Tiêm kích đắt nhất thế giới chỉ đến Triều Tiên làm cảnh?

Nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, giới chuyên gia nghi ngờ khả năng siêu phẩm tàng hình F-22 có thể bắt được mồi sau hơn 10 năm chưa xung trận.

Mỹ đã điều động tiêm kích tàng hình tối tân F-22 Raptor đến Hàn Quốc tham gia tập trận nhằm đáp ứng mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên. Tuy nhiên, một điều đang được dư luận quan tâm là liệu chiếc tiêm kích đắt nhất thế giới này có thể làm nên trò trống gì ở Triều Tiên hay không?

'Chim ăn thịt' F-22 Mỹ chỉ làm cảnh ở Triều Tiên?
F-22 Raptor hội tụ những tinh hoa công nghệ hàng không tối tân nhất thế giới và được xem là kiệt tác của những nhà thiết kế Mỹ.

Được đưa vào biên chế Không quân Mỹ từ năm 2005, F-22 với những công nghệ tối tân nhanh chóng trở thành tiêm kích tàng hình tối tân nhất thế giới với sự bàn luận sôi nổi từ giới phân tích quân sự, các nhà báo cũng như giới chuyên gia. Tuy nhiên,  những thông số kỹ thuật ghi trên giấy không phải là thước đo tính hiệu quả của bất kỳ vũ khí nào. Chiến trường mới chính là nơi để các loại vũ khí khẳng định sức mạnh của nó.

Hiện đại nhưng không đa năng

Ngay từ đầu, F-22 được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không trước Không quân Liên Xô mà cụ thể là những chiếc tiêm kích nổi tiếng Su-27, MiG-29 có phần lấn lướt so với các tiêm kích Mỹ khi đó.

Toàn bộ những công nghệ được trang bị cho F-22 đều tập trung vào nhiệm vụ không đối không, điều đó khiến nó xem nhẹ khả năng tấn công mặt đất.

'Chim ăn thịt' F-22 Mỹ chỉ làm cảnh ở Triều Tiên?
 

Mặc dù rất hiện đại nhưng F-22 rất hạn chế trong khả năng tấn công mặt đất, điều đó khiến giá trị của chiếc tiêm kích này giảm đi rất nhiều. Chưa có chiến trường nào thích hợp để F-22 có thể dụng võ. Trong ảnh F-22 đang thử nghiệm thả bom thông minh JDAM.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Không quân Nga chưa phải là thách thức đối với Mỹ, mặt khác những khúc mắc về chính trị giữa đôi bên dần được khắc phục, khiến F-22 trở thành “người thừa” trong Không quân Mỹ.

Chính vì lý do dó, dù hơn một thập niên trở lại đây Mỹ tiến hành rất nhiều cuộc chiến tranh trên khắp thế giới nhưng F-22 chưa một lần được xuất trận.

Những nước mà Mỹ đem quân đi đánh đều có lực lượng không quân quá yếu không phải là đối thủ của những tiêm kích như F-16, F-15, F/A-18. “Giết gà đâu cần dùng tới dao mổ bò", những chiếc F-16, F-15. F/A-18 thừa sức đè bẹp đối phương.

Mặc khác, F-22 được thiết kế cho nhiệm vụ không đối không nên khả năng tấn công mặt đất của nó rất hạn chế. Với các nhiệm vụ này, các máy bay khác của Không quân Mỹ đều thực hiện được rất hiệu quả.

Gần đây, F-22 được bổ sung khả năng mang bom hàng không đường kính nhỏ cho nhiệm vụ tấn công mặt đất. Tuy nhiên, khả năng mang vũ khí tấn công mặt đất của F-22 không thấm vào đâu so với "ngựa thồ" F-16, F-15.

Mặt khác, radar của F-22 không có khả năng lập bản đồ mặt đất nên nó chỉ tấn công được các mục tiêu đã được nạp sẵn tọa độ, nghĩa là các mục tiêu cố định.

F-22 từng được kỳ vọng sẽ tham chiến lần đầu tiên trong chiến tranh Libya năm 2011. Tuy nhiên, cuối cùng thì "chim ăn thịt" đã không được lệnh cất cánh để tóm con mồi của mình. Tóm lại, F-22 không có “đất dụng võ”.

Những bất ổn về vấn đề kỹ thuật

Bỏ qua vấn đề về kỹ chiến thuật, có thể F-22 chưa gặp được đối thủ của nó để phô trương sức mạnh. Tuy nhiên, một vấn đề khác khiến tiêm kích hiện đại nhất thế giới bị đánh giá thấp lại bắt nguồn từ những vấn đề kỹ thuật.

Dù được trang bị những công nghệ tối tân nhất của Mỹ nhưng "chim ăn thịt' lại mất khả năng săn mồi do hệ thống điều hòa oxy hoạt động không hiệu quả. Khi hoạt động ở độ cao lớn, F-22 xảy ra tình trạng thiếu dưỡng khí do hệ thống điều áp gặp vấn đề.

'Chim ăn thịt' F-22 Mỹ chỉ làm cảnh ở Triều Tiên?
 

F-22 tối tân chưa xung trận đã tự rụng vì hệ thống điều áp có vấn đề khiến phi công mất kiểm soát đối với máy bay.

Các phi công bay F-22 đều ghi nhận tình trạng bị mất tri thức tạm thời, rối loạn cảm xúc, ban đầu hiện tượng này được “kết tội” cho hệ thống sơn tàng hình trên máy bay. Mặc dù đã có nhiều phàn nàn từ phía phi công nhưng vấn đề này đã không được điều tra một cách kỹ lưỡng.

Chỉ sau khi chiếc F-22 bị rơi ở Alaska khiến phi công Jeffrey Haney tử nạn, thủ phạm mới được tìm ra. Hệ thống điều áp OBOGS chính là thủ phạm gây ra hơn 8 vụ tai nạn của F-22, trong đó có 2 vụ khiến phi công tử nạn.

Trớ trêu thay, cỗ máy chiến tranh tinh vi nhất thế giới lại không thể chiến đấu chỉ vì hệ thống điều áp hoạt động không hiệu quả. Từ đó về sau, những chiếc F-22 phải “đắp chiếu” ở sân bay hoặc hoạt động một cách hạn chế. Những chiếc F-22 tối tân bị giới hạn bay ở độ cao dưới 7,6 km cách mặt đất và chỉ được hoạt động trong vòng 30 phút để đảm bảo an toàn.

Thật may cho người Mỹ những vấn đề kỹ thuật của F-22 đã không phát sinh trong một cuộc chiến thực tế, nếu không chẳng cần đến tên lửa, F-22 cũng đã tự rụng.

Ngày 4/4, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo dỡ bỏ lệnh hạn chế bay của F-22. Toàn bộ 183 chiếc tiêm kích F-22 trong biên chế sẽ được trang bị hệ thống điều áp tự động, công việc sẽ được hoàn thành vào tháng 7/2014.

Tuy nhiên, ngay cả khi được trang bị hệ thống điều áp mới khả năng xung trận săn mồi của "chim ăn thịt" vẫn rất hạn chế không muốn nói là gần như bằng không.

Không quân Triều Tiên hoàn toàn không phải là đối thủ của Mỹ, thế nhưng, có lẽ là lực lượng phòng không và không quân của nước này cũng chẳng cần bận tâm tới sự xuất hiện của F-22 tại Hàn Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại