LTS: Như vậy, chiếc tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên HQ-182 Hà Nội trong tổng số 6 chiếc do Nga sản xuất cho Việt Nam theo hợp đồng đã ký vào năm 2009 đã về đến cảng Cam Ranh. Sự kiện này đang được các nhà phân tích quân sự và chính trị trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt. Đó cũng là chủ đề cuộc trao đổi của chúng tôi với Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng.
PV: Thưa ông, nghe tin tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên mang tên Hà Nội đã về đến Việt Nam, cảm xúc của ông lúc này như thế nào?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Lúc này tôi cảm thấy rất tự hào, phấn khởi.
PV: Thời còn công tác trong Hải quân, đã bao giờ ông ước ao Việt Nam mình sẽ có tàu ngầm và tàu sân bay chưa?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Tàu sân bay thì tôi không nghĩ tới vì đất nước ta có bờ biển dài, các sân bay dọc bờ biển nhiều nên mình có thể thành lập không quân, hải quân mạnh mà không cần tàu sân bay. Chúng ta có thể dùng những sân bay ven biển, không quân và hải quân đóng ở trên các sân bay này, cùng với các sân bay phía sau tạo thành mạng sân bay bảo vệ Tổ quốc một cách liên hoàn.
Từ những sân bay như sân bay Vinh, Hải Phòng, Cam Ranh, Đà Nẵng…, khi có vụ việc gấp, cất cánh chỉ 5 phút sau là đã ra biển cách bờ khoảng 50 km nên với Việt Nam, tôi nghĩ rằng không cần tàu sân bay nhưng tàu ngầm thì rất cần.
Tàu ngầm là một trong những phương tiện của hải quân để tác chiến trong lòng biển. Nó có thể phục kích, tập kích và có thể đánh theo dạng đi săn. Vì vậy, nếu có lực lượng này để bảo vệ Tổ quốc thì rất hữu hiệu. Từ thời công tác trong hải quân, tôi đã ước Việt Nam có tàu ngầm. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế chưa cho phép, tiền đề về khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên chưa thể có tàu ngầm được. Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải có tàu ngầm rồi.
PV: Liên quan đến sự kiện Việt Nam mua tàu ngầm, có người đã từng liên tưởng tới việc một người đi trong giá rét có thêm chiếc áo khoác ấm. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Cách ví von đó cũng được nhưng tôi cho rằng nó chưa thật phù hợp. Theo tôi, khi chúng ta có tàu ngầm thì sức mạnh của lực lượng vũ trang Việt Nam nói chung và sức mạnh của hải quân nói riêng như một cánh tay lực sĩ được nối dài ra. Thêm lực lượng này, khả năng chúng ta mở những trận đánh trên biển nhằm bảo vệ Tổ quốc sẽ lớn hơn và phong phú hơn.
PV: Sự kiện tàu ngầm về Việt Nam diễn ra trong một thời gian dài. Trong quãng thời gian đó, đã khi nào ông ước mình được trẻ lại để có thể xin vào điều khiển tàu ngầm?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Tất nhiên rồi, và nếu tôi được trẻ lại, tôi sẽ xung phong đi lính tham gia vào lực lượng điều khiển tàu ngầm. Vừa rồi tôi được vào thăm Vùng 4 ở Cam Ranh, được Tư lệnh Vùng 4 dẫn đi tham quan cơ sở đào tạo kíp tàu ngầm, tôi thấy rất phấn khởi, tự hào. Tôi tin rằng tương lai chúng ta sẽ đào tạo được những kíp tàu ngầm có thể khai thác những chiếc tàu ngầm Kilo này cho xứng với kỳ vọng của nhân dân.
PV: Dưới góc độ là Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh, ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Toàn thể hội viên rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế biển. Giống như tôi, các hội viên cũng rất phấn khởi khi chúng ta có lực lượng tàu ngầm có sức phòng thủ tốt hơn, sức tấn công xa hơn và lớn hơn để chúng ta bảo vệ đất liền, bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta trên thềm lục địa, cũng như vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.
Hội hết sức phấn khởi nhưng cũng cần lưu ý rằng khi đã có lực lượng tàu ngầm, vấn đề về con người điều khiển và sử dụng tàu ngầm cũng rất quan trọng. Chúng ta phải đào tạo được những lớp người xứng tầm với nó cả về tư tưởng, đạo đức, ý chí, trí tuệ để khai thác nó.
PV: Cư dân mạng rất phấn khởi về thông tin tàu ngầm Kilo đầu tiên về đến Việt Nam. Có người nói rằng có 6 tàu ngầm Kilo, Việt Nam không sợ một đối thủ nào. Ý kiến khác lại cho rằng: Suy nghĩ như vậy là rất chủ quan khinh địch. Ông nghĩ sao về hai luồng ý kiến trên?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Một số bạn trẻ thể hiện lòng tự tôn dân tộc như vậy cũng là điều bình thường, chính đáng. Chúng tôi rất hoan nghênh suy nghĩ Việt Nam cần phải có sự phát triển ngang tầm với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, dù đó là lực lượng có sức đột kích mạnh nhưng không quyết định tất cả.
Chúng ta cần phải khiêm tốn để nghe ngóng và thực tế, đây mới chỉ là chiếc đầu tiên về đến Việt Nam, mới chỉ là bước đầu làm quen và huấn luyện. Khi về đủ 6 chiếc thì mới hoàn thiện sức mạnh. Chiếc đầu tiên này về chứng tỏ một điều rằng nhân dân ta, đất nước ta có quyết tâm bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán trên thềm lục địa, cũng như vùng đặc quyền kinh tế của tổ quốc.
PV: Trong thời gian trước đây, một số tàu cá của Việt Nam khi ra khơi đã bị Trung Quốc bắn cháy. Theo ông, việc có tàu ngầm có khiến ngư dân của ta yên tâm hơn, không sợ bị "bắt nạt" khi ra khơi khai thác hải sản?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Đó cũng là một yếu tố giúp bà con yên tâm hơn. Chúng ta phải làm sao cho bà con ngư dân thấy sức mạnh đất nước được tăng lên và họ thấy rằng họ có thể dựa vào sức mạnh đó để vươn ra biển khơi.
Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định thêm một lần nữa là Việt Nam không dùng tàu ngầm đó để đe dọa bất kỳ một ai mà dùng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ việc làm ăn chính đáng của bà con ngư dân trên biển. Sử dụng tàu ngầm có cả một nghệ thuật riêng chứ không như sử dụng tàu mặt nước và tàu bay.
(còn tiếp)