Ngày 08/01/2013, trang mạng Arms-expo.ru của Nga đưa tin Việt Nam đang cân nhắc khả năng mua xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 do nước này sản xuất. Arms-expo cho rằng Việt Nam đang có nhu cầu hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu trước sự lớn mạnh của lực lượng tăng thiết giáp trong khu vực.
T-90 được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga từ năm 1993 và nhanh chóng trở thành “xương sống” của lực lượng tăng thiết giáp Nga. Không chỉ dừng lại ở đó, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 còn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành công nghiệp vũ khí nước này của Nga. Loại xe tăng này gần như đang thống lĩnh thị trường xe tăng chiến đấu chủ lực trên thế giới.
T-90 đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga.
Năm 2001, Ấn Độ trở thành khách hàng đầu tiên của tăng T-90 với 310 chiếc được đặt mua. Bên cạnh mua sản phẩm hoàn chỉnh, Ấn Độ còn mua luôn giấy phép để sản xuất T-90 trong nước với tên gọi T-90 Bhisma. New Delhi đang dự định sản xuất và đưa vào sử dụng tới 1.500 chiếc T-90 Bhisma.
Sau Ấn Độ, Algeria cũng mua số lượng lớn tăng T-90. Hợp đồng mua 185 chiếc T-90 đã được ký kết giữa hai nước vào năm 2009, hợp đồng thứ 2 mua 120 chiếc được ký kết năm 2011. Arab Saudi cũng đã lên kế hoạch mua 150 chiếc T-90 và Azerbaijan cũng đã ký hợp đồng mua 94 chiếc.
Sở dĩ xe tăng T-90 trở nên đắt hàng vì đây là một trong số ít những xe tăng chiến đấu chủ lực trên thế giới đạt được hai tiêu chí “hiệu quả-chi phí”. T-90 được trang bị hệ thống hỏa lực cực mạnh, nó được mạnh danh là “tăng hỏa tiễn” bởi khả năng tiêu diệt đối phương ở cự ly tới 5.000 mét.
Bên cạnh đó, đơn giá của T-90 khá mềm, khoảng 2,3-2,5 triệu USD/chiếc tùy thuộc biến thể. So với đơn giá 6,21 triệu USD của M1A2 Abrams, 5,75 triệu USD của Leopard 2A6, 8,6 triệu USD của Challenger-II thì T-90 là một lựa chọn hợp lý đối với Việt Nam.
Xe tăng T-90 còn kế thừa đặc tính dễ sử dụng, ít hỏng hóc của dòng xe tăng T do Liên Xô sản xuất trước đây. Quân đội Việt Nam đã có truyền thống sử dụng xe tăng của Liên Xô nên việc chuyển đổi sang T-90 chắc chắn không mấy khó khăn.
Trong khi đó, Nga đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu xe tăng chiến đấu chủ lực T-90. Tại triển lãm RAE-2013 vừa qua, Nga đã giới thiệu biến thể T-90MS dành cho xuất khẩu với nhiều tính năng cực kỳ hiện đại.
Như vậy có thể thấy rằng, khả năng Việt Nam mua được T-90 trong điều kiện hiện tại là rất cao, thậm chí hoàn toàn có thể tính đến việc mua biến thể hiện đại nhất T-90MS.
Việt Nam rất cần xe tăng hiện đại
Đã có những ý kiến cho rằng, xe tăng đang trở nên lép vế trên chiến trường và sự đầu tư xe tăng chiến đấu chủ lực mới là lãng phí, không hiệu quả. Các cuộc xung đột quân sự gần đây cho thấy xe tăng có phần yếu thế trên chiến trường, tuy nhiên, nhìn lại những quốc gia có lực lượng xe tăng bị đánh bại đều có thể nhận thấy rằng đó là do xe tăng của họ quá đơn độc khi tham chiến và lạc hậu hơn so với đối thủ.
Việt Nam hoàn toàn có thể tính đến chuyện mua biến thể hiện đại nhất của T-90 là T-90SM.
Xe tăng chiến đấu chủ lực có phần yếu thế so với không quân nhưng nó vẫn là bộ phận hỏa lực mạnh không thể thiếu của lục quân. Thử tưởng tượng, đối phương huy động hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại cùng bộ binh cơ động tấn công trên bộ. Nếu không có xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại để đối phó, bộ binh sẽ lấy gì để chống lại chiến thuật xe tăng của đối phương?
T-54/55 được thiết kế để chống lại các phương tiện bọc giáp nhẹ và trung bình nên rất khó đấu tay đôi với xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại. Lực lượng bộ binh chống tăng cơ động của Việt Nam rất mạnh và có nhiều kinh nghiệm nhưng chỉ phát huy lợi thế ở các địa hình đô thị hoặc những nơi có nhiều vật cản hạn chế tầm nhìn của xe tăng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, mặc dù chúng ta không có xe tăng hiện đại nhưng vẫn đánh bại được chiến lược “thiết xa vận” của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nhưng đó là một cuộc chiến lâu dài.
Trong khi đó, chiến tranh hiện đại chủ yếu là các cuộc xung đột quân sự trong thời gian ngắn với cục diện chiến trường được quyết định bằng sức mạnh hỏa lực. Do đó, các nước trên thế giới vẫn liên tục cải thiện sức mạnh tác chiến của lực lượng tăng thiết giáp.
Mỹ, quốc gia vốn ít xem trọng xe tăng, cũng đã đầu tư gói nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 lên chuẩn M1A2SEP, Đức đã cho ra đời biến thể Leopard 2A7 với nhiều tính năng hiện đại hơn, Nga mặc dù đã có T-90 vẫn miệt mài với chương trình phát triển siêu tăng Armata.
Tại châu Á, Hàn Quốc đã chi 8,5 tỷ USD để phát triển K-2 Black Panther thành xe tăng chiến đấu chủ lực số 1 trong khu vực. Nhật Bản cũng vừa trình làng Type 10 với những công nghệ hàng đầu thế giới và Trung Quốc vẫn liên tục hoàn thiện tính năng chiến đấu của Type 99.
Hơn 50 năm chính chiến, T-54/55 đã quá già cỗi. Mặt khác, nó không được thiết kế để đối phó với xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.
Xu hướng của các nước lớn trên thế giới là quá rõ ràng, Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng mà bỏ qua vai trò của xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.
Mặc dù chúng ta vẫn phải ưu tiên hiện đại hóa không quân và hải quân nhưng lục quân cũng không thể xem nhẹ. Tình hình thế giới ngày càng diễn biến theo chiều hướng hết sức phức tạp và lục quân cần một vũ khí uy lực để nâng cao khả năng phòng thủ trên bộ.