Không quân Mỹ - Triều: Kẻ tám lạng, người nửa cân?

Có thể dễ dàng mỉa mai Triều Tiên vì cơ sở hạ tầng thiếu thốn của nước này – hệ thống thông tin liên lạc, điện nước, và giao thông yếu kém. Nhưng có một thứ mà quốc gia này sở hữu và rất mạnh mẽ - chính là hệ thống phòng không.

Do hành động quân sự thuộc bất kỳ qui mô nào cũng cần ưu tiên cho việc chiếm giữ không phận của quốc gia mục tiêu. Vì thế, hệ thống ra đa và tên lửa chống máy bay hùng mạnh của chính quyền Kim Jong Un khiến không phận Triều Tiên trở thành một trong những khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không thể xuyên thủng hệ thống phòng không này. Trước đây, Không quân Mỹ đã từng đối mặt với những hệ thống phòng không “rắn” tương tự và đã vượt qua được. Chỉ có điều nhiệm vụ đó không hề dễ dàng. Tuần trước, Mỹ bắt đầu điều máy bay ném bom B-2 tới bán đảo Triều Tiên nhằm “nhắc nhở” Triều Tiên rằng Không quân Mỹ có thể làm được nhiệm vụ khó khăn này.

Dưới đây là một số điểm về chiến lược tấn công và phòng thủ của hai đối thủ trên bán đảo Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ của Triều Tiên

Triều Tiên có hệ thống phòng không phủ gần kín toàn bộ đất nước. Khu vực biên giới gần như là một bức tường ra đa với các hệ thống phủ sóng chồng chéo lên nhau. Bờ biển nước này cũng được phủ kín ra đa để ngăn chặn bất kỳ hành động xâm nhập nào.

Triều Tiên hiện có quá nhiều cơ sở quân sự được đặt ở bên trong lãnh thổ nên không phận nước này được bảo vệ rất tốt. Phần lớn vũ khí khí tài của Triều Tiên được sản xuất từ thời Liên Xô nhưng đã được hiện đại hóa bằng hệ thống kiểm soát điện tử. Triều Tiên cũng sử dụng các thiết bị ra đa của Trung Quốc, các hệ thống ra đa di động được lắp trên các phương tiện vận tại có thể thực hiện chiến thuật “nhắm bắn nhanh rút lui gọn” giúp các hệ thống này nhanh chóng tránh bị tấn công.

Tên lửa của Triều Tiên.

Để đối phó, các chiến đấu cơ có thể tìm cách “lặn” xuống dưới các mạng lưới ra đa. Nhằm chống lại chiến lược đó, Triều Tiên đã đầu tư rất nhiều cho súng chống máy bay. Đây là loại vũ khí công nghệ thấp nhưng nguy hiểm.

Trên thực tế, chính đặc tính thô sơ, ít tinh vi lại là lợi thế của vũ khí này – các loại vũ khí điều khiển bằng tay sẽ không bị tấn công thông qua mạng internet hay chịu các cuộc tấn công điện tử khác. Triều Tiên sẽ dùng súng để bảo vệ các mạng lưới ra đa và bên cạnh đó, nước này còn có loại vũ khí khác có thể đe dọa các máy bay tầm thấp: đó chính là tên lửa đất đối không vác vai.

Triều Tiên có các chiến đấu cơ và máy bay ném bom từ thời Liên Xô nhưng đây không phải là mối đe dọa đáng kể đối với hệ thống phòng không Hàn Quốc cũng như đối với các phi công Hoa Kỳ lái những chiếc chiến đấu cơ hiện đại như F-15 và F-16.

Tầng phòng thủ cuối cùng của Triều Tiên chính là các hầm ngầm – một số căn cứ không quân và trung tâm chỉ hủy của quân đội nước này được đặt dưới mặt đất. Một cuộc không kích có thể cày xới hoặc phá hủy hệ thống hầm ngầm này ngay lập tức nhưng điều đó đòi hỏi các cuộc không kích phải được tiến hành với độ chính xác cực cao và bom tấn công cũng phải thuộc loại đặc biệt như loại bom phá hầm ngầm (bunker buster).

Tình hình đó khiến một chiến dịch không kích trở nên vô cùng phức tạp, đặc biệt là với một chiến dịch có quá nhiều mục tiêu cần phải phá hủy ngay từ lúc đầu và mục tiêu nào cũng quan trọng cả (ví dụ, Triều Tiên có nhiều ụ pháo, tên lửa đạn đạo, vũ khí hủy diệt hàng loạt và lực lượng binh sĩ lớn).

Một số nhà quan sát so sánh hệ thống phòng thủ của Triều Tiên tương đương với hệ thống phòng thủ của Iraq vào năm 1991 mà liên quân do Mỹ đứng đầu đã làm tan rã nhưng mức thương vong lại thấp một cách kinh ngạc. Có lẽ hai nước này có các loại vũ khí tương tự nhau nhưng chiến dịch "Bão táp sa mạc" tiến hành trên đất Iraq đã thành công quá dễ dàng có thể che mờ đi những nguy hiểm đang chờ đợi trên chiến trường Triều Tiên.

Chiến lược tấn công của Mỹ và đồng minh

Các máy bay tàng hình B-2 và F-22 được chế tạo để hoạt động tại các khu vực có hệ thống phòng không dày đặc. Hai loại máy bay này được làm từ những nguyên liệu giúp chúng tàng hình trước các mạng lưới ra đa, một lợi thế rất quan trọng đối với một cuộc tấn công vào Triều Tiên. Nhưng không chỉ có vậy, cả hai loại máy bay này đều có những đặc tính có thể khiến các nhà lập kế hoạch chiến tranh của Triều Tiên phải đau đầu.

Máy bay ném bom B-2 của Không quân Hoa Kỳ.

Máy bay ném bom B-2 có phạm vi hoạt động vô cùng rộng lớn. Triều Tiên có hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể vươn tới các căn cứ không quân Mỹ ở trong khu vực. Nhưng máy bay ném bom B-2 có thể bay từ bang Missouri để tới tấn công sâu trong đất liền Triều Tiên. Còn về bom, B-2 được thiết kế để thả bom có tên gọi "Kẻ xâm nhập hàng loạt", một loại bom phá hầm ngầm với sức công phá lên tới 15 tấn. Do đó, B-2 chính là chìa khóa để phá hủy các mục tiêu quan trọng dưới mặt đất.

Để mở đường cho B-2 ném bom phá hầm ngầm, không quân Mỹ có thể dùng chiến thuật đánh lạc hướng. Năm 1991, quân đội Mỹ đã đánh lừa hệ thống phòng không Iraq bằng cách tung ra một loạt mục tiêu giả để hệ thống ra đa của Iraq xác định và nhắm bắn.

Đây là một chiến thuật quan trọng được dùng để đối phó với các hệ thống ra đa di động. Các mục tiêu giả cũng chính là “mồi nhử” để hệ thống phòng không đối thủ nhắm bắn nhầm và lúc đó B-2 sẽ xuất hiện và thực hiện nhiệm vụ ném bom phá hầm ngầm. Ngày nay, “mồi nhử” ngày càng nhỏ hơn và hiện đại hơn.

Còn chiến đấu cơ F-22 chưa bao giờ được sử dụng trong một chiến dịch thực sự. Nhưng loại máy bay này đã xuất hiện trong các cuộc tập trận của Lầu Năm Góc thực hiện tại Hàn Quốc, một tín hiệu cho thấy có thể đây sẽ là nơi Mỹ tiến hành dùng thử nghiệm loại máy bay này.

Trong số tất cả các loại máy bay tàng hình, F-22 là loại máy bay nhanh nhất, dễ điều động nhất và khó xác định nhất. F-22 thống lĩnh bầu trời và cũng có thể tiến hành các nhiệm vụ bổ nhào. F-22 cũng có thể là “quân cờ” chính ở Khu phi quân sự nếu các căn cứ không quân gần đó của Mỹ - Hàn không bị tấn công bằng vũ khí thông thường (do F-22 không có tầm bay rộng như B-2).

Triều Tiên tỏ ra giận giữ khi các máy bay tàng hình Mỹ xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên bởi lí do: những chiếc máy bay này sẽ là công cụ để khai thác và đánh bại các kế hoạch phòng không của Bình Nhưỡng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại