‘Khám’ kho vũ khí tiền tỷ của quân đội Mỹ (I)

Chỉ một chiếc máy bay ném bom đã có giá hơn 2 tỷ USD hay một chiếc tàu sân bay đã ngốn khoản ngân sách lên đến 6,2 tỷ USD… Mỹ đã không hổ danh là quân đội “xài sang” nhất thế giới.

Không có một quốc gia nào trên thế giới này có ngân sách quốc phòng ‘khủng’ bằng Mỹ. Trong năm tài khóa 2010, Bộ Quốc phòng nước này được duyệt chi 500 tỷ USD chưa kể khoản 130 tỷ USD để tăng cường cho cuộc chiến chống khủng bố và 33 tỷ USD phụ trợ cho các hoạt động “ăn theo” cuộc chiến này.

Nếu tính cả nguồn ngân sách chi cho Bộ An ninh nội địa và duy trì, bảo dưỡng kho vũ khí hạt nhân thì con số còn khủng khiếp hơn nhiều. Đó cũng chính là một trong các lý do vì sao nước Mỹ có kho vũ khí thuộc hàng “đắt tiền” nhất thế giới.

Dưới đây là danh sách 10 loại vũ khí – khí tài có giá đắt đỏ nhất của quân đội Mỹ

Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 (Northrop Grumman B-2 Spirit)

Đây là một trong những “con át chủ bài” của quân đội Mỹ bởi Northrop Grumman B-2 Spirit (tên gọi tắt là máy bay ném bom tàng hình B-2) có thể tiến hành các cuộc tấn công chiến lược và cả tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào các mục tiêu được bảo vệ kỹ càng nhất của đối phương nhờ khả năng tránh được sự phát hiện của radar.

 

Ban đầu, hồi năm 1987, Mỹ dự định sản xuất khoảng 132 chiếc B-2 nhưng về sau khi thấy giá thành sản xuất trở nên quá đắt đỏ, số lượng đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc đã rút xuống chỉ còn…21 chiếc.

Giá của mỗi chiếc B-2 hồi năm 1997 được dự tính là 737 triệu USD (tương đương hơn 1 tỷ USD hiện nay) và nếu tính tổng chi phí sản xuất, mỗi chiếc máy bay ném bom tàng hình này có giá hơn 2 tỷ USD.

Lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng B-2 trong chiến đấu là tại cuộc chiến ở Kosovo hồi năm 1999, nhưng phải đến các cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan nó mới thực sự thể hiện nhiều “uy lực”. Theo hãng tin BBC, trong cuộc chiến Libya hồi năm 2011, B-2 cũng đã từng được đưa vào sử dụng nhưng phía Mỹ không xác nhận thông tin này.

Bell-Boeing V-22 Osprey

Bell-Boeing V-22 Osprey là một chiếc máy bay phản lực nhưng có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng giống như những máy bay trực thăng với tốc độ cao hơn nhiều. Những chiếc máy bay này được sử dụng lần đầu trong cuộc chiến tranh Iraq hồi năm 2007 và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ còn dự định sử dụng nó trên chiến trường Afghanistan hồi cuối năm 2011.

Tuy nhiên, Osprey lại là mẫu máy bay mang quá nhiều tai tiếng bởi hàng loạt vụ tai nạn và sự cố mà nó đã gây ra, đặc biệt là trong giai đoạn đang thử nghiệm về thiết kế và tính năng trong khoảng từ năm 1991 đến năm 2000.

 

Bắt đầu được chính thức sản xuất năm 2009, dự án Osprey khi đó đã tiêu tốn khoảng 27 tỷ USD và đến năm 2010, giá thành của mỗi chiếc Osprey là 67 triệu USD.

Tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN-77)

Được đặt theo tên của cựu Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush, tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN-77) là mẫu “siêu tàu sân bay” Nimitz cuối cùng được Hải quân Mỹ sản xuất. Siêu tàu sân bay này chính thức được khởi công đóng vào năm 2001 do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Northrop Grumman thực hiện với chi phí lên tới 6,2 tỷ USD.

 

Hoàn thiện vào năm 2009, tàu sân bay USS George H.W. Bush trú chân tại một cảng ở bang Virginia. Nó có chiều dài 1.100 feet (khoảng 335 m) và trở thành một trong những chiếc tàu dài nhất thế giới. Do được trang bị tới 2 lò phản ứng hạt nhân nên chiếc tàu này có vận tốc tối đa đạt trên 30 knots (55,6 km/h) và hoạt động liên tục 20 năm mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.

Chiến đấu cơ Lockheed Martin F-35 Lightning II

Ít người biết rằng F-35 Lightning II là một phần trong chương trình liên kết giữa ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, Anh và một số nước đồng minh khác. Tham vọng của các nhà phát triển mẫu tiêm kích này khá lớn khi họ đòi hỏi F-35 phải thực hiện được hầu hết các nhiệm vụ như tấn công trên không, tấn công không đối đất, trinh sát và do thám….

 

Chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 này có chiều dài sải cánh 35 feet (10,7m) và dài 51 feet (15,5m), thùng chứa nhiên liệu có thể chứa 18,000 pounds (8,165 tấn) và vận tốc tối đa đạt 1.200 dặm/h (1.931 km/h).

F-35 Lightning II được trang bị 4 khẩu pháo Gatling và 8 loại tên lửa khác nhau (trong trường hợp tấn công đặc biệt nó còn có thể mang theo bom nguyên tử B61).

Giá thành của mỗi chiếc F-35 được cho là 122 triệu USD và quân đội Mỹ dự định sẽ mua khoảng 2.000 chiếc với tổng ngân sách là 323 tỷ USD.

McDonnell Douglas F/A-18 Hornet

Có tên gọi quen thuộc là F/A-18 Hornet (đôi khi chỉ là F-18), đây là một trong những mẫu tiêm kích chủ lực nhất của quân đội Mỹ do hãng công nghiệp quốc phòng McDonnell Douglas phát triển nhưng ngày nay nó là một sản phẩm của tập đoàn Boeing bởi công ty mẹ đã bị Boeing thâu tóm vào năm 1997.

Mẫu máy bay này được giới thiệu lần đầu vào năm 1983 và đã từng tham gia những chiến dịch nổi tiếng của quân đội Mỹ như chiến dịch “Bão táp sa mạc” đồng thời còn là một thành viên quan trọng trong đội bay biểu diễn Thiên thần xanh của không quân hải quân Mỹ. Nhiệm vụ chủ yếu của F/A -18 hiện nay chỉ còn là trinh sát và hỗ trợ đường không.

 

Những chiếc F/A -18 Hornet có tốc độ tối đa khoảng 1.190 dặm/h (1915 km/h) và có thể đạt độ cao 50.000 feet chỉ trong 1 phút. Ngoài việc phục vụ trong quân đội Mỹ, F/A-18 còn có mặt trong biên chế của không quân Australia, Canada và Thụy Sỹ. Năm 1996, những chiếc tiêm kích này còn xuất hiện trong bộ phim viễn tưởng bom tấn Ngày độc lập (Independence Day) với vai trò là những chiếc máy bay đã bắn hạ người ngoài hành tinh tấn công Trái Đất.

Một báo cáo của Hải quân Mỹ công bố hồi năm 2006 cho biết, giá của mỗi chiếc Hornet là khoảng 57 triệu USD.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại