trang chính quy là do, từ 1941, Võ Nguyên Giáp đã phát triển phần hệ trọng của Hạ tầng cơ sở cách mạng (“con đường Nam tiến” từ miền núi xuống đồng bằng Bắc Bộ), buổi đầu “bám rễ” vào những cơ sở còn thưa thớt.
Hệ thống cơ sở cách mạng được Hồ Chí Minh khởi động từ giữa những năm 1920 - đó là một mạng lưới hoạt động bí mật của những người cách mạng, kết nối chủ yếu nhờ các giao thông viên. Tới đầu những năm đầu 1940 ấy, nó thăng hoa thành Hạ tầng cơ sở cách mạng Việt Nam, một hệ thống ngày một tiến hóa phức tạp, tinh vi hơn.
Hệ thống này gồm (1) các chi bộ Đảng hoạt động bí mật, liên kết bởi (2) các giao thông viên ngày một trở nên chuyên nghiệp vụ hơn, sử dụng các “hành lang” giao liên chằng chịt phức tạp, dựa vào (3) - các quần chúng cảm tình với cách mạng, đảm nhiệm cả nhiệm vụ bảo vệ các hành lang, khi cần.
Trên các địa bàn mà hành lang ‘Nam tiến’ đi qua, đã hình thành một hình thái chính quyền ngầm có đủ các cơ cấu hành chính liên đới trực thuộc, làm cơ sở để phát triển thành nhà nước độc lập, một khi điều kiện cho phép.
Khi Võ Nguyên Giáp huấn luyện và tìm cách vũ trang cho những “người bảo vệ” hành lang chiến lược, Hồ Chí Minh nhận thấy trong con người tầm thước Võ Nguyên Giáp "tiền đồ vẻ vang" của quân đội Việt Nam. Ngày 22 -12 -1944, Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập lực lượng vũ trang chính quy, với đơn vị đầu tiên là Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, giao cho Võ Nguyên Giáp toàn quyền chỉ huy.
Chiến tranh không chiến tuyến
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945 - 1954), tướng Giáp đã định hình những phương thức đấu tranh vũ trang mới, được phương Tây gọi là “chiến tranh không chiến tuyến”.
Hình thái kháng chiến mới này xuất phát từ một lần Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Võ Nguyên Giáp. Ngày 18 - 1 - 1946, khi phái Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp vào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chú vào trong đó, nhiệm vụ trọng yếu là nghiên cứu, xem xét chiến trường, giúp các đồng chí Bộ chỉ huy mặt trận Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, và Nam Bộ giữ vững tinh thần kháng chiến, phát động chiến tranh du kích, kìm chân quân Pháp, động viên đồng bào và chiến sĩ hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước”...
Cuốn sách của nhà văn Virginia Morris về đường mòn Hồ Chí Minh
Có ba vấn đề quan trọng trong cuộc họp với Hồ Chí Minh khi tướng Giáp từ miền Nam trở về: thứ nhất, các lực lượng cách mạng miền Nam dùng phương thức trận địa chiến để chặn quân Pháp, và đã thất bại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhất trí với Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần phát động chiến tranh du kích ở miền Nam. Thứ hai, để tiếp tế cho cực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, và Nam Bộ, một hành lang chiến lược cần được mở (trong vai trò tương đương như Đường Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống Mỹ).
Còn tiếp...