Trong số đó, có 2 tàu tuần tra cỡ lớn 2.400 tấn (tàu DN-2000 số hiệu 8004 và 8005), 4 tàu tuần tra TT-400, 1 tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển.
Cho đến nay, tất cả 7 tàu đóng theo Nghị quyết 72/2014/QH13 đều đã được hạ thủy, gần đây nhất là vào hôm 30/11, Tổng Công ty Sông Thu đã hạ thủy tàu CSB 8005 (con tàu cuối cùng trong loạt 7 tàu nói trên).
Điểm đáng chú ý trong quá trình đóng tàu tuần tra TT-400 là hiện nay chúng ta (cụ thể ở đây là nhà máy Z173) đã rút ngắn được thời gian thi công từ lúc đặt ky đến khi thử nghiệm xuống còn 6 tháng (thay vì 8 tháng đến 1 năm như trước kia).
Có được điều này là nhờ sự cải tiến các khâu bố trí sắp xếp sản xuất, cải tiến về công nghệ trong các chu trình đóng tàu và hoàn thiện tàu.
Kết quả là hiện nay cả 4 tàu TT-400 đóng mới (mang số hiệu từ 4036 đến 4039) đều đã được nhà máy Z173 hạ thủy, trong đó 2 tàu 4036 và 4037 đã hoàn thiện, sẵn sàng thử nghiệm để đưa vào biên chế chính thức cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Hình ảnh cặp tàu CSB 4036, 4037...
... và cặp tàu 4038, 4039 đang được hoàn thiện tại nhà máy Z173
Khác với 4 tàu TT-400 đầu tiên (số hiệu từ 4031 đến 4034), các tàu số 6, 7, 8, 9 được đóng trên cơ sở thiết kế kỹ thuật của tàu TT-400 chiếc số 5 (4035 hiện đang thuộc biên chế Vùng 4 Cảnh sát biển) với một vài tính năng kỹ chiến thuật được thay đổi cho phù hợp đặc thù hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển.
Với việc hạ thủy thêm 4 tàu tuần tra TT-400, trong tương lai gần Cảnh sát biển Việt Nam sẽ sở hữu đến 9 tàu tuần tra hiện đại này, giúp tăng cường đáng kể năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Xem video: Những con tàu Cảnh sát biển từ Nghị quyết 72 của Quốc hội. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Những con tàu Cảnh sát biển từ Nghị quyết 72 của Quốc hội