Chiến đấu cơ hiện đại, giá "khủng": Không có cũng chẳng sao!

Phi Yến |

Trước thềm Triển lãm hàng không Farnborough 2014 diễn ra ở Anh, mọi sự chú ý đều đổ dồn về chiếc tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II.

Chiến đấu cơ F-35, loại tiêm kích tàng hình thế hệ 5 tối tân lẽ ra đã là ngôi sao của cuộc triển lãm. Thế nhưng cuối cùng, một trong những chiếc máy bay trị giá trên 100 triệu USD này đã bị cháy động cơ, khiến cả phi đội phải hủy lễ ra mắt.

Tuy nhiên một chiếc phi cơ khác, chỉ tốn 2 năm để thiết kế, chế tạo và bay thử đã tới Farnborough an toàn. Cường kích Scorpion của Textron trị giá 20 triệu USD, không hẳn là một món hàng rẻ nhưng chưa bằng 1/5 giá một chiếc F-35.

Chủ tịch Textron AirLand, ông Bill Anderson nói, hầu hết nỗ lực thiết kế và sáng chế trong nhiều thập niên qua chỉ tập trung vào các mẫu máy bay đắt tiền, tinh vi. Từ những chiếc F-35 đến F-22, cho tới EF-2000 hay F/A-18... đều đặt chất lượng lên trên giá cả.

Tuy nhiên trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, chi phí trở thành một trong những vấn đề mà ngay cả các nước phương Tây giàu có nhất cũng không thể làm ngơ.

Chiếc Scorpion chỉ tốn 2 năm để thiết kế và sản xuất

Tiết kiệm ngân sách

Textron không phải là hãng duy nhất muốn xây dựng công nghệ giá rẻ. Chiếc JF-17 của Trung Quốc hiện đang hợp tác sản xuất với Pakistan được cho là cũng chỉ tốn khoảng 20 triệu USD.

Tương tự, Yak-130 của Nga được sử dụng cho các nhiệm vụ từ chiến đấu, trinh sát cho đến huấn luyện là một ví dụ khác.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà sản xuất muốn theo đuổi ý tưởng máy bay giá rẻ. Tiêm kích MiG-21, được sản xuất từ những năm 1950 vẫn đang rất thịnh hành.

Việc nhiều quốc gia ở châu Á hay châu Phi tiếp tục đặt hàng phiên bản nâng cấp của loại máy bay này cho thấy nó vẫn được các lực lượng không quân có ngân sách hạn chế, ưa chuộng.

Hoa Kỳ cũng từng có những thiết kế như vậy, như chiếc F-5 Freedom Fighter đã phục vụ trong không quân tới hơn 30 năm.

Chiếc Scorpion có vận tốc cao nhất 833 km/h nhắm tới 3 đối tượng khách hàng chính.

Thứ nhất là các lực lượng không quân muốn sở hữu máy bay nhỏ có khả năng thực hiện các vụ không kích cũng như làm nhiệm vụ trinh thám, hoặc muốn thay thế phi cơ cũ.

Thứ hai là những nước đã trang bị hoặc đang sản xuất các máy bay cao cấp, nhưng cũng muốn sở hữu một lượng lớn máy bay giá rẻ.

Thứ ba là các cường quốc quân sự cần máy bay hiện đại để thực hiện những nhiệm vụ đơn giản, trong môi trường ít rủi ro hơn.

Thế nhưng làm sao để tạo ra những chiếc máy bay giá rẻ? Textron đã liên hệ với nhà cung cấp và sử dụng các thiết bị đã và đang nằm trong dây chuyền sản xuất, thay vì làm mới hoàn toàn.

Quy mô đội ngũ kỹ sư cũng rất nhỏ để giúp Anderson và Dale Tutt, trưởng nhóm thiết kế máy bay Scorpion có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng.

"Sau khi đã lên mẫu thiết kế, chúng tôi ra phương hướng cho cả đội và không buộc họ phải tuân theo các yêu cầu quá chi tiết," Tutt nói.

"Chúng tôi không đầu tư thời gian vào việc thiết động cơ mới hay ghế thoát hiểm mà chỉ tập trung vào việc lắp ráp những bộ phận đó lại với nhau và đưa máy bay vào hoạt động".

Máy bay Yak-130

Máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130

Nhiệm vụ tuần tra

Textron cũng có lợi thế là không phải làm theo yêu cầu của một quốc gia hay không quân cụ thể nào. Điều này đồng nghĩa với việc đội thiết kế có thể thay đổi mẫu mã nếu họ cho rằng có lợi cho dự án.

"Một ví dụ là Martin Baker, nhà thiết kế ghế thoát hiểm của Anh," ông Anderson nói.

Họ đã gửi một nhóm kỹ sư đến nhìn vào thiết kế buồng lái và nói: "Nó sẽ không vừa với ghế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ phải tốn vài triệu USD và 18 tháng nữa để chỉnh sửa lại tất cả. Nhưng nếu quý vị có thể tăng chiều dài thêm 3 inch và chiều rộng 2 inch, vấn đề sẽ được xử lý".

"Và chúng tôi đã làm theo yêu cầu này". Chiếc Scorpion không phải là một chiến đấu cơ lợi hại trên chiến trường, tuy nhiên nó có thể cung cấp những video góc rộng về cho chỉ huy dưới mặt đất, giống như các máy bay không người lái ở Afghanistan.

Textron hiện đang muốn cung cấp 350 máy bay huấn luyện cho không quân Mỹ. "Ngay cả ở những nước giàu có nhất, mọi người đều đồng ý rằng chúng ta phải đề cao yếu tố kinh tế hơn," Anderson nhấn mạnh.

"Tất nhiên là chúng ta cần những máy bay chiến đấu hiện đại, nhưng phi công vẫn cần được bay, và số máy bay hiện tại sẽ không đủ để giúp họ luyện tập. Tôi nghĩ rằng hầu hết các nước sẽ nhận ra rằng không phải lúc nào cũng cần đến máy bay hiện đại".

Cường kích Scorpion

Máy bay cường kích Scorpion

Cường kích Scorpion là loại máy bay 2 chỗ ngồi, 2 động cơ, có chiều dài 13,3 m, sải cánh 14,4 m, trọng lượng cất cánh tối đa theo thiết kế là 9,6 tấn.

Theo công bố của Textron, Scorpion có tốc độ tối đa 833 km/h và tầm bay là 4.400 km. Máy bay có 6 điểm treo vũ khí bên ngoài dành cho tên lửa, bom các loại với tổng khối lượng 2,8 tấn.

Một trong những lợi thế hàng đầu của Scorpion là giá rẻ, kể cả về giá thành lẫn chi phí vận hành. Theo tính toán của Textron Airland, giá thành của Scorpion sẽ dưới 20 triệu USD.

Nếu so với F-35 thì đây là mức giá cực thấp. Tính đến thời điểm này, F-35A - phiên bản có giá thành rẻ nhất cũng lên tới 153,1 triệu USD. Các phiên bản còn lại gồm F-35B có giá 196,5 triệu USD và F-35 C là 199,4 triệu USD.

Một lợi thế về giá rẻ khác của Scorpion là chi phí vận hành. Nhà chế tạo tuyên bố chi phí cho mỗi giờ bay của Bọ cạp sẽ dưới 3.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với các máy bay hiện có trong không quân Mỹ.

Hiện nay, chi phí cho một giờ bay của F-35A là 24.000 USD, F-22 là 20.000 USD (có nguồn tin là 44.000 USD), F-16 là 24.899 USD.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại