"Soi" toàn diện chiến đấu cơ thế hệ 4 "đỉnh cao" của Nga

Gần đây, máy bay chiến đấu Su-35 nhận được rất nhiều lời tán dương của các chuyên gia quân sự. Vậy nó có những điểm gì ưu việt hơn so với các loại máy bay cùng “gia tộc” như: Su-27, Su-30, Su-34… và có thể so sánh được với những loại máy bay chiến đấu nào của Mỹ?

Su-35 là biến thể nâng cấp cực mạnh, trên cơ sở vẫn giữ nguyên bộ khung của của Su-27, nếu không am tường các cơ chế thiết kế máy bay của Nga, sẽ khó có thể giải thích được mối quan hệ giữa Su-35 và Su-27. Khác với quy trình nghiên cứu, chế tạo máy bay Mỹ, thử nghiệm mỗi loại máy bay mới Nga cần tới 20 nguyên mẫu, so với 5-10 của Mỹ.

Sau khi định hình thiết kế Su-27, không quân Nga nhận thấy thiết kế này rất hoàn hảo và có nhiều không gian để nghiên cứu, phát triển vì vậy họ đã không ngừng cải tiến, cho ra đời hàng loạt các phiên bản dành cho không quân, hải quân, bao gồm các biến thể chuyên dụng không chiến (tiêm kích đánh chặn), tấn công đối đất (cường kích), trinh sát, huấn luyện…

Su-35 là phiên bản nâng cấp cực mạnh của S-27

Rất khó để phân biệt “Đại gia tộc” nhà Su-27 bởi vì từ nòng cốt là Su-27, Công ty Sukhoi đã cho ra đời thêm 6 phiên bản khác nhau là Su-30, Su-32, Su-33, Su-34, Su-35 và Su-37. Là phiên bản nâng cấp cuối cùng của dòng Su-27, Su-35 xứng đáng được coi là đỉnh cao về mặt công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 trên thế giới.

Sau 20 năm mài giũa, Su-35 đã xuất hiện với tư cách là máy bay chiến đấu hoàn thiện nhất trong thế hệ thứ 4. Các chuyên gia quân sự cho rằng nó đã vượt trội hơn rất nhiều, so với các máy bay cùng thế hệ của Mỹ và NATO, xứng đáng với hai dấu cộng (+) đằng sau nó. Vậy Su-35 có những ưu điểm gì xứng đáng với những lời khen tặng đó?

Trước hết, Su-35 đã kế thừa toàn bộ những thiết kế ưu việt về hệ thống hỏa lực của Su-27 với 1 khẩu pháo 30mm, 12 điểm treo vũ khí và lượng bom đạn mang theo tối đa là 8 tấn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tác chiến đa nhiệm trên không, mặt đất và chống hạm.

Ngoài hệ thống tên lửa không đối không chủ lực, Su-35S cũng được trang bị tất cả các loại vũ khí tối tân nhất của Nga, như tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar, bom điều khiển chính xác và bom không điều khiển.

Su-35 được trang bị tất cả những loại vũ khí tấn công từ trên không của Nga

Về tính năng cơ động, khả năng tàng hình và hệ thống radar, Su-35 cũng có những ưu điểm nổi bật. Su-35S có tầm bay tối đa 3400km, trần bay 19km, bán kính tác chiến 1600km (chưa tính tiếp dầu trên không)

Su-35 sử dụng động cơ thế hệ mới nhất 117S thuộc chương trình nghiên cứu, chế tạo động cơ cho máy bay thế hệ thứ 5. Động cơ phản lực Vector 117S (định danh AL-41F-1S) thuộc thế hệ AL-41F, được thiết kế trên khung động cơ AL-31F nhưng trình độ công nghệ thì vượt trội so với thế hệ trước đó với lực đẩy 14.500kg (hơn thế hệ AL-31F khoảng 2000kg).

Ngoài 117S ra, thế hệ này còn có loại AL-41F-1 (được gọi là 117C). Hiện các loại động cơ này đang được sử dụng trong nguyên mẫu bay thử, của máy bay thế hệ thứ 5 PAK FA Sukhoi T-50. Ít ai biết được, Cục thiết kế của Sukhoi cũng đã từng đem 117S thử nghiệm trên Su-27, nâng cao cực đại tính năng của nó, thậm chí một số chỉ tiêu còn tiếp cận đến kỷ lục thế giới.

So với thế hệ động cơ AL-31F hiện đang sử dụng, tuổi thọ của động cơ 117S cao hơn từ 2 - 2,7 lần, kéo dài khoảng thời gian giữa 2 lần đại tu từ 500 lên 1000h, tăng tuổi thọ của động cơ từ 1500h lên ít nhất là 4000h, nếu có nâng cấp có thể tăng lên 7000h. Đây là một kỷ lục, không chỉ với động cơ hàng không Nga, mà còn trên toàn thế giới.

Động cơ phản lực Vector 117S (định danh AL-41F-1S) thuộc thế hệ AL-41F

Khả năng điều chỉnh luồng khí phụt theo các hướng khác nhau của 117S là điểm ưu việt nhất, so với các loại động cơ khác chỉ có khả năng điều chỉnh lên - xuống (ví dụ động cơ F-135 trên F-35 của Mỹ). Nó giúp cho máy bay có khả năng ngoặt, chuyển hướng khi đang bay tốc độ lớn, tạo nên sự linh hoạt tuyệt vời chỉ có ở những máy bay Nga (kể cả F-22 và F-35 Mỹ cũng không có được).

Thân máy bay được gia cố hợp kim Titan, cùng với thiết kế 3 cánh nổi tiếng là cánh nhỏ phía trước, cánh chính và cánh đuôi bằng phía sau khiến cho Su-35 có khả năng cơ động tuyệt vời, với tốc độ tối đa lên tới 2,25Mach, ngang ngửa với tốc độ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là F-22 của Mỹ nhưng vượt trội về khả năng linh hoạt.

Trước đây, tính năng tàng hình là điểm yếu của Su-27, hai nguồn phát xạ rất lớn ở cửa hút khí và buồng lái là khiếm khuyết chết người của nó, về phương diện này, Su-35 đã có rất nhiều cải thiện. Các nhà thiết kế Su-35 đã chế tạo ra một vật liệu hấp thụ sóng điện từ, để phun lên bề mặt cửa hút khí và các tấm thép ốp động cơ.

Cùng với 1 lớp sơn dẫn điện, lớp sơn hấp thụ radar này đã làm triệt tiêu khả năng phản xạ sóng radar, mà không hề ảnh hưởng đến lưu lượng các luồng khí phụt và hệ thống chống đóng băng trên máy bay, không bị bong tróc trong điều kiện bay tốc độ cao vượt Mach2, khả năng chịu nhiệt tới trên 200 độ C.

Thiết kế 3 cánh làm cho Su-35 có khả năng cơ động tuyệt vời

Về hệ thống radar điều khiển hỏa lực, Su-35 sử dụng radar mảng pha thụ động IRBIS-E (PESA), cự ly phát hiện máy bay thông thường lên tới 350km, tàu chiến cỡ lớn là 400km. Đặc biệt nó có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình có bề mặt tán xạ radar dưới 3m ở khoảng cách xa 100 - 150 km.

Radar IRBIS-E (PESA) là công nghệ đỉnh cao trên thế giới vượt trội hơn rất nhiều so với các radar AESA của Trung Quốc. Với mô hình thiết kế vừa sục sạo vừa theo dõi, Su-35 có thể cùng lúc bắt chết 30 mục tiêu và đồng loạt phóng 8 quả tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động, để tấn công 8 mục tiêu khác nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại