Người ta đang say sưa chăm chú, tập trung quan tâm đến tên lửa, ngư lôi máy bay, tàu chiến, tàu ngầm hiện đại… với những phương án tác chiến trên trời dưới biển là chuyện của họ, là nghệ thuật quân sự của họ.
Nhưng với Việt Nam, trải qua kinh nghiệm của những cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc thì chưa và không bao giờ quên một loại vũ khí thầm lặng, cực kỳ lợi hại, đã tạo ra rất nhiều cảm xúc cho quân đội ta.
Mìn-vũ khí hộ mệnh cho phòng thủ
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (không cho kẻ thù chiếm lãnh thổ) thì nói đến “cọc Bạch Đằng”, nói đến phòng tuyến Như Nguyệt… dân Việt không ai là không hiểu. Đó chính là những “hàng rào, vật cản” tạo ra thế trận hết sức lợi hại cho hệ thống phòng thủ mà ông cha ta đã biết lợi dụng phát huy.
Nhưng trong chiến tranh giải phóng (giành lại lãnh thổ bị kẻ thù chiếm đóng), đặc biệt là 2 cuộc chiến tranh đối đầu với Pháp và Mỹ thì chính cái “hàng rào vật cản” này lại gây ra vô vàn, vô vàn khó khăn, tổn thất cho quân đội ta.
Một cứ điểm của địch, vây quanh nó là những hàng rào kẽm gai và vô số những quả mìn với nhiều kiểu loại. Thực tế, đây là một hệ thống phòng thủ vòng ngoài nhưng mang tính sống còn của cứ điểm. Không có nó hay bị đối phương khắc phục vô hiệu hóa thì cứ điểm thất thủ.
Nếu như ai đã từng là lính thời chống Pháp, Mỹ và bọn diệt chủng Khmer đỏ, nếu ai từng là lính trinh sát đặc công thì mới nhận thức trọn vẹn về sự lợi hại của MÌN trên bộ (Mìn bộ binh). Vậy còn MÌN dưới nước (Mìn hải quân hay gọi là thủy lôi) thì sao?
Rõ ràng là trong chiến tranh chống Mỹ, Hải quân Việt Nam ta chưa có “tàu to, súng dài” mà rất thô sơ lạc hậu nên chưa nếm trải, cảm xúc cảnh khi một tàu khu trục…bị chìm nghỉm vì thủy lôi, nhưng khi Mỹ phong tỏa vùng biển bằng thủy lôi thì hầu như các tàu vận tải lớn, nhỏ của nước ngoài không dám mon men vào cảng Việt Nam thì... lúc đó, chỉ có những nhà lãnh đạo tầm chiến lược (thời đó) và những người lính Hải quân cảm tử đi rà phá thủy lôi mới hiểu hết thủy lôi nó lợi hại như thế nào, sự uy hiếp của nó ra sao.
Mìn hải quân, về tính chất là loại vũ khí phòng ngự, không có tính cơ động hay cơ động hạn chế (thủy lôi thông minh).
Mìn hải quân khác với tên lửa, ngư lôi là nó uy hiếp đối phương từ khi triển khai tác chiến cho đến khi nổ với một thời gian dài, ngắn, tùy, nhưng liên tục, trong khi tên lửa, ngư lôi uy hiếp không liên tục.
Về chiến thuật nó có thể trở thành vũ khí tấn công hay phòng thủ tùy theo ý đồ tác chiến.
Như vậy, có thể nói mìn hải quân đối với các nước như Việt Nam, Philipines, Singapore, Malaysia…là các quốc gia trấn giữ những con đường hàng hải quan trọng, những eo biển độc đạo như Malacca chẳng hạn thì nó trở nên quan trọng, rất lợi hại, có sức răn đe và sự uy hiếp rất lớn.
Nếu như trong chiến tranh hiện đại, phía tấn công phủ đầu muốn tranh thủ thời gian từng phút, từng giờ để kết thúc chiến dịch thì mìn hải quân của đối phương là thư vũ khí không cho phép điều đó. Một con tàu khu trục hiện đại không thể án ngữ được con đường hàng hải, nhưng vài chục quả mìn hải quân là có thể làm cho bất cứ loại tàu nào phải run sợ mà khắc phục vô hiệu hóa được nó thời gian không phải tính bằng ngày.
Và thậm chí ngay chính mình cũng không phải là vô hiệu hóa được khi cần thiết, như Hải quân Mỹ là một ví dụ.
Sau chiến tranh, Hải quân Mỹ kéo một hạm đội rà quét mìn hùng hậu sang Việt Nam để rà quét hàng trăm quả thủy lôi đã phong tỏa trong chiến tranh còn sót lại, Chiến dịch mang tên “Nhát quét cuối cùng” nhưng kết quả là không làm nổ được một quả nào đành phải “tâm phục khẩu phục” để Hải quân Việt Nam xử lý.
(Ngay cả Trung Quốc lúc đó vẫn không tin Việt Nam đã xử lý thành công mà cho rằng Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ thiết bị tối tân, còn Liên Xô thì ngược lại cho rằng Việt Nam có thiết bị tối tân của Trung Quốc nên mới xử lý được).
Tác chiến dưới mặt biển của mìn hải quân
Khi chưa có tàu ngầm thì mìn hải quân (thủy lôi) được coi như là một lực lượng và phương tiện tấn công và phòng thủ trong lòng biển hiệu quả nhất.
Khi lực lượng tàu ngầm xuất hiện thì vai trò của thủy lôi không những không bị giảm đi mà còn nguy hiểm hơn và nó vẫn không thể thiếu trong tác chiến hiện đại dưới mặt biển. Có thể nói đây sẽ là phương thức bảo vệ phi đối xứng hiệu quả nhất của Hải quân Việt Nam nói riêng và của bất kỳ một quốc gia nào có bờ biển dài, có hải đải tiền tiêu khi thực lực Hải quân chưa đủ mạnh.
Mìn hải quân (HQ) hiện nay nó đã khác xa mìn bộ binh về khái niệm.
Mìn BB chỉ nổ khi tiếp xúc hay tác động trực tiếp nhưng mìn HQ thì không những thế, kích nổ phi tiếp xúc bởi trường vật lý (sóng âm, sóng điện từ).
Mìn BB không cơ động nhưng mìn HQ thì ngoài ra vẫn cơ động, lao vào mục tiêu như quả ngư lôi (thủy lôi phản lực RM-2) hay tự cơ động đến vị trí đã định (thủy lôi cơ động đáy MDS).
Vì vậy, mìn HQ có những nhiệm vụ to lớn, quan trọng trong phòng thủ, đó là: Tiêu diệt tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, tàu đổ bộ của đối phương; tiêu diệt tàu vận tải hoặc phong tỏa các con đường hàng hải quan trọng, huyết mạch kinh tế của đối phương; phong tỏa bến cảng của đối phương.
Trong đó nhiệm vụ phong tỏa thì tên lửa, ngư lôi hay bom thông minh dù hiện đại đến đâu cũng không thể.
Nhưng để phát huy hiệu quả lực lượng mìn HQ thì triển khai, bố trí như thế nào, lúc nào, ở đâu, mang tính quyết định.
Bố trí một bãi mìn HQ để phòng thủ đảo không khó nhưng bố trí mìn HQ trên một vùng biển dài, rộng, nơi tàu ngầm, tàu chiến mặt nước địch có thể xuất hiện đi qua thì cần trí tuệ cao, kinh nghiệm chiến trận dày dạn.
Đặc biệt, nếu khi chưa có tàu ngầm thì việc sử dụng mìn HQ để phong tỏa các con đường hàng hải của đối phương, cầu tàu bến cảng đối phương sẽ gặp vô vàn khó khăn hoặc sẽ không còn yếu tố bí mật như khi phải dùng máy bay để rải thủy lôi thì hiệu quả sẽ thấp và không an toàn.
Chính vì vậy, mìn HQ đi liền với tàu ngầm, mìn HQ sẽ cực kỳ nguy hiểm khi tàu ngầm mang đi bố trí, triển khai (đương nhiên tàu ngầm không phải chỉ có nhiệm vụ đi rải mìn HQ mà có nhiều nhiệm vụ quan trọng gấp bội).
Đến đây chúng ta phần nào hiểu hơn, rằng, lực lượng tàu ngầm Việt Nam nó quan trọng chừng nào trong hệ thống phòng thủ biển. Tuy nhiên, trong thời điểm khi lữ đoàn tàu ngầm (chỉ 6 chiếc) của Việt Nam hoạt động tác chiến thì sức răn đe, uy hiếp với kẻ xâm lược có hơn mìn HQ của Việt Nam gây ra không thì…chưa thể xác định.
Vấn đề quan trọng là Việt Nam âm thầm, “không kèn, không trống” phát triển thứ vũ khí này như thế nào, đến đâu.
Quân dân Việt thời Trần Quốc Tuấn đã đặt những chiếc “cọc Bạch Đằng” đúng vị trí (đoạn sông Bạch Đằng), đúng hướng (mũi nhọn của cọc chếch một góc 45 độ), đúng thời điểm (khi thủy triều rút mạnh thì lộ bãi cọc) đã làm chìm nghỉm hơn 300 thuyền chiến quân Nguyên thì ngày nay, Mìn HQ, thứ vũ khí đó nếu đặt đúng vị trí, đúng hướng, đúng thời điểm thì cũng như “cọc Bạch Đằng” thời Việt Nam hiện đại, tạo ra một uy lực lớn, uy hiếp liên tục, là “cái chết bất ngờ” mà được cảnh báo trước cho quân xâm lược.