Thổ Nhĩ Kỳ ngậm ngùi dùng hàng Pháp: Trung Quốc đắng miệng?

Ngọc Hòa |

Dù đã phải chuyển sang đàm phán mua hệ thống phòng không của phương Tây nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn quay lại với hệ thống FD-2000 do chính mình cự tuyệt.

Trang Janes Defence Weekly dẫn lời trưởng ban thư ký Hội đồng Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSM) Ismail Demir đăng tải chiều 6/11 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể huỷ bỏ kết quả gói thầu tìm mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa (T-LORAMIDS) để mở đường cho dự án phát triển tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới có tính năng hiện đại hơn.

Nguồn tin trên cho biết, hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục đàm phán với đối tác Trung Quốc CPMIEC liên quan tới khả năng mua tổ hợp tên lửa FD-2000. Tuy nhiên, nước này sẽ bắt đầu làm việc với tập đoàn liên doanh Pháp-Italia Eurosam về khả năng phát triển tổ hợp tên lửa phòng không mới với vai trò là một thành phần trong hệ thống phòng không - tên lửa nhiều tầng.

Tên lửa Aster-30 trong một lần thử nghiệm

Động thái trên là do Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc không thống nhất thoả thuận chuyển giao công nghệ và dây chuyển sản xuất FD-2000 tại quốc gia Á-Âu này. Tuy nhiên, SSM hiện quan tâm hơn tới khả năng lập chương trình phát triển tổ hợp tên lửa phòng không mới hoàn toàn có nhiều tính năng kết hợp giữa yêu cầu của gói thầu T-LORAMIDS và tổ hợp tên lửa đánh chặn THAAD của Mỹ.

Nếu quyết định này được SSM thông qua, nhiều khả năng kết quả gói thầu T-LORAMIDS sẽ bị huỷ để bắt đầu một dự án quân sự mới ngay trong cuối năm 2014, và nhà thầu Trung Quốc vẫn tiếp tục được Thổ Nhĩ Kỳ mời tham gia.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngỏ ý thèm muốn hệ thống FD-2000 và vẫn dành tia hy vọng manh cho đối tác CPMIEC nhưng thực chất số phận của cả gói thầu T-LORAMIDS đã được định đoạt từ hồi tháng 8/2014. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bí mật đàm phán với Pháp mua hệ thống phòng không Aster-30.

Theo trang Tin tức tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga, những người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ đang quan tâm đặc biệt đến phương án mua hệ thống phòng không đất đối không tầm trung SAMP/T (trang bị tên lửa Aster-30) của Pháp.

Theo nguồn tin trên, Ban thư ký công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc hội đàm bí mật với công ty tên lửa Pháp. Mục đích chủ yếu là thảo luận về phương án hợp tác mà công ty châu Âu đưa ra trong đấu thầu hệ thống phòng không chống tên lửa tầm xa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù chỉ mới là vòng đàm phán bí mật nhưng điều đó cho thấy, trước sức ép của phương Tây đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải thay đổi quyết định trong việc mua sắm hệ thống phòng không FD-2000 do Trung Quốc sản xuất của mình.

Hồi cuối tháng 9/2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ không chỉ với Mỹ, NATO mà với cả thế giới khi quyết định mua hệ thống phòng không FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9). Quyết định này này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và NATO.

Ngay sau quyết định trên của Ankara, Quốc hội Mỹ đã tuyên bố thông qua luật cấm Thổ Nhĩ Kỳ dùng tiền Mỹ mua tên lửa Trung Quốc. Thông tin trên được báo Business Recorder ngày 15/12/2013 đưa tin.

Theo đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tiền của Mỹ để mua hệ thống tên lửa trị giá 4 tỉ USD từ một công ty Trung Quốc bị Washington liệt vào danh sách đen.

Dự luật cấp phép quốc phòng thường niên của Mỹ, được Hạ viện thông qua, bao gồm một điều khoản cấm sử dụng “kinh phí năm 2014 để tích hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”. Trước sức ép của phương Tây, Trung Quốc gần như chắc chắn đã để vuột mất bản hợp đồng béo bở hòng đưa vũ khí của mình len lỏi vào thị trường của NATO.

Từ số phận của hệ thống FD-2000 tại gói thầu T-LORAMIDS của Thổ Nhĩ Kỳ, hãng Lenta dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc buộc phải nhắm vào khách hàng có thể tự chủ được nguồn tài chính nếu muốn thành công trên thị trường xuất khẩu vũ khí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại