Căng thẳng gia tăng, Nga sắp điều Su-35S tới Syria?

Hải Dương |

Tiêm kích Su-30SM đang được triển khai tại Syria vẫn chỉ là chiến đấu cơ mạnh thứ hai trong biên chế Không quân Nga vào thời điểm hiện tại, sau Su-35S.

Đối đầu Su-30SM - F-16 Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội giành chiến thắng?

Diễn biến mới nhất liên quan đến việc Su-24 của Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ là Nga đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tối tân S-400 tại Syria và cho biết sẽ điều thêm nhiều máy bay chiến đấu tới để bảo vệ an toàn cho quân nhà khi thực hiện nhiệm vụ.

Ước tính với tỷ lệ tiêm kích đi theo bảo vệ cường kích là 1:1, Nga sẽ phải huy động thêm tối thiểu 12 chiếc Flanker sang Syria. Câu hỏi được đặt ra lúc này là Nga đã có ý định cho Su-35S sang để sát cánh với Su-30SM hay chưa?

Cần nói thêm rằng trong khi Sukhoi T-50 (PAK FA) chưa chấm dứt giai đoạn thử nghiệm, Su-35S mới là chiến đấu cơ mạnh nhất của Không quân Nga vào thời điểm hiện tại.

Do vẫn ở thế yếu do bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ áp đảo hoàn toàn về số lượng, cho nên Nga rất cần yếu tố chất lượng để bù đắp, nhất là khi Su-30SM vẫn chưa chứng minh được sự vượt trội so với F-16 Block 50 Plus của đối phương.


Tiêm kích Su-27 của Nga song hành cùng F-16 của Mỹ

Tiêm kích Su-27 của Nga song hành cùng F-16 của Mỹ

Cùng thuộc dòng Flanker, nhưng Su-35S được đánh giá cao hơn Su-30SM nhờ các yếu tố sau.

Trước tiên ở khả năng không chiến ngoài tầm nhìn, radar trang bị cho Su-35S là N035 Irbis, hậu duệ của N011M BARS lắp đặt trên Su-30SM.

Mặc dù cùng có tầm trinh sát là 400 km, theo dõi 15 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 4 mục tiêu cùng lúc, nhưng do áp dụng những công nghệ mới hơn mà độ chính xác của Irbis vẫn được đánh giá nhỉnh hơn so với BARS.

Ngoài ra, diện tích phản xạ radar của Su-35S chỉ rơi vào khoảng 10 m², ít hơn đáng kể con số 14 m² của Su-30SM, dẫn đến việc nó khó bị tiêm kích đối phương phát hiện từ xa hơn.

Tiếp theo khi xét đến không chiến quần vòng cự ly gần, nhờ động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) AL-41F1S thế hệ mới nên không cần đến sự hỗ trợ của cánh mũi, Su-35S vẫn có độ cơ động cao hơn Su-30SM trang bị động cơ AL-31FP.

Ngoài ra, kiểm soát bay bằng động cơ 3D TVC sẽ sản sinh ra lực cản không khí ít hơn cách kiểm soát bằng bề mặt truyền thống, khiến tốc độ và tầm bay của Su-35S được tăng lên đáng kể.

Cụ thể, Su-35S có vận tốc tối đa lên tới Mach 2,25 (2.390 km/h) và tầm hoạt động 3.600 km trong khi con số tương ứng của Su-30SM là Mach 2,0 (2.100 km/h) và 3.000 km.

Rõ ràng với những ưu điểm trên, nếu Nga quyết định điều động tiêm kích Su-35S tới Syria sẽ tạo ra được ưu thế nhất định trước F-16 Block 50 Plus của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là kịch bản rất đáng để chờ đợi trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại