Một trụ Tesla Coil đang phóng điện
Tesla Coil là một tháp phòng thủ cao có hình dáng như cây thông noel với 4 vòng kim loại bao quanh, ở trên đỉnh là quả cầu kim loại - Máy phát điện Van de Graaff, đây là nơi tạo ra điện trường mạnh để phóng đi những tia hồ quang chết chóc nhằm tiêu diệt xe tăng và binh lính đối phương.
Tầm bắn của Tesla Coil lớn hơn đa số các phương tiện chiến tranh khác của quân đồng minh, khiến việc tiêu diệt nó trở nên khó khăn và đòi hỏi phải huy động một lực lượng lớn.
Tuy nhiên Tesla Coil cũng có nhược điểm là tiêu tốn nhiều năng lượng và khá dễ bị tổn thương nếu lọt vào tầm hỏa lực của quân địch.
Tia sét nhân tạo lớn nhất thế giới được tạo ra từ “Tháp Tesla và máy phát điện Marx”
Có thể coi quần thể “Tháp Tesla và máy phát điện Marx” nằm ở khu rừng hoang tại thị trấn Istra, cách Moscow 40 km về phía Tây là hiện thân của vũ khí Tesla Coil ngoài đời thực.
Thiết bị cao thế bí mật ngoài trời này được xây dựng từ cuối thập niên 1970 để thử nghiệm chất cách điện, bảo vệ phương tiện giao thông, máy bay và các trang thiết bị điện trước sấm sét.
Đây là công trình vô cùng đặc biệt, độc nhất vô nhị trên thế giới. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở khả năng sạc đáng kinh ngạc của nó.
Năng lực lớn nhất của máy phát Marx là khi tia sét nhả vào một bề mặt cách ly sẽ tương đương với toàn bộ các nhà máy điện trên toàn nước Nga (gồm cả nhiệt điện, thuỷ điện, điện hạt nhân, điện mặt trời và điện gió cộng lại) nhưng chỉ tồn tại trong 0,0001 giây.
Cỗ máy sấm sét trên có công suất xả không gì sánh bằng, bao gồm một bộ chuyển 3 Megawatt; một máy phát xung điện 9 Megawatt (PVG) cao 39,3 m, nó tạo ra một tia sét nhân tạo dài 150 m (được cho là lớn nhất thế giới) với đơn vị điện áp không đổi 2,25 Megawatt.
Khi so sánh các thông số trên, dễ nhận thấy trừ việc tầm xa mới đạt 150 m thì sức mạnh của tia sét đã rất gần với thứ vũ khí khủng khiếp Tesla Coil trong game Red Alert.
Một chiếc Prism Tank đang khai hỏa
Prism Tank là một phương tiện cơ giới lợi hại của quân Đồng minh, có vai trò chính trong việc chống lại các công trình quân sự của đối phương, nó bao gồm khung gầm một chiếc xe tăng với về ngoài hơi quá khổ do đã bị các thiết bị điện chiếm hết không gian.
Chùm tia năng lượng cao phóng ra từ Prism Tank có thể tiêu diệt toàn bộ cụm binh lực địch, kết hợp với tầm xa và khả năng kết nối khiến nó còn là một vũ khí hiệu quả để chống lại các đơn vị bộ binh.
Tuy nhiên Prism Tank cũng có nhược điểm là giáp yếu, tốc độ bắn chậm, xuyên phá kém đối với phương tiện cơ giới hạng nặng có lớp giáp dày và không bắn được mục tiêu trên không.
Xe tăng laser 1K17 Szhatie của Liên Xô
Phương tiện chiến tranh gần nhất với Prism Tank ngoài đời thực có lẽ là xe tăng laser 1K17 Szhatie. Đây là hệ thống laser phức hợp tự hành thử nghiệm bí mật của quân đội Liên Xô trong giai đoạn thập niên 1970 - 1980.
Szhatie bao gồm một hệ thống máy chiếu laser với thành phần quang học được chế tạo từ ruby đỏ lắp trên khung gầm pháo tự hành 2S19 Msta-S, nó phát ra tia laser cực mạnh nhằm vô hiệu hóa các cảm biến, thiết bị quang học, điện tử của NATO.
1K17 tạo chùm laser bằng cách tập trung ánh sáng thông qua các khối ruby nhân tạo nặng 30 kg nên giá thành sản xuất là vô cùng đắt đỏ.
Hệ thống quang học tạo chùm laser chứa một lớp bạc tráng hình xoắn ốc đặt ở phía cuối, có tác dụng khuếch đại và tăng khả năng hội tụ của chùm tia. Trong khi đó năng lượng cấp cho tia laser xuất phát từ một máy phát điện và một hệ thống pin phụ.
Rất đáng tiếc, khi Liên Xô sụp đổ công việc phát triển Szhatie đã rơi vào quên lãng. Chỉ có 2 nguyên mẫu được chế tạo, 1 chiếc thì trở thành phế liệu còn 1 chiếc hiện đang trưng bày tại Bảo tàng công nghệ quân sự gần Moscow nhưng không có máy chiếu laser.
Một chiếc máy tạo thời tiết
Máy thời tiết là vũ khí tối thượng của quân đồng minh, đối trọng chính với tên lửa hạt nhân của "Quân đỏ". Cỗ máy này có thể thao tác trên các mô hình khí tượng để tạo ra một cơ bão sấm sét mạnh mẽ, tia chớp hình thành phá hủy được cả các công trình bọc thép dày.
Vũ khí thời tiết đặc biệt hữu dụng khi chống lại những cấu trúc lớn như nhà máy, kho tàng... nhưng đáng ngạc nhiên là các tháp canh, lô cốt có độ vững chắc kém hơn nhiều lại vẫn còn tồn tại do có bề mặt nhỏ.
Thiết bị điều khiển thời tiết cũng đồng thời vô hiệu hóa tất cả radar của đồng minh và kẻ thù trong suốt thời gian diễn ra cơn bão.
Nhược điểm của loại vũ khí này là rất tốn kém, mất tới 10 phút để tái nạp năng lượng và triển khai, nó có độ trễ khoảng 12 giây cho tới khi tia chớp đầu tiên được tạo ra.
Các ăng ten phát sóng trong chương trình HAARP của Không quân Mỹ
Trong thực tế, Không quân Mỹ đã triển khai một dự án có tên HAARP (Chương trình nghiên cứu hoạt động cực quang cao tần).
Nội dung của chương trình HAARP là tiến hành các nghiên cứu biến đổi của tầng điện ly khi bị kích thích bởi bức xạ điện từ tần số cao, từ đó cải thiện chất lượng thông tin liên lạc bằng sóng radio cũng như độ tin cậy của các hệ thống radar ở giới hạn đường chân trời.
Kiểm soát tầng điện ly cũng có thể gây khó khăn cho các hoạt động liên lạc bằng vô tuyến của đối phương.
Tuy nhiên, dự án trên đã làm nảy sinh thuyết âm mưu về việc kiểm soát tầng điện ly để tạo ra các trận siêu lốc xoáy, siêu bão có khả năng quét sạch các thành phố dọc bờ biển của đối phương.
Cho dù có rất nhiều thuyết âm mưu về vũ khí thời tiết nhưng dưới góc độ khoa học hiện tại thì việc can thiệp vào thời tiết chỉ có thể thực hiện dưới các hình thức gây mưa, hạn hán, sương mù nhân tạo.
Cái gọi là “vũ khí thời tiết” vẫn chỉ dừng lại ở mức độ gây khó khăn cho các hoạt động quân sự thông qua những kiểu thời tiết bất thường chứ chưa trực tiếp trở thành một vũ khí có tính hủy diệt.