Tiêm kích Mỹ nghỉ hưu: Viễn cảnh kinh hoàng về “UAV thần chết”

Thiên Nam |

Những chiếc tiêm kích loại biên có tốc độ cao, lượng bom đạn lớn có thể trở thành những máy bay tấn công không người lái hay cảm tử cực nguy hiểm.

QF-16 bỏ ngỏ khả năng mang tải vũ khí

Cuối tháng 3 vừa qua, công ty Boeing đã bàn giao chiếc bia bay không người lái QF-16, được cải tạo từ tiêm kích có người lái F-16 đầu tiên cho không quân Mỹ.

UAV bia bay này có số hiệu là QF-007 đã được chuyển tới căn cứ không quân Tyndall, bang Florida, Hoa Kỳ.

Được biết, đây là chiếc đầu tiên thuộc lô đầu tiên, bao gồm 13 chiếc UAV dạng bia bay được cải tiến từ loại tiêm kích có người lái F-16, theo tiêu chuẩn LRIP cho không quân Mỹ.

QF-16 cải tiến thành máy bay không người lái dựa trên nền tảng của loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 danh tiếng lẫy lừng F-16 Fighting Falcon.

Được biết, Công ty Boeing sẽ bàn giao toàn bộ 13 chiếc bia bay này cho không quân Mỹ trước ngày 9-10 năm nay.

Boeing xúc tiến kế hoạch chuyển đổi phi cơ F-16 đã "nghỉ hưu" trở thành phi cơ không người lái từ năm 2010 theo chương trình “Mục tiêu bay kích cỡ thực” (Full Scale Aerial Target - FSAT) của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Để thực hiện giấc mơ này, Lầu Năm Góc chi ít nhất 70 triệu USD để phát triển những phần mềm điều khiển tiên tiến nhất để biến mẫu chiến đấu cơ phổ thông nhất trên thế giới trở thành máy bay không người lái dạng bia bay.

Theo nguồn tin, không quân Mỹ dự định sẽ đặt mua 126 chiếc bia bay không người lái QF-16 để thay thế bia bay QF-4 do Công ty BAE của Anh sản xuất đã hết hợp đồng, chiếc cuối cùng QF-4 đã được bàn giao cho không quân Mỹ hồi tháng 11-2013.

QF-16 chính là chiến đấu cơ F-16 không người lái
QF-16 chính là chiến đấu cơ F-16 không người lái

QF-16 có thể bay theo chế độ lập trình hoặc hoạt động như một thiết bị bay điều khiển từ xa nhưng vẫn giữ nguyên tính năng bay ở chế độ có người lái và khả năng chiến đấu của F-16.

Nó có thể bay tự động với vận tốc Mach 2 và thực hiện các màn nhào lộn như một chiếc F-16 có phi công điều khiển.

Phần mềm điều khiển của Boeing cho phép QF-16 có thể bay ở chế độ "không người lái" dưới sự kiểm soát của hệ thống điều khiển mặt đất là DRGCS (Gulf Range Drone Control System - Hệ thống Điều khiển Máy bay không người lái tầm xa) hoặc được điều khiển bằng GRDCS (Drone Formation Control System - Hệ thống Điều khiển Đội hình Máy bay không người lái).

Theo tuyên bố công khai, không quân Mỹ sẽ sử dụng QF-16 để mô phỏng sự uy hiếp trên không của những tiêm kích Nga như MiG-29, Su-27, Su-30… để các lực lượng phòng không và không quân tập bắn hạ.

Tuy nhiên, gần đây Boeing đã đề xuất đưa dòng bia bay này trở thành một thiết bị tác chiến không người lái như mọi UAV tấn công khác, nhằm tận dụng ưu thế về tốc độ và khả năng hành trình liên tục, tải trọng bom đạn và khả năng tấn công đa dạng của một chiến đấu cơ thế hệ 4.

Không quân Mỹ chưa để cập tới khả năng sử dụng QF-16 trên chiến trường hay tiết lộ chi tiết cơ chế hoạt động của hệ thống vũ khí.

Tuy nhiên, việc các nhà thiết kế không bỏ các giá treo vũ khí trên thân QF-16 cho thấy chúng có khả năng mang tên lửa hoặc bom như F-16.

Bộ đôi chiến đấu cơ không người lái QF-16 và QF-4
Bộ đôi chiến đấu cơ không người lái QF-16 và QF-4

Mỹ sẽ có đội ngũ UAV thần chết cực mạnh?

Chuyến bay thành công đầu tiên của QF-16 diễn ra vào đầu tháng 5-2012 tại căn cứ không quân Cecil Field ở Jacksonville.

Chiếc QF-16 bay tự động ở độ cao 12.500 mét trong suốt thời gian bay dài 66 phút. Vụ thử nghiệm thứ 2 được thực hiện thành công vào tháng 9-2013, tại căn cứ Không quân Tydall.

Trong các chuyến bay thử này, QF-16 vẫn được gắn theo một quả bom.

Mục đích mang theo quả bom này là để đề phòng trường hợp chiếc máy bay bị mất kiểm soát, người điều khiển có thể sử dụng điều khiển xa để phá hủy nó, không để đâm xuống đất.

Với tính năng bay không người lái, QF-16 không chỉ đóng vai trò là một bia bay hoàn toàn có thể biến thành 1 loại UAV cảm tử hay một máy bay tấn công không người lái (UCAV) siêu hạng bởi nó có lượng bom đạn quá lớn, vận tốc cực nhanh, phạm vi hành trình rất xa.

Khả năng này là rất hiện thực không chỉ với F-16 mà còn cả với F/A-18.

Những chiếc tiêm kích hạm dòng Hornet của Mỹ đã từng bay thử tự động nhiều lần trên tàu sân bay với phần mềm bay không người lái của siêu UCAV X-47B trên tàu sân bay.

Trong giai đoạn đầu của dự án X-47B, để hoàn thiện phần mềm bay tự động của X-47B và tránh những bất trắc khi loại máy bay không người lái này bay thử lần đầu, Bộ tư lệnh các hệ thống không quân của hải quân Mỹ (NAVAIR) đã lắp đặt chúng trên tiêm kích hạm F/A-18D Hornet để thử nghiệm.

Không chỉ F-16 mà cả tiêm kích dòng F-18 Hornet cũng có thể bay tự động
Không chỉ F-16 mà cả tiêm kích dòng F-18 Hornet cũng có thể bay tự động

Ngày 18-07-2012, Chi đội Thử nghiệm và Đánh giá thiết bị bay của hải quân Mỹ (VX-23) đã phóng và thu hồi thành công một chiếc F/A-18D được tích hợp phần mềm điều khiển bay tự động của X-47B trong phần cứng điều khiển.

Cuộc thử nghiệm cũng có phi công nhưng họ không tham gia điều khiển mà chỉ có mặt để đề phòng bất trắc.

Sự thành công của các dự án thử nghiệm máy bay chiến đấu có người lái, bay theo chế độ bay tự động và bay có điều khiển của UAV liệu có mở đường cho xu thế sử dụng chúng làm máy bay cảm tử không người lái hay máy bay tấn công không người lái sau khi chúng nghỉ hưu?

Với lượng bom đạn từ 6-8 tấn, nếu được lập trình bay tự động hoặc điều khiển xa để tấn công cảm tử, đâm xuống một mục tiêu nào đó với tốc độ siêu âm thì hậu quả sẽ rất kinh khủng, lớn hơn nhiều lần một vụ tấn công tên lửa đạn đạo thông thường.

Hay là việc sử dụng chúng để thực hiện các phi vụ tấn công tầm xa nguy hiểm như những chiếc máy bay không người lái “Tử thần” MQ-9 “Reaper” hay “Dã thú” MQ-1 “Predator” nhưng với uy lực tấn công kinh khủng hơn hoàn toàn là điều có thể đối với quân đội Mỹ.

Viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra và Hoa Kỳ lại một lần nữa trở thành nước đi đầu?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại