T-34/85 về cơ bản là phiên bản nâng cấp pháo chính của mẫu xe tăng hạng trung nổi tiếng T-34/76 của Liên Xô trong chiến tranh Thế giới thứ 2. Tháng 6 năm 1941, Phát xít Đức nổ súng xâm lược Liên Xô với nòng cốt của lực lượng thiết giáp là các xe tăng Panzer III và Panzer IV, nhưng mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng khi Liên Xô tung ra các nắm đấm thiết giáp bao gồm xe tăng hạng trung T-34 và xe tăng hạng nặng KV-1, KV-2.
T-34/85 cùng các chiến sĩ Hồng quân giải phóng Châu Âu
Xe tăng T-34 lúc đầu được lắp pháo cỡ nòng 76mm có khả năng tiêu diệt các loại xe tăng Panzer III và IV của Đức, nhưng sau đó quân Đức đã giáng trả bằng các xe tăng Panther và Tiger với giáp tốt hơn và pháo lớn hơn. Do đó, T-34/85 là câu trả lời của Hồng quân Liên Xô trước những chiếc xe tăng Đức vốn sử dụng pháo 75mm và 88mm đang nắm ưu thế trên chiến trường.
T-34/85 ngoài pháo mới ra còn có hệ truyền động 5 cấp mới, tháp pháo được thiết kế với 3 người điều khiển nhằm tăng số lượng kíp lái, hệ thống điện giúp tăng tốc độ xoay của tháp pháo cũng chính là tăng sức mạnh của chiếc tăng và cho trưởng xe một vị trí làm việc tốt hơn. Những cải tiến này đã giúp tăng sức mạnh cho một thiết kế vốn đã rất xuất sắc, đặc biệt khi T-34 luôn xuất hiện với số lượng áp đảo xe tăng Đức.
T-34/85 luôn dễ dàng thích nghi các địa hình khó khăn lầy lội
Yêu cầu khi thiết kế ra T-34/85 đó là một chiếc xe tăng có khả năng cơ động cao, giáp tốt và pháo mạnh. Lúc này có một khẩu pháo phòng không cỡ 85mm đang được thử nghiệm trên khung xe tăng hạng nặng KV-85, do đó chọn pháo 85mm lắp cho T-34 là hợp lý. Chiếc xe tăng T-34/85 mới có hai khẩu súng máy, một khẩu đồng trục với pháo chính còn một khẩu nằm phía trước bên phải xe.
Tháp pháo của T-34/85 là tháp pháo mới, được phát triển từ chiếc KV-85 đang thử nghiệm. Khung thân T-34 có tính hoán cải cao, có thể chuyển từ xe tăng hạng trung sang pháo tự hành diệt tăng hay xe chống mìn… Kíp xe T-34/85 có 5 người gồm trưởng xe, lái xe, pháo thủ, nạp đạn viên và điện đài viên kiêm xạ thủ súng máy 12,7mm. Động cơ W-2-34 V12 500 mã lực giúp cho chiếc tăng nặng 32 tấn này có thể chạy tốc độ tối đa 55 km/h.
Xe tăng đầu tiên quân đội Việt Nam nhận được là T-34/85
Những chiếc T-34/85 đầu tiên được trang bị cho các đơn vị xe tăng Cận vệ thiện chiến vào cuối năm 1943 đầu 1944. Các phiên bản đầu tiên này sử dụng pháo chính D-5T 85mm được đặt tên là “Mẫu 1943”. Phiên bản tiếp theo cũng được đặt tên một cách đơn giản là “Mẫu 1944” với pháo S-53 85mm cấu tạo đơn giản để dễ sản xuất hàng loạt hơn cùng với kính ngắm mới cho pháo thủ và điện đài chuyển lên tháp pháo. Có khoảng 12.000 chiếc tăng T-34/85 đã được sản xuất cho Hồng quân cho đến cuối Thế chiến thứ 2.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, T-34/85 thậm chí còn được sử dụng với số lượng lớn hơn và cung cấp cho các nước thân Liên Xô như Trung Quốc và Triều Tiên, nơi T-34/85 được sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến, Triều Tiên có khoảng 150 chiếc T-34/85 và thậm chí cho đến ngày nay, họ vẫn tiếp tục duy trì T-34/85 trong biên chế.
Huấn luyện bộ binh cơ giới cùng xe tăng
Tổng cộng có khoảng 55.000 chiếc T-34/85 đã được sản xuất trên thế giới, có thể nói chiếc xe tăng này là mẫu tăng thành công nhất của Liên Xô thời bấy giờ và chúng đã thiết lập một chuẩn mực xe tăng mới cho chiến tranh Lạnh hay thậm chí đến ngày nay. T-34 về cơ bản rất dễ sản xuất và bảo dưỡng trên chiến trường, thiết kế giáp nghiêng, bánh chịu nặng to và khẩu pháo mạnh mẽ đã hợp nên chiếc xe tăng hiệu quả nhất Thế chiến thứ 2 - nơi giá trị của nó đã được khẳng định bởi những thành tích trên chiến trường.
Bài hát “5 anh em trên một chiếc xe tăng” lấy ý tưởng từ những chiếc xe tăng T35/85 này
T-34/85 cũng là loại xe tăng đầu tiên trong biên chế của binh chủng tăng thiết giáp quân đội nhân dân Việt Nam. Vào tháng 8/1959, 100 xe tăng T-34/85 đã được phía Trung Quốc chuyển giao cho ta để thành lập trung đoàn xe tăng đầu tiên mang phiên hiệu 202. Bài hát “5 anh em trên một chiếc xe tăng” truyền thống của binh chủng tăng thiết giáp chính là viết về 5 chiến sĩ trên xe tăng T-34/85.
Ngoài việc là loại xe tăng đầu tiên của binh chủng tăng thiết giáp, T-34/85 nằm trong đội hình 3 tiểu đoàn tăng, thiết giáp: 297, 397, 198, với 88 xe tăng (33 xe T-34/85, 22 xe T-54, 33 xe tăng lội nước PT-76) đã tham gia chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào hay các chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch Hồ Chí Minh.
Vào cuối những năm 1980, Quân chủng Hải quân được Bộ tổng tham mưu điều chuyển bổ sung một số xe tăng ra quần đảo Trường Sa để tăng cường khả năng phòng thủ, trong đó có cả những chiếc T-34/85.
T-34/85 tại đảo Trường Sa
T-34/85 tại đảo Trường Sa
Hiện nay, hầu hết xe tăng T-34/85 đã được cất vào kho để bảo quản dự trữ, số xe tăng mang ra Trường Sa đã bị hỏng hóc nhiều do chịu ảnh hưởng của môi trường nước biển nên đành phải chôn cố định để làm lô cốt. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong một số cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng, chúng ta vẫn còn được nhìn thấy huyền thoại thế chiến năm xưa sánh bước bên cạnh những người lính trẻ có tuổi đời chỉ vào hàng cháu chắt của mình.
T-34/85 huấn luyện cùng với Hải quân
Với truyền thống "Giữ tốt dùng bền" của Quân đội nhân dân Việt Nam, có lẽ huyền thoại thế chiến T-34/85 sẽ vẫn còn trong biên chế thêm một thời gian khá dài nữa mới được chính thức cho nghỉ hưu!
T-34/85 trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam