Tiết lộ vụ đổi chác khiến hàng chục máy bay MiG-29 rơi vào tay Mỹ

Vy Lam |

Nhà phân tích Paul Iddon tiết lộ rằng Mỹ từng có trong tay 21 tiêm kích MiG-29 của Liên Xô, trong đó có 14 chiếc MiG-29C, 1 chiếc MiG-29B và 6 chiếc MiG-29A.

Nước cờ khôn ngoan của người Mỹ

Khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991, các quốc gia độc lập tách khỏi Liên bang được thừa hưởng số vũ khí khổng lồ mà Hồng Quân để lại.

Trong số này, theo nhà phân tích Paul Iddon của trang mạng “War is Boring”, có một câu chuyện khá thú vị liên quan đến lực lượng không quân của nước Cộng hòa Moldova bé nhỏ.

Khi ấy, kho vũ khí của họ có 34 máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum, 8 trực thăng Mi-8 Hip và nhiều trực thăng vận tải.

Đây là lực lượng khá lớn đối với một quốc gia nhỏ như Moldova nên họ không có đủ khả năng để duy trì. Tình hình dần trở nên tệ hơn khi các máy bay bị xuống cấp nghiêm trọng.


Những chiếc MiG-29 của Moldova

Những chiếc MiG-29 của Moldova

Trong lúc này, Mỹ lo sợ Moldova sẽ bán các tiêm kích MiG-29 cho Iran bởi nhờ đó, Tehran có thể củng cố phi đoàn máy bay chiến đấu Fulcrum của mình.

Washington cũng lo ngại Moldova sẽ chuyển giao công nghệ cho các địch thủ của Iran, bởi phi đoàn gồm 14 chiếc MiG-29C của Tehran có thể mang vũ khí hạt nhân.

Vì vậy, vào năm 1997, Mỹ đã dùng công cụ “quyền lực nhất” để có được những chiếc MiG-29 từ Moldova. Đó là… tiền.

Washington đã mua 21 tiêm kích MiG-29 (gồm 14 chiếc MiG-29C, 1 chiếc MiG-29B, 6 chiếc MiG-29A) và dùng máy bay vận tải C-17 để chuyển chúng về Dayton, Ohio.

Đây là một quyết định khôn ngoan của Mỹ bởi nó không chỉ đảm bảo rằng số máy bay này không rơi vào tay Tehran mà còn mang lại cho Washington cơ hội mổ xẻ một trong những loại máy bay chiến đấu tinh vi nhất mà Liên Xô từng chế tạo.

Đổi lại, Moldova nhận được 40 triệu USD tiền viện trợ nhân đạo, một số xe tải quân sự và thiết bị quân sự phi sát thương.

Sau này, Moldova bán số máy bay còn lại cho Eritrea và Yemen.


Một chiếc MiG-29 đang chuẩn bị được vận chuyển từ Moldova đến Mỹ vào ngày 16/10/1997.

Một chiếc MiG-29 đang chuẩn bị được vận chuyển từ Moldova đến Mỹ vào ngày 16/10/1997.

Theo tạp chí Air & Space, sau khi đến Mỹ, những chiếc MiG-29 phần lớn mất hút trong khu vực thử nghiệm gồm nhiều trung tâm tình báo và các cơ sở khai thác của Không quân Mỹ.

Vào thời đó, MiG-29 là một mẫu máy bay chiến đấu cơ động, đáng gờm.

Tên lửa Archer AA-11 (Nga gọi là Vympel R-73) trên MiG-29 được xếp vào hàng tinh vi trong những năm 1990 bởi với hệ thống ngắm bắn trên mũ phi công, nó có thể khóa mục tiêu với góc khóa lớn hơn (tính từ mũi máy bay) so với các máy bay chiến đấu của Mỹ.

Tuy nhiên, lợi thế này đã mất đi khi Lầu Năm Góc triển khai tên lửa AIM-9X vào năm 2003 cùng với màn hình hiển thị trên mũ phi công.

Ngoài ra, Fulcrum chưa có các hệ thống điện tử hàng không và quản lý thông tin cần thiết để phi công nắm được tình hình bên ngoài máy bay hoặc để họ xác định vị trí hiện tại.

Phi công MiG-29 phải dùng bản đồ bằng giấy để xác định vị trí của máy bay.

Nhìn chung, MiG-29 là mẫu máy bay chiến đấu có tính năng kỹ thuật tốt nhưng do không được nâng cấp nên chúng ngày càng trở nên lỗi thời trước những yêu cầu tác chiến trên không của thế kỷ 21.

Sự xuất hiện bí ẩn của MiG-29 trong tay Israel

Cũng thật tình cờ, vào năm 1997, ngoài Mỹ, còn có một quốc gia khác ngoài Liên Xô có được MiG-29. Đó là Israel, nước này này đã mượn được 3 chiếc Fulcrum 1 chỗ ngồi từ một quốc gia giấu tên ở Đông Âu.

Do MiG-29 là mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến nhất mà Nga từng cung cấp cho các đối tác Ả Rập – Iraq và sau này là Syria – nên Israel chắc chắn đã rất hoan hỉ khi có cơ hội tự mình đánh giá và thăm dò tiêm kích này.

Các phi công Israel thử nghiệm MiG-29 đã khá ấn tượng trước chiến đấu cơ Liên Xô. Mặc dù quen dùng các loại máy bay chiến đấu tiêu chuẩn do Mỹ chế tạo nhưng họ vẫn đánh giá MiG-29 dễ điều khiển.

Đáng chú ý là hệ thống máy tính sẽ cho phép máy bay hạ cánh nếu phi công gặp khó khăn. Đó là nhờ hệ thống này có thể “ổn định máy bay trong trường hợp phi công bị chóng mặt, mất định hướng trong không gian”.

Theo tạp chí IAF, “những hệ thống như vậy không có trên máy bay phương Tây, các phi công phải tự tìm cách xử lý tình huống”.

Một phi công thử nghiệm nhận định, khả năng của Fulcrum “ngang ngửa, đôi lúc thậm chí vượt trội hơn cả các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 (do Mỹ chế tạo)”.

“Máy bay có khả năng cơ động cao, có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao hơn nhờ động cơ mạnh mẽ. Các phi công của chúng tôi phải rất cẩn trọng trước mẫu máy bay này khi chiến đấu.

Nếu nó được điều khiển bởi một phi công chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản thì đây sẽ là một đối thủ đáng gờm” – Viên phi công nói.

Không mấy ngạc nhiên vì sao Washington chớp cơ hội mổ xẻ, đánh giá MiG-29 trong lúc ngăn cản Tehran mở rộng phi đoàn máy bay chiến đấu.

Ngày nay, vẫn có nhiều nước trên thế giới vận hành MiG-29, phần lớn ở Đông Âu, Trung Đông và Nam Á.

Ngoài máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, trong biên chế Ba Lan hiện có một số máy bay MiG-29. Kỳ lạ là vào tháng 8/2011, Israel đã ký thỏa thuận nâng cấp các tiêm kích MiG-29 cho Ba Lan.

Cho đến nay, thông tin về quốc gia đã cho Israel thuê các máy bay chiến đấu Fulcrum vẫn là một bí ẩn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại