Tiêu chuẩn nào cho máy bay chiến đấu thế hệ 6?

Cách đây không lâu, Hải quân Hoa Kỳ trong Hội nghị Vũ trụ Hàng không đã trình bày “khái niệm cơ bản” của các máy bay thế hệ thứ 6, ngay lập tức gây ra những tranh luận nóng về vấn đề này. Xin trích dẫn một số ý kiến trái chiều về tiêu chí của máy bay thế hệ thứ 6.

Hiện nay, máy bay thế hệ thứ 5 đã được phát triển và sản xuất loạt, thế nhưng ngoài F-22, còn lại như chiến đấu cơ tàng hình đa năng F-35 đang phải đối mặt với “một dòng bất tận của các vấn đề kỹ thuật”, T-50 của Nga và J-20 của Trung Quốc đang trong thời gian thực hiện các chuyến bay thử nghiệm và hiệu chỉnh tham số thiết kế, còn một số quốc gia khác cũng có kế hoạch phát triển máy bay thế hệ thứ năm nhưng còn đang “trên giấy”.

Các công ty của Mỹ là Lokheed Martin, Northrop Grumman, Boeing và một số hãng hàng không vũ trụ khổng lồ khác đang chú ý đến khả năng phát triển, chế tạo máy bay thế hệ thứ 6. Nhằm tạo ra một thế hệ máy bay chiến đấu tiên tiến có thể đáp ứng các yêu cầu tác chiến của lực lượng không quân và hải quân từ năm 2030-2060.

Công nghệ chủ chốt trên máy bay thế hệ thứ 6 được xác định là động cơ với chu kỳ làm việc thay đổi, công nghệ tàng hình hoàn toàn với bất kỳ hệ thống radar nào, trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy bay không người lái.

Có vẻ như các đối thủ phát triển máy bay thế hệ thứ 6 đã bắt đầu cuộc cạnh tranh. Đã có những cách tiếp cận khác nhau, chẳng hạn chiến đấu cơ không người lái, có khả năng hoạt động không những trong bầu khí quyển mà còn khả năng hoạt động trong cả không gian, được trang bị hệ thống vũ khí laser năng lượng cao, thế nhưng trình độ công nghệ hiện tại đang dội “gáo nước lạnh” vào những mong muốn này.

Tàng hình cơ thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 của Nga

Máy bay chiến đấu không người lái?

Máy bay chiến đấu không người lái là một xu hướng quan trọng của sự phát triển máy bay chiến đấu, có thể đáp ứng ngay vấn đề thiếu trầm trọng phi công, kích thước của chúng nhỏ hơn máy bay có người lái, tạo điều kiện gia tăng khả năng mang vác vũ khí.

Nhưng khả năng cơ động trong không chiến, nhất là trong khả năng “chạy trốn” tên lửa đối phương, đòi hỏi phải có một phản ứng cực kỳ nhanh nhạy. Một máy tính với trí tuệ nhân tạo, có thể thực hiện hàng tỷ phép tính mỗi giây, nhưng có thể không đưa ra quyết định cực kỳ chính xác và nhanh chóng để cạnh tranh với trí thông minh của con người.

Ngoài ra, để điều khiển máy bay chiến đấu không người lái cách xa hàng ngàn km không thể tránh khỏi có sự chậm chễ trong việc truyền tín hiệu, cứ cho rằng tốc độ của sóng điện từ bằng tốc độ ánh sáng. Trong thực tế khi truyền tín hiệu cho các thiết bị trên máy bay chiến đấu cơ động cao chắc chắn sẽ bị một số chậm chễ, thậm chí ngay cả trên máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không AWACS, thành trì chỉ huy UAV vẫn chưa khắc phục được vấn đề này.

Hơn nữa, việc truyền tín hiệu rất rễ bị đối phương “can thiệp”, chỉ một “thao tác” điện tử mạnh là có thể làm gián đoạn liên lạc từ người lái tới UAV.

Cả hai vấn đề này đều là “tối kỵ” trong chiến đấu.

Tốc độ và tầm cao?

Đối với những máy bay thế hệ thứ hai và thứ ba, thì tốc độ là đặc tính cơ bản, có nghĩa là tốc độ càng lớn thì càng tốt, thế hệ thứ 4 vấn đề này không còn là tiêu chí hàng đầu, đến thế hệ máy bay thứ 5 yếu tố tốc độ được thừa nhận là thứ yếu. Thế nhưng, máy bay thế hệ thứ 6, đặc tính tốc độ và tầm cao có thể được “khẳng định” trở lại.

Trong năm 2009 Không quân Hoa Kỳ bắt đầu kích hoạt việc phát triển động cơ phản lực hai luồng khí với khả năng thay đổi chu kỳ làm việc, có thể đẩy máy bay tới tốc độ Mach 4 hoặc Mach 5 (gấp 4 hoặc 5 lần tốc độ âm thanh).

Đồng thời cũng đưa ra một yêu cầu phi thường cho máy bay thế hệ mới, đó là có thể vươn tới tầm cao mới là không gian gần trái đất. Người Mỹ đã phát triển được một số nguyên mẫu máy bay siêu thanh có tốc độ lớn lơn Mach 5 và tàu không gian không người lái tái sử dụng X-37 Orbiter của Mỹ có thể coi là một trong hình mẫu của máy bay chiến đấu không gian tương lai.

Thế nhưng, nếu ta nhìn vào bức tranh khi một chiến đấu cơ xuất hiện từ không gian để tiêu diệt mục tiêu trong bầu khí quyển, quả thật là rất đẹp, nhưng điều đó chẳng khác gì mang đại bác bắn chim sẻ.

Thậm tệ hơn nữa, một máy bay chiến đấu thông thường có thể bắn vào không gian của đối phương khi chúng vừa xuất hiện trên bầu khí quyển và khi “đạn lạc” rất có thể các vệ tinh gần trái đất sẽ trở thành “mục tiêu”.

Cách mạng vũ khí?

Các nhà phân tích cho rằng máy bay chiến đấu thế hệ mới có thể được trang bị hệ thống chiến đấu mang tính cách mạng, chẳng hạn như vũ khí điều khiển năng lượng (laser) và vũ khí động học siêu thanh.

Trong nhiều năm qua, các nước Mỹ và Nga đã bắt đầu thử nghiệm các loại vũ khí laser trên các máy bay vận tải cỡ lớn như Boeing 747 và Il-76 nhưng vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể.

Cái khó để tiêu diệt các chiến đấu cơ bằng vũ khí laser là kích thước của nó rất nhỏ, kế đó là chúng có thể cơ động nhanh chóng và cực kỳ linh hoạt mà vũ khí laser phải mất ít nhất 12 giây để “khoan thủng” mục tiêu, như vậy có vẻ như “súng laser” đã có những hạn chế đáng kể.

Cuối cùng là công nghệ tàng hình?

Theo tiêu chí, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 phải sở hữu công nghệ tàng hình mức độ cao để có thể “lẩn tránh” trong tất cả các tần số vô tuyến cũng như trong quang phổ.

Thế nhưng, ngay cả người Mỹ cũng thừa nhận rằng máy bay chiến đấu tàng hình là một phương tiện vô cùng đắt đỏ và nếu như cố gắng để đạt được trình độ tàng hình trong quang phổ sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều.

Mặt khác, trong tương lai gần, với tốc độ phát triển của công nghệ điện tử, khả năng “vô hình” của các máy bay sẽ còn “bấp bênh” hơn nhiều.

Vậy máy bay thế hệ thứ sáu sẽ như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta phải chờ đợi đến thời điểm mà những chiếc máy bay thế hệ thứ năm lần đầu “xuất trận”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại