Hải quân Trung Quốc có những kế hoạch đầy tham vọng trong vòng 15 năm tới để hiện đại hóa nhanh chóng hạm đội tàu chiến mặt nước, tàu ngầm cũng như những vũ khí và cảm biến đi kèm.
Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) đã công bố một bản đánh giá về năng lực của Hải quân Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của ONI nhận thấy rằng Hải quân Trung Quốc từ một lực lượng tác chiến ven bờ đã phát triển thành một lực lượng có đủ khả năng đáp ứng hàng loạt yêu cầu nhiệm vụ, trong đó bao gồm “khả năng ngày càng lớn mạnh trong việc tấn công các mục tiêu cách lục địa Trung Quốc hàng trăm km”
Theo một bản báo cáo của Viện Hải quân Mỹ, Hải quân Trung Quốc hiện có 77 tàu chiến mặt nước, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ và khoảng 85 tàu chiến nhỏ có trang bị tên lửa. Trong năm 2013, Trung Quốc đã “khởi đóng, hạ thủy hoặc đưa vào hoạt động” hơn 50 tàu hải quân và theo kế hoạch, số lượng tàu chiến tương tự cũng sẽ được chế tạo trong năm 2014.
Theo ONI, trong suốt giai đoạn cuối những năm 1990, “Hầu hết tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc chỉ đảm nhiệm một nhiệm vụ, chúng được trang bị nghèo nàn để hoạt động hỗ trợ hệ thống phòng thủ trên bộ. Tuy nhiên hiện nay, tàu khu trục mới nhất của Trung Quốc lớp Lữ Dương III (Type 052D) được trang bị hệ thống radar quét mạng pha tinh vi, con tàu có thể sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
Bản cáo cáo của ONI nhận định, việc trang bị một lớp tàu chiến đa năng giúp tăng cường đáng kể khả năng mang phóng tên lửa hành trình chống hạm công nghệ cao (ASCM) với tầm bắn xa hơn. ONI cho biết lớp tàu Lữ Dương III được trang bị các ống phóng ASCM thẳng đứng. Ngoài ra, tàu còn được trang bị tên lửa chống ngầm và thậm chí là tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Các tên lửa ASCM đã mang lại cho Trung Quốc công nghệ định vị mục tiêu ngoài đường chân trời.
“Trung Quốc đã đầu tư công phu vào các hệ thống trinh sát trên biển ở cả cấp độ quốc gia và chiến thuật, cùng với đó là những hệ thống liên lạc và kết nối dữ liệu, cho phép chuyển tải dữ liệu chính xác và kịp thời về mục tiêu” - ONI cho hay.
Nhìn chung, các nhà lãnh đạo ONI tin rằng tới năm 2020, 85% hạm đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sẽ được xếp vào diện “hiện đại” theo tiêu chuẩn của Mỹ.
Đề cập tới tàu sân bay Liêu Ninh, ONI cho biết hiện tại Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu cách thức để phát huy tối đa khả năng của con tàu này. Tới năm 2020, các máy bay hoạt động trên tàu Liêu Ninh sẽ có khả năng hỗ trợ hoạt động tác chiến của hạm đội trong một vai trò hạn chế.
"Trung Quốc vẫn đang trong quá trình học hỏi lâu dài cách thức vận hành các máy bay có cánh cố định từ tàu sân bay" - ONI nhận định.
ONI cũng bày tỏ sự lo ngại về lực lượng tàu ngầm đang phát triển rất nhanh của Trung Quốc, trong đó bao gồm các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Jin, có thể sẽ bắt đầu hoạt động tuần tra răn đe vào năm 2014.
Việc triển khai hoạt động nói trên của tàu ngầm lớp Jin sẽ đánh dấu khả năng "tấn công hạt nhân thứ hai" của Trung Quốc. Được trang bị các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 với tầm bắn hơn 7.000km, các tàu ngầm này có khả năng tấn công tới Hawaii, Alaska và có thể là cả phần phía Tây của lục địa Mỹ từ các vùng biển Đông Á”. Theo ONI, hiện tại Trung Quốc sở hữu 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và 53 tàu ngầm tấn công diesel.
Nhìn tổng thể, hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng về công nghệ vũ khí tấn công trong vòng 10 năm qua. Một thập kỷ trước đây, rất ít tàu ngầm Trung Quốc có thể phóng một tên lửa hành trình chống hạm hiện đại. Tuy nhiên hiện tại, hơn một nửa số tàu ngầm tấn công thông thường của Trung Quốc có khả năng này.
Theo ONI: “Tàu ngầm tấn công mang tên lửa dẫn đường Type 095 mà Trung Quốc nhiều khả năng chế tạo trong thập kỉ tới, có thể được trang bị khả năng tấn công trên bộ, cho phép các tàu ngầm Trung Quốc tăng khả năng tấn công các căn cứ của Mỹ trong khu vực”.
Bản báo cáo của ONI kết luận rằng với xu thế hiện nay, trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc có thể hoàn tất bước chuyển đổi sang một lực lượng hải quân công nghệ cao, hiện đại với tầm ảnh hưởng và khả năng tác chiến toàn cầu.