10. M4 Sherman (Mỹ)
Được phát triển và sản xuất trong giai đoạn chiến tranh thế giới lần thứ 2, M4 Sherman được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh tham chiến với phe phát xít. Đây là loại xe tăng được sản xuất nhiều thứ 2 trong suốt giai đoạn này, chỉ sau xe tăng T-34.
Tuy không được trang bị pháo cỡ nòng lớn như các xe tăng của Đức lúc bấy giờ nhưng M4 Sherman có ưu điểm dễ điều khiển, có thể vượt qua nhiều địa hình phức tạp, xe có khối lượng 30,3 tấn, xe có thể chạy với tốc độ tối đa 48km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo chính cỡ nòng 75mm (hoặc 76mm), súng máy hạng nặng Browning M2HB, lớp giáp có thể chống được đạn pháo 76mm.
9. Merkava (Israel)
Được sản xuất từ năm 1974 đến nay, xe tăng Merkava là loại xe tăng chủ lực trong biên chế quân đội Israel. Tổng cộng đã có 4 biến thế của xe tăng Merkava đã được sản xuất (Mark I, Mark II, Mark III, Mark IV). Trong đó biến thể Mark III chiếm số lượng lớn nhất (với gần 800 chiếc được chế tạo từ năm 1989 cho đến nay).
Merkava Mark III có khối lượng 65 tấn, tốc độ tối đa lên đến 60km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo nòng trơn cỡ nòng 120mm có khả năng bắn được tên lửa chống tăng LAHAT, 1 súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm, 2 súng máy cỡ nòng 7,62mm, 1 súng cối 60mm lắp vào tháp pháo, lớp giáp của xe tăng Merkava vẫn là một bí mật.
8. T-54/55 (Liên Xô)
Là một trong những mẫu xe tăng phổ biến nhất trên thế giới, cho đến tận ngày nay, T-54/55 và các biến thể của nó vẫn là xe tăng chủ lực trong biên chế của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, xe tăng T54/55 hiện vẫn giữ vai trò chủ chốt trong binh chủng tăng - thiết giáp. Đây là thế hệ xe tăng đã chứng minh tính hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tính năng kỹ chiến thuật, trọng lượng, thiết kế khá phù hợp với địa hình nhiều rừng núi, đường xá nhỏ hẹp hoặc đồng ruộng lầy lội như ở Việt Nam.
T-54/55 đã đạt được nhiều danh hiệu như: Xe tăng được sản xuất nhiều nhất với khoảng 86.000-100.000 chiếc, xe tăng tham chiến nhiều chiến trường nhất và xe tăng được sử dụng lâu đời nhất.
Xe tăng T-54/55 có khối lượng 36 tấn, tốc độ tối đa 48km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo cỡ nòng 100mm, 1 súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm, súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62mm.
7. Challenger (Anh)
Được đưa vào biên chế của quân đội Anh từ năm 1983 (biến thể Challenger 1), đến năm 1998, quân đội Anh đã đưa biến thể Challenger 2 vào sử dụng và đây hiện là loại xe tăng chủ lực của quân đội Anh.
Xe tăng Challenger 2 có khối lượng 62,5 tấn, tốc độ tối đa 59km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo chính nòng xoắn cỡ nòng 120mm (xe tăng Challenger có thể coi là một trong số ít xe tăng hiện đại duy nhất còn sử dụng pháo nòng xoắn), 1 súng máy cỡ nòng 7,62mm, 1 súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62mm.
6. Panzet Mk IV (Đức)
Được nghiên cứu, chế tạo trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2, xe tăng Panzer Mk IV được quân đội Đức quốc xã sử dụng rộng rãi với gần 8.600 chiếc được sản xuất. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, đây cũng là mẫu xe tăng xuất khẩu chủ lực của nước Đức.
Panzer Mk IV có khối lượng 25 tấn, tốc độ tối đa 42km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo cỡ nòng 75mm, 2 súng máy cỡ nòng 7,92mm, lớp giáp của xe dày từ 10-88mm.
(Còn tiếp)