Lực lượng tàu ngầm Việt Nam đang ở đâu so với các nước ASEAN?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Trong vòng 5 năm đến một thập kỉ tới, Biển Đông sẽ chứng kiến một sự gia tăng đáng kể việc triển khai các tàu ngầm thông thường của các quốc gia trong khu vực.

Carl Thayer , giáo sư Học viện Quốc phòng Úc, một chuyên gia nghiên cứu quân sự Đông Nam Á đã có bài tổng hợp về tiến độ trang bị tàu ngầm thông thường của các quốc gia trong ASEAN. Theo vị giáo sư này, các quốc gia ASEAN tăng cường trang bị tàu ngầm với những mục tiêu chiến lược khác nhau. Nội dung chính của bài viết được đăng tải trên trang Diplomat như sau:

Ngày 31/12 các phương tiện truyền thông của Việt Nam đã đưa tin về việc chuyển giao tàu ngầm Kilo Hà Nội tại vịnh Cam Ranh. Con tàu này được vận chuyển từ cảng St. Petersburg (Nga) trên tàu vận tải hạng nặng Rolldock Sea.

 	Tàu ngầm Kilo Hà Nội tại vịnh Cam Ranh

Tàu ngầm Kilo Hà Nội tại vịnh Cam Ranh

Đi cùng con tàu là các chuyên gia từ xưởng đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg, những người sẽ đảm nhiệm công việc cuối cùng trước khi lễ bàn giao chính thức diễn ra. Tàu ngầm HQ 182 Hà Nội là chiếc đầu tiên trong hợp đồng 6 chiếc thuộc đề án 636 được bàn giao cho Việt Nam, 5 chiếc còn lại dự kiến sẽ được bàn giao trước năm 2016.

Việc bàn giao tàu ngầm Hà Nội là nhân tố nhắc nhở đúng lúc về việc các lực lượng hải quân trong khu vực hiện đang bước vào những chương trình hiện đại hóa trong đó một trọng tâm là sự trang bị những tàu ngầm thông thường.

Bắt đầu từ năm 1967, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được trang bị loại vũ khí dưới biển này khi họ tiếp nhận lô tàu ngầm lớp Whiskey đầu tiên của Liên Xô. Sau đó, năm 1978 các tàu ngầm này đã được thay thế bằng hai tàu ngầm diesel của Tây Đức.

Năm 2012, Bộ Quốc phòng Indonesia tuyên bố họ đang lên kế hoạch tăng cường hạm đội tàu ngầm lên 12 chiếc trước năm 2020. Theo đó 12 chiếc là số lượng tàu ngầm cần thiết tối thiểu để bảo vệ tại các nút giao hàng hải chiến lược đi vào quần đảo này.

 	Tàu ngầm U-209 Indonesia phối hợp chế tạo tại Hàn Quốc

Tàu ngầm U-209 Indonesia phối hợp chế tạo tại Hàn Quốc

Hiện tại, Indonesia đã đặt mua 3 chiếc tàu ngầm U-209 được chế tạo tại Hàn Quốc dưới sự hợp tác giữa Tập đoàn đóng tàu và công nghệ hàng hải Daewoo và hãng PT PAL của Indonesia. Hai chiếc tàu này hi vọng sẽ được chuyển giao vào giữa năm 2015 và 2016.

Bên cạnh đó Indonesia hiện cũng đang cân nhắc hai lựa chọn, thứ nhất là mua và cải tiến các tàu ngầm lớp Kilo đã qua sử dụng của Nga. Một nhóm chuyên gia của Indonesia dưới sự chỉ đạo của Tham mưu trưởng Hải quân Đô đốc Marsetio sẽ sang thăm Nga trong tháng này để kiểm tra các tàu ngầm trên cùng với những hệ thống vũ khí đi kèm. Trong chuyến thăn, hai bên sẽ thông báo về giá cả và tính khả thi của phương án này.

Các nguồn tin từ Indonesia cho hay phương án mua tàu ngầm Kilo là rất đáng quan tâm bởi loại tàu này có thể được trang bị tên lửa siêu thanh Yakhont hoặc tên lửa hành trình Klub-S, loại tên lửa có thể phóng từ dưới nước và tấn công các mục tiêu trên bộ từ khoảng cách 400km.

Lựa chọn thứ hai cho Indonesia là mua các tàu ngầm mới từ Hàn Quốc. Đây cũng là phương án hấp dẫn bởi các tàu ngầm mới này hoàn toàn tương thích với cơ sở hạ tầng cảng hiện có. Báo chí đã đề cập rằng các tàu ngầm mới của Indonesia sẽ được neo đậu tại căn cứ hải quân Palu mới được xây dựng gần đây tại Sulawesi. Số tàu này sẽ có khả năng hoạt động trong các vùng nước sâu quanh các quần đảo phía Tây của quốc gia này.

Cuối tháng 11 vừa qua, Singapore tuyên bố đã kí kết một hợp đồng mua 2 tàu ngầm thông thường Type 218SG từ hãng ThyssenKrupp Marine Systems của Đức. Thương vụ này cũng đi kèm điều khoản đào tạo thủy thủ và thợ kĩ thuật tại Đức.

Các tàu ngầm của Singapore sẽ được trang bị hệ thống khí độc lập AIP và hi vọng sẽ được bàn giao trước năm 2020. Số tàu mới này sẽ thay thế 4 tàu ngầm lớp Challenger đã cũ và kết hợp cùng với hai tàu ngầm lớp Archer đã được tân trang làm thành hạm đội tàu ngầm của Singapore.

Tàu ngầm lớp Archer của Singapore
Tàu ngầm lớp Archer của Singapore

Về phần mình, Malaysia đã mua 2 tàu ngầm lớp Scorpène từ Pháp trong khuôn khổ một hợp đồng được kí kết từ năm 2002. Theo đó hai con tàu RMN Tunku Abdul Rahman và RMN Tun Abdul Razak đã đi vào hoạt động từ năm 2007 và 2009. Chúng được bố trí tại Sepanggar, Sabah.

 	Tàu ngầm Scorpène của Malaysia

Tàu ngầm Scorpène của Malaysia

Tháng 6/2013, Tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing đã đàm phán với các quan chức Nga về việc mua 2 tàu ngầm lớp Kilo. Cùng trong tháng này, theo thông báo 20 sỹ quan và thợ kiểm tra đã bắt đầu hoạt động làm quen và huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm PNS Bahadur của Pakistan. Hai hoạt động trên cho thấy quyết tâm xây dựng một lực lượng tàu ngầm trước năm 2015 của Myanmar.

Tháng 4/2011, Thái Lan tìm mua từ 2 đến 6 tàu ngầm diesel Type 206A đã qua sử dụng của Đức với giá 220 triệu USD. Lượng choán nước 500 tấn, số tàu trên thuộc lớp tàu ngầm tấn công nhỏ nhất trên thế giới. Tuy nhiên do sự thay đổi chính phủ Thái Lan trong tháng 7/2011 và sự bất động nội bộ giữa Bộ Quốc phòng và Hải quân nước này đã dẫn tới sự trì hoãn của dự án trên.

 	Tàu ngầm Type 206A Thái Lan dự định mua lại của Đức

Tàu ngầm Type 206A Thái Lan dự định mua lại của Đức

Tháng 10/2013, theo thông báo, trong 10 năm tới, Hải quân Hoàng gia Thái Lan sẽ dự định mua 3 tàu ngầm. Trong khi đó Thái Lan đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng giành cho một trung tâm và căn cứ huấn luyện tàu ngầm tại căn cứ Hải quân Sattahip tại Chon Buri. Căn cứ này hi vọng sẽ được khành thành trong tháng 3 năm nay và sẽ đi kèm với một bộ chỉ huy huấn luyện tàu ngầm.

Sau đó Hải quân Thái Lan đã cử 18 sỹ quan tham dự khóa huấn luyện tàu ngầm kéo dài 32 tháng tại Đức và cứ 10 sỹ quan khác tới tham dự khóa luấn luyện 8 tuần tại Hàn Quốc.

Với Philippines, trong những năm đầu dưới thời chính quyền Tổng thống Aquino, theo báo cáo các tàu ngầm sẽ được đưa vào “danh sách mong muốn” mua sắm quốc phòng của Bộ Quốc phòng nước này trong khuôn khổ một chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Trong vòng 5 năm đến một thập kỉ tới, trong các vùng nước thuộc Đông Nam Á và đặc biệt là Biển Đông sẽ chứng kiến một sự gia tăng đáng kể việc triển khai các tàu ngầm thông thường của các quốc gia trong khu vực. Điều này sẽ khiến cho Biển Đông sẽ trở lên đông đúc hơn.

Việc trang bị lực lượng tàu ngầm sẽ tạo ra một khía cạnh thứ tư trong năng lực tiến hành chiến tranh khu vực, bao gồm các thành tố không, bộ, hải và tàu ngầm-tàu mặt nước. Các tàu ngầm sẽ có thể tham gia trinh sát và thu thập tin tức tình báo, rải mìn, tác chiến chống tàu và tấn công tầm xa.

Tuy nhiên từ trước đến nay xem chừng có rất ít các cuộc trao đổi giữa chỉ huy hải quân các quốc gia ASEAN về sự phát triển này. Ở cấp độ cơ bản nhất, rất ít quốc gia ASEAN hiện được trang bị khả năng hỗ trợ tàu ngầm của họ trong trường hợp sự cố. Singapore và Malaysia là ngoại lệ. Trong năm 2008, Singapore đã hạ thủy tàu cứu hộ MV Swift, một tàu hỗ trợ, cứu hộ tàu ngầm.

Singapore cũng là nước đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác cứu hộ tàu ngầm giữa các lực lượng hải quân trong khu vực. Nước này đã kí kết các thỏa thuận với Úc, Indonesia và Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại