ASEAN sắm tàu ngầm: Không phải chạy đua vũ trang

Việc một số nước ASEAN như Indonesia, Singapore, Việt Nam mua sắm  gần đây chỉ đơn thuần là sự phổ biến vũ khí, không phải là một cuộc chạy đua vũ trang tàu ngầm.

Đó là nhận định của chuyên gia Koh Swee Lean Collin (Singapore) viết trên tạp chí The Diplomat. Koh Swee Lean Collin là chuyên gia về hải quân ở châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, thuộc trường Nghiên cứu các vấn đề quốc tế mang tên S. Rajaratnam (Đại học Nanyang, Singapore).

Tàu ngầm Hà Nội, lớp Kilo do Nga đóng, đang đậu tại quân cảng Cam Ranh, tháng 1.2014 - Ảnh: Nhà máy Admiralty

Theo bài viết này, từ đầu năm 2014, Việt Nam nhận chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên từ Nga (HQ 182 Hà Nội). Trước đó không lâu, Indonesia bày tỏ quan tâm việc mua tàu ngầm Kilo của Nga hoặc tàu ngầm của Hàn Quốc. Còn trong tháng 11.2013, Singapore ký hợp đồng với hãng ThyssenKrupp (Đức) đóng 2 chiếc tàu ngầm lớp Type 218SG, chiếc đầu tiên sẽ đi vào hoạt động năm 2020.

Các nước ASEAN khác cũng quan tâm tàu ngầm, nhưng gặp khó vì vấn đề ngân sách. Như Thái Lan đang xây cơ sở cho tàu ngầm để phục vụ nhu cầu trong tương lai. Philippines cũng muốn có tàu ngầm nhưng vì ngân sách eo hẹp nên quyết định đầu tư cho lĩnh vực chống ngầm.

Tuy Indonesia hoặc Thái Lan nhấn mạnh việc phải có tàu ngầm như là năng lực của hải quân, nhưng các chỉ báo về địa chính trị lẫn kỹ thuật ở khu vực đều cho thấy đó không phải là cuộc chạy đua vũ trang về tàu ngầm. Đó chỉ là việc phổ biến vũ khí tàu ngầm và gia tăng khuynh hướng hợp tác trong khu vực về lĩnh vực tàu ngầm.

Trong khi có những nỗ lực giữa các nước để tạo ra một lực lượng có hiệu quả và bền vững hơn nhằm bảo vệ vùng biển quốc gia, không có dấu hiệu cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng tàu ngầm. Việt Nam đến năm 2016 mới có đủ 6 chiếc tàu ngầm, Indonesia sẽ có ba tàu ngầm mới trong khoảng thời gian tương tự , trong khi hai chiếc hiện có của nước này (lớp Type 209 do Đức đóng) sẽ có thể sẽ được cho ngừng hoạt động. Còn Singapore với việc loại bỏ dần tàu ngầm lớp Challenger cũ kỹ, có thể có hai tàu ngầm lớp Archer (Thuỵ Điển đóng) đi vào phục vụ trước khi có loại tàu ngầm lớp Type- 218SG đầu tiên.

Trong ngắn hạn, số lượng tàu ngầm hoạt động ở khu vực Đông Nam Á sẽ vẫn ít nhiều ổn định trong thập kỷ tới, với các tàu mới thay thế tàu cũ. Còn việc gia tăng hạm đội tàu ngầm sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian đáng kể, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình kinh tế mỗi nước.

Chiếc tàu ngầm Nanggala 402 của Indonesia (Đức sản xuất) được cho là đã cũ kỹ - Ảnh: Tempo
Tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia do Pháp đóng - Ảnh: defencetalk.com

Cũng không có dấu hiệu của một cuộc chạy đua về chất lượng tàu ngầm. Khi Singapore trở thành hải quân Đông Nam Á đầu tiên giới thiệu tàu ngầm sử dụng động cơ đẩy không phụ thuộc không khí (AIP), được thiết kế để kéo dài thời gian ở dưới nước của tàu ngầm và giảm nhu cầu nổi lên lấy không khí và sạc điện, các tàu ngầm của lực lượng hải quân khác trong khu vực không có khả năng đó.

Lĩnh vực mà tàu ngầm các nước này có khả năng tranh đua chính là trang bị tên lửa chống tàu ngầm phóng từ dưới mặt nước khi tàu đang lặn. Tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia là tàu ngầm đầu tiên của khu vực trang bị tên lửa chống hạm SM -39 Exocet, tiếp theo là tàu ngầm Kilo của Việt Nam với tên lửa Klub - S, còn Indonesia dự định mua tàu Kilo từ Nga có trang bị tên lửa loại này.

Trong thực tế, tàu ngầm thông thường loại mới trên thị trường thường được cung cấp tên lửa chống tàu phóng đi từ dưới mặt nước như một phần tùy chọn của gói sản phẩm. Đây là xu hướng quốc tế trong việc phổ biến vũ khí hiện đại của công nghệ tàu ngầm, không chỉ với khu vực Đông Nam Á. Lực lượng hải quân ở vùng Đông Bắc Á và tiểu vùng Nam Á cũng sở hữu khả năng như vậy.

Chỉ có loại tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm bắn vào các mục tiêu trên đất liền (gọi tắt là SLCM) mới là vấn đề đáng bàn. Loại vũ khí này có khả năng gây bất ổn, đặc biệt là khi phóng đi từ một bệ phóng tàng hình như một chiếc tàu ngầm, vì chúng có thể tấn công từ ngoài biển đánh sâu vào lãnh thổ của quốc gia khác. Đáng chú ý là trong khi lực lượng hải quân lớn khác trong khu vực đã có hoặc đang xem xét SLCM, hiện nay lực lượng hải quân Đông Nam Á không có khả năng này.

Điểm cần lưu ý khác là không có nước ASEAN nào là đối tác thành viên của Hiệp ước Kiểm soát công nghệ tên lửa, vốn hạn chế việc phổ biến tên lửa (và công nghệ) có đầu đạn nặng đến 500 kg và tầm bắn tối thiểu 300 km.

Người ta cũng chưa xác định chắc chắn liệu những chiếc tàu ngầm Kilo, trong đó Indonesia được cho là quan tâm muốn mua, sẽ được trang bị SLCM, chẳng hạn như biến thể tấn công mặt đất của tên lửa chống hạm Klub-S hay không. Cả khả năng trang bị SLCM của loại tàu ngầm lớp Type-218SG cũng vậy. Tuy nhiên, tên lửa SLCM không có khả năng xuất hiện trên danh sách mong muốn trong tương lai của lực lượng hải quân Đông Nam Á, trừ khi tình hình địa chính trị khu vực này trở nên nghiêm trọng. Trong tương lai gần, tàu ngầm Đông Nam Á chỉ cạnh tranh năng lực về động cơ AIP và tên lửa chống hạm mà thôi.

Có lẽ cuộc chạy đua vũ trang tàu ngầm trong khu vực có vẻ khó xảy ra. Lý do là khu vực ASEAN đã từng là nơi có nhiều tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền trên biển , nhưng kể từ đầu những năm 2000, các nước Đông Nam Á đã giải quyết một cách hữu nghị hầu hết các tranh chấp hàng hải thông qua thủ tục tố tụng pháp luật quốc tế.

Các vấn đề biên giới biển cũng được giải quyết song phương, ví dụ các thỏa thuận đạt được trong năm 2011 giữa Indonesia và Việt Nam để cùng xác định khu vực đánh cá chung chồng lấn trong khu kinh tế đặc quyền của nhau (EEZ). Hay các vấn đề biên giới trên biển của Indonesia và Singapore ở eo biển Singapore, và giữa Malaysia và Singapore.

 

Hạ thủy tàu ngầm RSS Swordsman lớp Archer cho hải quân Singapore tại xưởng Kockums, Thụy Điển, ngày 20.10.2010

Ngoài ra, hải quân Đông Nam Á đang tăng cường hợp tác với nhau. Indonesia và Singapore đã ký hiệp định hợp tác và cứu hộ tàu ngầm năm 2012, một hiệp ước tương đương giữa Singapore và Việt Nam cũng được ký vào năm 2013. Tại châu Á đã có cuộc diễn tập hàng nằm về cứu hộ tàu ngầm đa quốc gia từ năm 2000 (gọi là EPR) - và Hội nghị tàu ngầm châu Á – Thái Bình Dương (APSC) từ năm 2001.

Điều này rất quan trọng vì khi có nhiều tàu ngầm di chuyển trong các vùng biển của Đông Nam Á, nguy cơ tai nạn dưới nước cũng có thể gia tăng, đòi hỏi có một khái niệm rộng hơn nữa hợp tác cứu hộ tàu ngầm trong khu vực. Mới nhất là vụ cháy nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak của Ấn Độ năm 2013 càng làm gia tăng nhu cầu cấp bách của việc cứu hộ tàu ngầm. Tuy nhiên việc này rất tốn kém về tiền bạc và công nghệ mà ngân sách của nhiều nước khó mà kham nổi.

Hiện ở ASEAN chỉ có Singapore là có tàu lặn cứu hộ tàu ngầm (DSRV). Malaysia cũng từng có ý định sắm DSRV nhưng tạm ngưng vì thiếu tiền.

Tóm lại, việc mua sắm tàu ngầm ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục trong tương lai gần, nhưng đó không phải là cuộc chạy đua vũ trang tàu ngầm trong khu vực khi xem xét quan điểm về xu hướng kỹ thuật và địa chính trị ở khu vực này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại