Tiêm kích tàng hình F-35: Đốt tiền nhưng vẫn nhiều tật

Nam Tào |

Một vấn đề mới của chiến đấu cơ F-35 vừa được phát hiện khi các cảm biến trên máy bay thường xuyên cảnh báo sai về những mối de dọa tiềm năng.

Các cảm biến trên F-35, vốn có nhiệm vụ phát hiện ra các mối đe dọa như tên lửa hay máy bay tấn công, thường xuyên không thể phân biệt được vật thể đang dò tìm và đưa ra những mức cảnh báo sai cho phi công, trang Breaking Defense đưa tin.

Ngoài ra, các kỹ sư Mỹ vẫn chưa tìm ra cách thống nhất dữ liệu về những “mối đe dọa” với máy bay vào phần mềm cài đặt tại trung tâm điều khiển.

Cảm biến trên F-35 thường xuyên đánh giá sai về mức độ nguy hiểm của các vật thể dò tìm được

Để biến việc cảnh báo trở nên chính xác hơn, hệ thống máy bay phải được cài đặt một cơ sở dữ liệu về các mối đe dọa, trong đó hiển thị thông tin của các loại vũ khí có thể gây nguy hiểm cho máy bay.

Việc tạo ra cơ sở này yêu cầu tập hợp nhiều loại dữ liệu từ các cơ quan tình báo quân đội khác nhau.

Trong báo cáo thường niên của ban đánh giá và kiểm tra hoạt động, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, tiến sĩ J. Michael Gilmore kết luận rằng mặc dù phần mềm điều khiển của F-35 đã được cải thiện, tuy nhiên các thông tin cần thiết cho hoạt động vẫn còn nhiều thiếu sót.

Các cảm biến vẫn tiếp tục đưa ra cảnh báo cao hơn mức bình thường, thậm chí theo dõi nhầm mục tiêu và hoạt động kém ổn định.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng hệ thống cảnh báo của F-35 quá nhạy cảm và một cơ sở dữ liệu về các mối đe dọa cho máy bay sẽ không thể hoàn thiện cho tới khi chiếc máy bay đi vào hoạt động.

Chiến đấu cơ F-35 được phát triển thành nhiều phiên bản khác nhau, trong đó F-35B cho lính thuỷ đánh bộ sẽ ra mắt vào mùa hè năm 2015, trong khi phiên bản cho hải quân sẽ ra mắt vào năm 2018 nếu tất cả mọi công việc đều diễn ra suôn sẻ.

Nhiều sự cố kỹ thuật và tốn kém

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những sự cố gần đây của F-35 thì khó ai tự tin rằng Mỹ có thể trình làng mẫu máy bay này đúng thời hạn đề ra.

Kể từ khi chương trình phát triển F-35 bắt đầu vào năm 2001, chi phí của nó đã gia tăng lên rất nhiều và thậm chí thời hạn ra mắt cũng liên tục bị trì hoãn.

Thượng nghị sĩ John McCain, người được coi là nhà phê bình quân đội, đã gọi chương trình này là một trong những vụ tai tiếng lớn nhất của Mỹ về mặt sử dụng tiền ngân sách vào phát triển quốc phòng.

Chi phí phát triển F-35 (36%) khi so sánh với các loại máy bay khác của Mỹ

Hiện chi phí phát triển F-35 đã tăng lên 400 tỉ USD, gần gấp đôi dự tính ban đầu và biến nó thành chiếc máy bay đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ.

Ngoài ra, đây còn chưa tính đến số tiền mà quân đội Mỹ đang định sử dụng để mở rộng phi đội máy bay này trong tương lai và khoản phí ước tính khoảng 650 tỷ USD dùng cho bảo dưỡng.

Như vậy, cả chương trình này sẽ tiêu tốn 1.000 tỷ USD trong vòng một vài thập kỷ tới.

Nguyên nhân của những vấn đề kỹ thuật và chi phí lớn là do nó được phát triển thành quá nhiều phiên bản với những tính năng khác nhau để phù hợp với các nhiệm vụ của bộ binh, hải quân và thuỷ quân lục chiến.

Ngoài ra, Mỹ cũng muốn biến F-35 thành một máy bay oanh tạc, chiến đấu cơ, máy bay hỗ trợ bộ binh, trong khi một vài khả năng trong đó lại đang trái ngược lẫn nhau.

Hệ thống máy tính tinh vi với tham vọng phục vụ cho mọi nhu cầu của mọi phiên bản, giờ có thể trở thành vô dụng.

Vào năm 2008, tập đoàn RAND, một cơ quan nghiên cứu thân cận với quân đội Mỹ đã có các bài kiểm tra độc lập về F-35 và phân tích của họ bị lộ trên báo với kết quả đáng thất vọng như “bứt tốc kém, bay dốc kém và khả năng chuyển hướng hạn chế”.

Gần đây, một vài lỗi phần mềm khác của F-35 vừa được tìm ra, điều có thể khiến pháo trang bị trên cánh máy bay không thể sử dụng cho tới năm 2019 và bom điều khiển đường kính nhỏ không thể triển khai cho tới năm 2022.

Ngoài ra, nhiều lo ngại còn đến từ khả năng tàng hình của mẫu máy bay hiện đại này, khi một vài báo cáo vào năm 2014 đã chỉ ra rằng F-35 không thể vượt qua các hệ thống radar hiện đại mới của Nga và Trung Quốc.

Mỹ còn được cho là cố gắng sản xuất mẫu máy bay này trước cả khi thiết kế cuối cùng của nó được hoàn thiện, như vậy, quân đội Mỹ sẽ phải dành ra hàng tỉ USD để sửa chữa những máy bay thành phẩm nếu phát hiện ra lỗi.

“Việc này chắc chắn sẽ trở thành tin nóng nếu tôi nói ra, nhưng tôi vẫn sẽ nói. Việc đưa F-35 vào sản xuất trước khi bay thử là một sơ suất không thể bỏ qua”, Frank Kendall, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói vào năm 2012.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại