Trong trường hợp trên, nguy cơ xảy ra một trận không chiến giữa Su-30SM của Nga và F-16 Block 50 Plus của Thổ Nhĩ Kỳ là rất cao. Vậy ai đang là người nắm giữ nhiều phần thắng hơn?
Tiêm kích F-16D Block 50 Plus của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ
Hiện tại Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu khoảng 30 chiếc F-16C/D Block 50 Plus, đây là biến thể hiện đại bậc nhất của gia đình tiêm kích nhẹ F-16 Fighting Falcon nổi tiếng.
Đặc điểm để nhận biết biến thể này chính là thùng dầu phụ hòa nhập khí động có dung tích 600 gallon gắn trên thân (có khả năng tháo rời).
Máy bay được trang bị radar khẩu độ tổng hợp AN/APG-68(V5) có chế độ tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu, đi kèm với động cơ F100-GE-129 và hệ thống chỉ thị mục tiêu tích hợp trên mũ phi công cho khả năng không chiến cực mạnh ở cả tầm xa lẫn tầm gần.
Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga
Trong khi đó Su-30SM của Nga là máy bay tiêm kích hạng nặng được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, hoạt động tầm xa.
Máy bay được trang bị radar mảng pha quét thụ động NIIP N011M BARS có tầm trinh sát lên tới 400 km, theo dõi 15 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.
Đặc điểm nổi trội khác của dòng chiến đấu cơ này là động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP, giúp Su-30SM chiếm giữ ưu thế rất lớn trong không chiến quần vòng cự ly gần.
F-16 Thổ Nhĩ Kỳ liệu có cơ hội giành chiến thắng trước Su-30SM?
Hiện tại nhiều ý kiến cho rằng trong trường hợp xảy ra đụng độ trên không Su-30SM sẽ dễ dàng "làm gỏi" F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả phiên bản hiện đại nhất Block 50 Plus, liệu nhận định này có chính xác?
Trước hết khi so sánh ở khả năng không chiến tầm xa, radar N011M BARS của Su-30SM phát hiện được mục tiêu trên không từ cự ly 400 km, nhưng đó phải là vật thể cỡ máy bay ném bom B-52 có diện tích phản xạ radar (RCS) 100 m2.
Đối với một chiếc tiêm kích hạng nhẹ có kích thước khiêm tốn như F-16, tầm phát hiện của radar N011M lập tức bị giảm xuống chỉ còn trên 100 km, đó là chưa kể đến việc muốn khóa được mục tiêu thì phải đòi hỏi tiếp cận ở cự ly gần hơn.
Trong khi đó radar AN/APG-68(V5) của F-16 Block 50 Plus cũng có tầm trinh sát rất xa, lên tới 296 km đối với máy bay cỡ lớn và khoảng 85 km đối với tiêm kích hạng nhẹ.
Do có RCS lớn nhất trong các dòng tiêm kích hạng nặng (vào khoảng 14 m2) nên không gì đảm bảo rằng Su-30SM có thể thấy trước và bắn trước khi đối đầu F-16 Block 50 Plus.
F-16C/D Block 50 Plus của Thổ Nhĩ Kỳ không hề tỏ ra kém cạnh Su-30SM của Nga
Tiếp theo khi xét đến khả năng không chiến quần vòng cự ly gần (dogfight), Su-30SM nhờ kết cấu cánh mũi kết hợp cùng 2 động cơ 2D TVC AL-31FP rõ ràng được đánh giá trội hơn F-16 Block 50 Plus.
Tuy nhiên loại động cơ này cũng có nhược điểm là kích thước "khủng", công suất lớn, sẽ khiến nó trở thành đối tượng được ưa thích hơn của đầu dò hồng ngoại gắn trên tên lửa nhiệt so với chỉ 1 động cơ F100-GE-129 nhỏ bé.
Hơn nữa trong các trận dogfight, trình độ của phi công nhiều khi lại chính là yếu tố quyết định phần lớn cục diện khi mà khí tài có độ tương đồng hoặc không chênh lệch lớn về tính năng.
Với một số phân tích trên, có thể nhận thấy Su-30SM không hoàn toàn chiếm ưu thế vượt trội trước F-16C/D Block 50 Plus như nhiều người vẫn tưởng. Nhưng để có cái nhìn chính xác nhất, không gì hơn là để thực tế chiến trường trả lời.